Cô con gái đang học lớp 9 của tôi trình bày với bố mẹ bản kế hoạch du học Hàn Quốc, đồng thời xin học tiếng Hàn để sẵn sàng cho việc “săn” học bổng trong vài năm tới. Dù chưa vào cấp 3, cháu đã xác định rõ ràng ngành học và trường đại học mình mong muốn. Nếu xin được học bổng, gia đình vẫn phải chi số tiền rất lớn cho việc ăn ở và các chi phí khác.
Con gái nói nó xem đó là khoản vay, sau này kiếm được tiền sẽ trả cho bố mẹ, vì thế nếu không có học bổng, con vẫn muốn bố mẹ đầu tư cho đi du học.
Xem bản kế hoạch của con và nghe cách nó trình bày để thuyết phục bố mẹ, vợ chồng tôi thấy tự hào và thậm chí còn nể nữa vì thấy thế hệ con mình chững chạc hơn so với mình ngày xưa, có lẽ vì trường tư thục mà chúng tôi cho con học dạy kỹ năng sống rất tốt. Hai vợ chồng đồng ý với nguyện vọng du học của con, tuy nhiên khi nghe nó nói tiếp về mong muốn định cư ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp thì đều chững lại, muốn suy nghĩ thêm trước khi đưa ra quyết định.
Cháu là đứa con duy nhất mà vợ chồng tôi có được sau 15 năm điều trị hiếm muộn, khi cả hai đã buông xuôi không còn hy vọng nữa vì đã ngoài 40 tuổi. Chúng tôi tự chuẩn bị sẵn nền tảng tài chính cho tuổi già của mình nên không cần con phụng dưỡng, nhưng luôn hy vọng sau này con cháu ở gần cho đỡ cô quạnh. Hơn nữa, chúng tôi vẫn luôn cho rằng người trẻ sau khi đi học thành tài thì nên dùng năng lực của mình để phục vụ đất nước.
"Bọn trẻ bây giờ đều thế cả, rất ích kỷ", chồng tôi thở dài khi trở về phòng. Anh ấy gửi cho tôi link bài báo cho biết, theo thống kê từ nhiều nguồn, chỉ một phần nhỏ du học sinh diện tự túc về nước sau tốt nghiệp, khoảng 70-80% ở lại nước ngoài. Theo báo cáo mới nhất của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, số người Việt du học tăng đều các năm, bằng nhiều con đường, ước tính hiện trên 250.000 người. Nếu chỉ tính riêng diện tự túc, mỗi năm tăng khoảng 10.000 người. Như vậy, số người trẻ không về nước làm việc sau thời gian du học vô cùng lớn.
Được đầu tư những nguồn lực tốt nhất để phát triển bản thân, nhưng khi đã đủ lông đủ cánh thì "vỗ cánh bay đi", không nghĩ đến bố mẹ già, càng không nghĩ đến chuyện đóng góp cho đất nước, liệu vợ chồng tôi có khắt khe hay cổ hủ không khi cho rằng giới trẻ hiện nay quá ích kỷ?
Chúng tôi là thế hệ lớn lên với bài học đạo đức là học tốt để báo hiếu bố mẹ và xây dựng đất nước. Tuy nhiên ngày nay, có lẽ vì được đáp ứng quá đầy đủ các nhu cầu mà bọn trẻ hầu như chỉ nghĩ đến bản thân. Các con giỏi hơn, năng động hơn, có kế hoạch rõ ràng hơn khi hoạch định tương lai, nhưng tương lai đó chỉ hướng đến bản thân, đến bố mẹ cũng không được tình đến chứ đừng nói là xã hội, cộng đồng, đất nước.
Ngoài năng lực bản thân, mỗi du học sinh đều được cung cấp nguồn lực rất lớn cho quá trình đào tạo ở nước bạn, không nên chỉ nghĩ đến lợi ích riêng khi đã có thể tự mình tạo ra giá trị. Nếu ai cũng bỏ đi khi trở nên ưu tú, đất nước làm sao phát triển sánh vai các cường quốc năm châu?
Có lẽ một số người sẽ không đồng ý với tôi, cho rằng chỉ nên trách những người đi du học bằng tiền ngân sách, còn những người du học tự túc không bị ràng buộc trách nhiệm, họ có quyền chọn nơi làm việc mà mình mong muốn. Điều đó đúng, nhưng chính vì không bắt buộc, nên lựa chọn về hay ở mới thể hiện tấm lòng, thể hiện người ta ích kỷ hay biết nghĩ cho người khác, cho cộng đồng xã hội.
Nếu tất cả mọi người đều cho sự sòng phẳng đó là đúng, chúng ta sẽ tạo ra nhiều thế hệ chỉ biết nghĩ đến bản thân. Thật đáng lo ngại khi giới trẻ - thế hệ có thể cống hiến nhiều nhất - lại coi việc làm cho đất nước giàu mạnh là trách nhiệm của người khác.
Hãy nhìn sang nước láng giềng của chúng ta là Trung Quốc. Theo Bộ Giáo dục nước này, kể từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa vào năm 1978 đến năm 2019, hơn 6,56 triệu sinh viên đã đi nước ngoài học tập, khoảng 4,2 triệu người về nước sau khi tốt nghiệp, chiếm 86% trong đó 4,9 triệu người hoàn thành chương trình học. Một khảo sát trong năm nay của LinkedIn - mạng xã hội chuyên về tuyển dụng - cho thấy 84% du học sinh bày tỏ nguyện vọng trở về sau khi tốt nghiệp.
Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phát triển nhanh như vậy trong những năm qua. Trong khi đó du học sinh Việt Nam thì ngược lại, phần lớn ở lại nước ngoài làm việc.
Lý do người trẻ lý giải cho việc không trở về là khó thích nghi với môi trường làm việc trong nước nên không phát huy được khả năng, điều kiện làm việc không tốt, văn hóa công sở không phù hợp với những bạn trẻ đang quen với môi trường phương Tây... Điều đó đúng, nhưng làm ở đâu mà không cần nỗ lực thích nghi, ai bảo rằng thành công ở nước ngoài dễ dàng hơn trong nước? Những người trẻ tài năng luôn không ngại đối mặt với khó khăn, vấn đề là họ lựa chọn vì lợi ích của ai mà thôi.
Trở lại câu chuyện của gia đình mình, vợ chồng tôi vẫn xác định sẽ đầu tư cho con gái du học. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nói chuyện với con để dần dần điều chỉnh cách suy nghĩ của con. Vẫn còn thời gian để chúng tôi giúp con hiểu được, học hành trước hết là cho chính mình, nhưng cũng không thể chỉ nghĩ đến bản thân.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận