• Zalo

Biến chủng COVID-19 liên tục xuất hiện, thế giới bao giờ sạch dịch?

Tư liệuThứ Năm, 09/12/2021 07:24:56 +07:00Google News
(VTC News) -

Loạt biến chủng COVID-19 xuất hiện, hoành hành khắp nơi trên thế giới thời gian qua khiến cho tương lai thế giới trở nên bất định.

Sau Delta, biến chủng Omicron đang dần trở nên phổ biến, khả năng sẽ thống trị tại nhiều quốc gia. Chủng COVID-19 mới đang gieo rắc nỗi sợ hãi đối với nhân loại, khiến cho tương lai về một thế giới bình thường giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra hiện nay là sẽ còn bao nhiêu biến chủng đeo đuổi cuộc sống chúng ta?

Liên tục xuất hiện chủng COVID-19 mới

Khát khao dập dịch COVID-19 của chúng ta đã hé lên tia hy vọng khi loạt vaccine lần lượt được tung ra thị trường. Các nước nhanh chóng phủ vaccine, thậm chí một số quốc gia triển khai liều tiêm tăng cường. Những tưởng, vaccine sẽ là cứu cánh, giúp thế giới trở nên an toàn hơn. Song không hẳn vậy, bởi biến chủng COVID-19 liên tục xuất hiện, thậm chí có những chủng mới mức độ nguy hiểm cao hơn, có khả năng né vaccine hiện có.

Biến chủng COVID-19 liên tục xuất hiện, thế giới bao giờ sạch dịch? - 1

Giới y khoa thế giới đang chạy đua với thời gian để sớm giải mã biến chủng Omicron.

Nam Phi bắt đầu báo cáo trường hợp nhiễm biến chủng mới có tên gọi Omicron hôm 26/11. Đến nay, chủng Omicron đã hiện diện tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước như Nga, Argentina, Nepal và Thái Lan là những quốc gia mới nhất xác nhận phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên.

Thông tin về chủng mới đang gây nhiễu cho giới y khoa thế giới khi bắt đầu quá trình nghiên cứu, đánh giá về chủng virus này. Đã có những đồn đoán về mức độ, tính chất nguy hiểm của Omicron song đó cũng chỉ dừng lại ở nhận định, ý kiến mang tính dự báo, chưa có thông tin chính thức về biến chủng Omicron.

Những gì chúng ta biết là chủng virus này có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy, đặc biệt là ở protein gai và dường như lây lan nhanh chóng ở những khu vực nhất định trên thế giới. Các thông tin ban đầu từ Nam Phi cho thấy, những người nhiễm Omicron không mắc bệnh nặng. Các nhà khoa học cho biết, sẽ cần thời gian để theo dõi và phân tích về những đột biến của chủng Omicron.

Trước khi có sự xuất hiện của Omicron, thế giới cũng đã chứng kiến sự biến đổi không ngừng của virus SARS-CoV-2, tạo nên những chủng mới gây khó khăn cho quá trình nghiên cứu, điều trị. Danh sách các biến chủng đã xuất hiện có thể kể đến Alpha (phát hiện lần đầu tiên tại Vương quốc Anh), Belta (Nam Phi), Gamma (Brazil), Delta (Ấn Độ), Epsilon (Mỹ) và Lambda.

Trong các biến chủng kể trên, Delta đang “làm mưa, làm gió” tại nhiều quốc gia trên thế giới. Kể từ lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đã thống trị toàn cầu. Theo WHO, Delta hiện chiếm 99,5% tổng số trình tự gene của bệnh nhân COVID-19 trên toàn thế giới. Sau Delta, còn có Delta Plus - một chủng phụ của Delta, có khả năng lây truyền cao hơn 10-15%. 

Omicron hiện là biến chủng thống trị tại Nam Phi. Trong số 249 ca COVID-19 được giải trình gen trong tháng 11, có tới 183 ca được xác định nhiễm Omicron, tương đương với tỷ lệ 70-75%. Sự xuất hiện của Omicron khiến số ca COVID-19 ở Nam Phi tăng từ trung bình dưới 200 ca/ngày vào giữa tháng 11 lên mốc hơn 16.000 trường hợp/ngày vào cuối tuần qua. 

Thế nhưng, các nhà khoa học vẫn chưa rõ liệu biến thể Omicron có duy trì "công thức" lây lan tại các quốc gia khác tương tự như những gì đang diễn ra ở Nam Phi hay không. Tại Anh, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho rằng Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị trong vài tuần tới. Các cố vấn khoa học của chính phủ Anh chỉ ra rằng số ca nhiễm Omicron ở Anh đang tăng gấp đôi cứ sau 3 ngày. 

Chạy đua sản xuất vaccine

Chủng Omicron xuất hiện đang châm ngòi cho cuộc chạy đua vaccine COVID-19. Vaccine tiếp tục được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để hóa giải biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Dù thế giới vẫn đang chật vật để giải mã Omicron, song sự hiện diện của chủng này cũng là cơ hội cho các hãng dược phẩm trong việc tìm kiếm lợi nhuận khổng lồ từ việc bào chế, sản xuất và phân phối vaccine ra thị trường.

Biến chủng COVID-19 liên tục xuất hiện, thế giới bao giờ sạch dịch? - 2

Các hãng dược phẩm đang ganh đua để nghiên cứu, bào chế, sản xuất và tung vaccine ngừa biến chủng Omicron ra thị trường. 

Thế giới đã học được nhiều điều về cách đối phó với đại dịch trong hai năm qua. Không giống như sự xuất hiện của chung virus corona chủng mới ban đầu, giờ đây các hãng dược ở tâm thế chủ động, sẵn sàng ứng phó trước các diễn biến của dịch bệnh. Thế nên, các hãng dược ngay lập tức phản ứng sau khi các ca nhiễm biến chủng Omicron được báo cáo.

Các nhà sản xuất thuốc và vaccine đang chuẩn bị cho khả năng biến chủng Omicron trở thành thách thức lớn tiếp theo của đại dịch COVID-19. Moderna, Pfizer và BioNTech đều cho biết họ có thể nhanh chóng cập nhật vaccine đối phó với biến thể mới nhờ sự linh hoạt của vaccine công nghệ mRNA mà các hàng này sản xuất.

Moderna nhanh chóng công bố chiến lược đối phó với biến thể Omicron từ hôm 26/11. Công ty này đã bắt tay vào phát triển mũi tăng cường chống biến thể mới. Moderna cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng với các mũi tăng cường khác trong đó có cả các phiên bản vaccine đối phó với các đột biến đã từng xuất hiện ở biến thể Beta và Delta và xuất hiện cả ở biến thể Omicron.

Pfizer và BioNTech - đối thủ của Moderna, cũng tuyên bố công ty này đã thực hiện các bước thử nghiệm từ nhiều tháng trước để có thể điều chỉnh vaccine mRNA trong vòng 6 tuần và xuất xưởng những lô đầu tiên trong vòng 100 ngày nếu xuất hiện một biến thể có khả năng né được hệ thống miễn dịch. Hãng dược này giải thích thêm rằng họ từng tiến hành thử nghiệm lâm sàng để sản xuất vaccine đặc hiệu cho các biến thể Alpha và Delta trước đó.

Các hãng sản xuất vaccine khác cũng không nằm ngoài ngoại lệ. Johnson & Johnson hôm 29/11 cho biết hãng này đang nghiên cứu vaccine đặc trị Omicron. Trong khi đó, Novavax hôm 26/11 cũng đã bắt đầu phát triển vaccine đối phó với biến thể Omicron, sẵn sàng thử nghiệm và sản xuất trong những tuần tới nếu cần thiết.

Trên thực tế, cuộc chạy đua để có vaccine được WHO công nhận dùng trong tình trạng khẩn cấp đang diễn ra khốc liệt. Đi cùng với đó là cuộc cạnh tranh về giá giữa các hãng dược phẩm. Và cuối cùng là việc mở rộng thị trường, khi vaccine của hãng được nhiều quốc gia mua.

Sự ganh đua giữa các hãng dược phẩm là tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho thế giới trong việc ngăn ngừa chủng virus mới, sớm dập dịch. Tuy nhiên, đó cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt vaccine ngừa COVID-19 ở nhiều khu vực trên thế giới - nơi mà những quốc gia ở đó gặp khó khăn gom được số tiền lớn để mua vaccine.

Rõ ràng, nguồn thu từ vaccine là miếng mồi béo bở mà các hãng dược phẩm không thể bor qua. Các công ty dược đạt doanh thu khổng lồ từ việc bán vaccine. Ba "ông lớn" dược phẩm Pfizer, BioNTech và Moderna thu về tổng lợi nhuận trước thuế là 34 tỷ USD trong năm nay, tương đương hơn 1.000 USD mỗi giây, 65.000 USD mỗi phút, hay 93,5 triệu USD mỗi ngày.

Theo Liên minh Vaccine nhân dân (PVA), ba “ông lớn” vaccine này chủ yếu bán sản phẩm cho các nước giàu, trong khi các nước thu nhập thấp chật vật tìm kiếm nguồn cung. Pfizer và BioNTech phân phối chưa tới 1% tổng nguồn cung vaccine COVID-19 của họ cho các nước thu nhập thấp, trong khi con số này của Moderna là 0,2%.

Thế giới sẽ an toàn?

Giới khoa học đã đặt ra những giả thuyết về tương lai của chủng virus corona mới. Theo đó, giả thuyết thứ nhất được đưa ra là sau bước nhảy vọt ban đầu trong trình tự di truyền, khi hàng loạt biến chủng xuất hiện, SARS-CoV-2 có thể sẽ đột biến từ từ và ổn định. Cuối cùng, nó sẽ vượt mặt khả năng bảo vệ của các loại vaccine hiện tại, song quá trình này sẽ mất nhiều năm.

Theo giới y khoa, khả năng khác được đưa ra là sự xuất hiện bất ngờ của một chủng hoàn toàn mới, với khả năng lây lan, độc lực và đặc tính né miễn dịch được xem có thể “thay đổi cuộc chơi”. Đề cập đến kịch bản này, giáo sư vi sinh lâm sàng tại Đại học Cambridge Ravi Gupta gọi những chủng này là “siêu biến thể”, cho rằng 80% chủng khác sẽ xuất hiện.

Biến chủng COVID-19 liên tục xuất hiện, thế giới bao giờ sạch dịch? - 3

Dịch COVID-19 bao giờ biến mất vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Câu hỏi đặt ra là khi nào chủng virus tiếp theo sẽ xuất hiện. Với xu hướng như hiện nay, Omicron có thực sự là siêu biến thể cuối cùng của COVID-19 hay còn có biến chủng khác đáng lo ngại hơn sẽ xuất hiện trong tương lai? Đó là câu hỏi mà không ai có thể trả lời một cách chắc chắn. Trên thực tế, chừng nào chưa có lời giải cho câu hỏi đó thì sẽ khó mà biết được khi nào thế giới sẽ sạch dịch.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, thế giới nhiều khả năng sẽ không thể triệt tiêu hoàn toàn virus. Omicron có thể dẫn virus SARS-CoV-2 đi vào con đường trở thành căn bệnh đường hô hấp theo mùa trong tương lai. Theo đó, cũng như những virus corona khác, loài người có thể bị tái nhiễm SARS-CoV-2 liên tục trong cuộc đời.

Theo thời gian, chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ trước sự xuất hiện các chủng COVID-19 mới. Thế nhưng, các biến chủng sẽ giảm dần độc tính cho tới khi những chủng thống trị không còn gây bệnh nghiêm trọng cho đại đa số người dân.

Giới y khoa cho rằng, loài người có thể sống chung với virus song sẽ phải cậy nhờ vào vaccine. Đến nay, vaccine đã có thể kháng cự, cho thấy hiệu quả đối với các biến chủng virus SARS-CoV-2. Vì vậy, kể cả khi các chủng virus mới không tự giảm dần độc lực, vaccine được bào chế được cho sẽ có tác dụng giảm bớt độc lực của chúng.

Hiệu quả của vaccine đối với các chủng COVID-19 mới sẽ mất dần theo thời gian. Giờ đây, mỗi cá nhân nên sẵn sàng tâm thế rằng virus SARS-CoV-2 dần sẽ trở thành bệnh đặc hữu, thực hiện các khuyến cáo dịch tễ trong phòng chống dịch và làm quen với việc thường xuyên phải chích vaccine phòng dịch.

Đối với các quốc gia, một khi xác định sống chung với dịch, cần thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch. Trong đó, tìm kiếm nguồn cung vaccine, nhanh chóng phủ vaccine sẽ là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định trong chiến dịch chống dịch, hướng đến cuộc sống an toàn hơn cho người dân đối với một quốc gia.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn