Châu Âu nới lỏng phong tỏa
Các nước châu Âu bắt đầu nới lỏng phong tỏa, trong bối cảnh chính phủ các nước này đẩy mạnh các nỗ lực nhằm khắc phục thiệt hại về kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Hôm 18/5, Italy bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách thận trọng, cho phép các doanh nghiệp và nhà thờ mở cửa trở lại sau 2 tháng phong tỏa.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo việc mở lại quá nhanh trong khi chưa có vaccine phòng ngừa có thể gây ra làn sóng lây nhiễm tàn khốc thứ 2. WHO đang tổ chức một hội nghị trực tuyến y tế toàn cầu để đề ra các giải pháp ứng phó dịch bệnh.
"Tôi chia sẻ niềm vui vì cuối cùng chúng ta có thể quy tụ thành cộng đoàn phụng vụ tại nơi xứng hợp (nhà thờ), một dấu hiệu hy vọng cho tất cả xã hội", Giáo hoàng Francis nói hôm 17/5 trong buổi cầu nguyện trực tiếp. Nhà thờ Thánh Peter hiện đã mở cửa cho khách tham quan.
Tòa thánh Vatican đã ban hành các biện pháp chống dịch tương tự như Italy, trong đó áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt sau khi gia tăng nhanh chóng số ca thiệt mạng và nhiễm virus corona chủng mới.
Các doanh nghiệp bao gồm nhà hàng, quán bar, quán cà phê, tiệm làm tóc và cửa hàng ở Italy sẽ được phép mở lại từ hôm 18/5. Trong khi đó, phòng tập thể dục, hồ bơi, rạp chiếu phim và nhà hát được phép mở vào ngày 25/5.
Tây Ban Nha cũng bắt đầu giảm bớt các biện pháp hạn chế, trong khi Đức đang thực hiện một số bước để mở cửa trở lại, trong cả việc mở lại giải bóng đá hàng đầu của nước này.
Trong khi đó, người dân ở Pháp, Hy Lạp, Italy và Anh có thểm tắm biển, cũng như được phép đến công viên vào cuối tuần để nghỉ ngơi.
COVID-19 hoành hành ở Mỹ Latinh và châu Phi
Dịch COVID-19 hiện lây lan nhanh tại khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Dữ liệu về số ca mắc và thiệt mạng do virus SARS-CoV-2 từ các nước trong khu vực này là lời nhắc nhở về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Số ca thiệt mạng ở Brazil tăng mạnh trong những ngày gần đây, với hơn 241.000 ca nhiễm bệnh vào cuối tuần qua. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nạng nề nhất bởi dịch COVID-19 ở Mỹ Latinh, và là nước có số ca nhiễm bệnh cao thứ 4 trên thế giới.
Các chuyên gia và lãnh đạo khu vực cảnh báo, cơ sở hạ tầng, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại Brazil có thể sụp đổ khi số ca nhiễm bệnh ngày càng gia tăng nhanh chóng.
Mỹ Latinh và vùng Caribe đã ghi nhận hơn một nửa triệu ca nhiễm bệnh, với gần một nửa trong số đó đến từ Brazil. Ngày càng có nhiều cảnh báo về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với những người nghèo trong khu vực.
Các nhóm nhân quyền ở Nicaragua cáo buộc chính phủ nước này che giấu số lượng các ca mắc COVID-19 thực sự với việc chôn cất vội vã người nhiễm bệnh. Các nhân viên bệnh viện Nicaragua cho biết, hệ thống y tế nước này tràn ngập bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Dịch COVID-19 cũng tăng mạnh ở châu Phi về số ca nhiễm bệnh. Trong đó, Nam Phi hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở châu lục này.
Nam Phi hôm 17/5 ghi nhận thêm 1.160 ca nhiễm nCoV, con số cao nhất hàng ngày kể từ ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào tháng 3, nâng tổng số ca nhiễm bệnh ở nước này lên 15,515.
Ảnh hưởng kinh tế nặng nề
Đại dịch đã khiến nền kinh tế thế giới đối mặt suy thoái tồi tệ nhất, kể từ đại suy thoái những năm 1930. Chính phủ các nước đang nỗ lực dỡ bỏ hạn chế, khôi phục lại nền kinh tế trong bối cảnh đang chờ vaccine ngừa nCoV.
Nhật Bản là một trong những nước bị thiệt hại kinh tế sâu sắc bởi dịch COVID-19. Hôm 18/5, Nhật Bản công bố GDP 2 quý liên tiếp đi xuống.
Nhật Bản hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái. Đây là cuộc suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2015. Một số nhà phân tích dự đoán điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cảnh báo suy thoái nghiêm trọng của Mỹ khi tỷ lệ nhiễm bệnh toàn cầu lên tới 4,7 triệu. Chủ tịch FED Jerome Powell cảnh báo, nền kinh tế Mỹ sẽ phải chịu một cuộc suy thoái lớn. Đồng thời, nhấn mạnh sự phục hồi hoàn toàn có thể không xảy ra nếu không có vaccine chống virus SARS-CoV-2.
Bình luận