Phát biểu tại hội trường sáng 15/11, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sau 12 năm thực thi thì tác động của Luật Cạnh tranh ở nước ta rất mờ nhạt với những minh chứng thể hiện cho điều đó.
Thứ nhất, số lượng vụ việc được kết luận là hạn chế cạnh tranh thì rất ít và trong 12 năm mới có 8 vụ điều tra chính thức, tức là trung bình 0,7 vụ/năm.
"Trong khi môi trường kinh doanh ở Việt Nam thì chúng ta đều hiểu rằng, người lạc quan nhất cũng không thể nói rằng cạnh tranh hoàn hảo.
Thị trường thỉnh thoảng lại chứng kiến những sự kiện vô lý đến kỳ lạ, giá xăng giảm nhưng giá vận tải không giảm, giá sữa cứ tăng trong khi giá nguyên liệu không tăng. Cơ quan nhà nước loay hoay tìm kiếm các giải pháp hành chính can thiệp nhưng không nổi, vấn đề cạnh tranh nhưng không ai nói đến pháp luật về cạnh tranh", đại biểu Lộc nói.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch VCCI cho rằng, có nhiều điểm vô lý khác khi "cơ quan nhà nước có thể vô tư ra lệnh cấm bán cát cho khách ngoại tỉnh, uống bia nội tỉnh, yêu cầu nông dân phải dùng thuốc trừ sâu tỉnh nhà, những quyết định hành chính như vậy đã can thiệp trực tiếp vào cung cầu và ít các cơ quan khi ban hành một quyết định hành chính như vậy lại có tính toán gì đến góc độ là quyết định đó ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh".
Vị đại biểu Thái Bình cho rằng, những hạn chế trong quy định của luật chưa đủ bao quát các hành vi hạn chế cạnh tranh, quy định chưa đủ thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sử dụng.
"Hai là hạn chế từ các cơ quan thực thi, cơ quan thực thi chưa chủ động phát hiện xử lý hoặc ít nhất là lên tiếng các vụ việc có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Thứ ba, hạn chế nhận thức của người dân, doanh nghiệp và xã hội và tất cả các cơ quan nhà nước về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến cạnh tranh thiếu động lực để các cá nhân, tổ chức lên tiếng đối với các hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Vì vậy, đại biểu Lộc cho rằng dự thảo phải xử lý được các nguyên nhân này mới có thể mong tạo ra một diện mạo mới cho pháp luật cạnh tranh và kể cả hiện trạng cạnh tranh ở nước ta.
Về quyền khởi kiện dân sự ra tòa, luật này cũng như luật tới không quy định gì. Ban soạn thảo giải thích trong Luật Dân sự quy định rồi, nhưng trên thực tế chúng ta thấy mọi người không hiểu.
Người dân và doanh nghiệp cứ nghĩ rằng khi gặp vụ việc cạnh tranh thì chỉ có quyền kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh thôi, thậm chí các chuyên gia cũng hiểu như vậy.
"Tôi đề nghị không câu nệ gì, ta ghi thẳng trong này là người dân, doanh nghiệp, tất cả cá nhân, tổ chức có quyền kiện ra Tòa án dân sự chứ không nhất thiết là phải xử lý qua cơ quan quản lý cạnh tranh. Cơ quan quản lý cạnh tranh là một cách, nhưng cách khác là người ta có thể kiện ra Tòa án", đại biểu Thái Bình đề nghị.
Ông Lộc lý giải khi kiện ra tòa án dân sự, thì có những hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh không chỉ là phải xử phạt hành chính, mà quan trọng nhất là phải bồi thường thiệt hại cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi những hành vị hạn chế cạnh tranh vi phạm Luật Cạnh tranh, điều đó rất quan trọng.
Video: Xăng có nguy cơ tăng giá kỷ lục
Bình luận