• Zalo

Chiết khấu 23% khiến giá sách giáo khoa tăng cao, Bộ trưởng GD&ĐT làm rõ

Tin tức - Sự kiệnThứ Bảy, 05/08/2023 13:04:30 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm rõ mức chiết khấu sách giáo khoa theo chương trình phổ mới cao đến 23% - tác nhân khiến giá sách tăng cao.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa có báo cáo giải trình gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm rõ một số vấn đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Mức chiết khấu quá cao?

Theo đánh giá của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mức chiết khấu đối với sách giáo khoa, sách tham khảo hiện nay quá cao, cần đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của mức chiết khấu này. 

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Sơn cho biết, hiện Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) chủ trì tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá sách giáo khoa để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Các nhà xuất bản tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa đã kê khai với Bộ Tài chính.

Theo văn bản kê khai giá của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với Bộ Tài chính, mức chiết khấu phát hành sách giáo khoa theo chương trình phổ thông mới từ năm 2020 đến nay là 23% cho sách giáo khoa lớp 1, 2, 6; 22,5% cho sách giáo khoa lớp 3, 7, 10. Còn sách giáo khoa lớp 4, 8 và 11 có mức chiết khấu 21%.

“Mức chiết khấu như vậy tác động đáng kể đến giá sách giáo khoa”, Bộ trưởng khẳng định. Vì vậy, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng mức giá trần của sách giáo khoa theo quy định để tăng cường quản lý của Nhà nước đối với giá sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT không biên soạn sách giáo khoa

Về vấn đề biên soạn sách giáo khoa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội.

Sau 4 năm thực hiện đổi mới chương trình, cả nước có 6 nhà xuất bản và 3 tổ chức có đủ điều kiện tham gia tổ chức biên soạn sách giáo khoa, góp phần tiết kiệm ngân sách Nhà nước.

“Việc Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa sẽ làm hạn chế xã hội hóa, gây ra sự cạnh tranh bất bình đẳng, tốn kém cho xã hội”, ông nêu.

Mặt khác, để hỗ trợ sách giáo khoa với học sinh thuộc các hộ nghèo, các vùng sâu xa, miền núi, hải đảo, Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét đề xuất chính sách giảm giá, không thu tiền sách giáo khoa.

Còn việc biên soạn sách chữ nổi cho người khiếm thị và cung cấp sách giáo khoa cho học sinh và thư viện các trường thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo được thực hiện trên cơ sở là địa phương lựa chọn sách giáo khoa nào thì sẽ tổ chức biên soạn.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT -  Bộ Tài chính xây dựng phương án mua sách giáo khoa trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.

Hiện Bộ GD&ĐT đang tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính toán, xây dựng các phương án hỗ trợ, đánh giá tác động tới ngân sách Nhà nước và xin ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối ngân sách, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Một môn học nhiều bộ sách giáo khoa

Về ý kiến đề nghị đánh giá chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa; có thể thực hiện việc áp dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa cho từng môn học ở cùng một cơ sở giáo dục hay không…”, Bộ trưởng Kim Sơn cho rằng, chương trình là thống nhất, sách giáo khoa là học liệu.

“Nhiều sách giáo khoa góp phần làm phong phú nguồn học liệu để giáo viên và học sinh được tiếp cận”, báo cáo nêu.

Mỗi môn học, giáo viên và các học sinh có thể sử dụng cùng lúc nhiều bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên, cùng một yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, các sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau, sử dụng học liệu khác nhau, để hướng dẫn học sinh học tập cùng một thời điểm với nội dung trên nhiều nguồn học liệu khác nhau là việc rất khó.

Điều này, đòi hỏi giáo viên có nghiệp vụ sư phạm cao, học sinh tự giác học tập và sĩ số lớp không quá đông. Trong hoàn cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT phần nào thừa nhận, nhiều cơ sở giáo dục phổ thông “chưa đáp ứng được điều kiện”.

Về việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất và phù hợp nhất với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25 về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng tăng cường vai trò tự chủ lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn