Hồng Hạnh, 21 tuổi, nữ du học sinh ngành y, tìm thấy niềm đam mê nấu nướng trong hai năm sống xa nhà.
Đó là câu chuyện của Nguyễn Hồng Hạnh, sinh năm 1996, hiện đang học y tại Texas, Mỹ. Đam mê và ưu tiên lớn nhất của Hạnh là khoa học, nhưng tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là nấu ăn cũng rất lớn.
Được biết, Hạnh là con gái út trong một gia đình ở Long An nên được cưng chiều từ nhỏ. Ngày còn ở Việt Nam, cô không biết nấu ăn và cũng chẳng mặn mà với công việc bếp núc. Đến cuối cấp 3, cô gái vẫn không biết nấu món gì và thức ăn đều do ba mẹ hoặc anh chị nấu. Tuy không quan tâm quá nhiều, nhưng đôi khi Hạnh cảm thấy hứng thú với việc nấu nướng.
Mâm cơm đẹp mắt với 3-4 món được Hồng Hạnh chia sẻ trên trang Facebook Christine Nguyễn và trang Instagram là christinenguyens.kitchen.
Những ngày đầu xa nhà sang Mỹ du học, cô tân sinh viên chủ yếu ăn đồ ăn nhanh. Nhưng chỉ sau 1 tháng ăn liên tục, Hạnh cảm thấy thức ăn nhanh quá chán còn đồ ăn trong nhà hàng quá đắt đỏ. Từ đó, cô gái trẻ bắt đầu nghĩ tới việc học nội trợ và tự nấu ăn tại nhà.
“Mục đích ban đầu của em là nấu cơm để tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian và giúp cho cơ thể đủ dinh dưỡng. Trung bình hàng tháng, chi phí mua nguyên liệu và tiền điện chưa bằng một nửa tiền ăn bên ngoài. Một bát phở ở nhà hàng Việt Nam bên này cũng có giá dao động ở $18, còn ở các nơi khang trang hơn thì một lần ăn mất $50-60 là chuyện rất bình thường. Số tiền $50 ấy là đủ cho em mua nguyên liệu tươi cùng với trái cây, sữa cho cả một tuần. Ngoài ra, đi ăn hàng quán tại những giờ cao điểm thì thời gian tìm chỗ đậu xe, xếp hàng để được sắp chỗ ngồi, gọi món rồi chờ mang ra sẽ rất lâu.
Những lí do ban đầu rất thực tế như thế, nhưng càng về sau, em nhận ra nấu ăn chính là một việc em "thích và muốn làm" thay vì "cần và phải làm”. Sau đó thì nó đã trở thành một sở thích không thể thay thế, mang lại rất nhiều niềm vui cho em. Vừa ăn ngon, vừa giải trí, mà nó cũng khiến em cảm thấy đã phần nào hoàn thiện bản thân hơn.”
Cơm katsu cà ri Nhật
Thời gian đầu, dù đã chọn những món Việt Nam đơn giản như cơm rang, canh chua…nhưng Hạnh khá khổ sở vì chưa quen việc bếp núc và những món ăn do cô nấu có mùi vị rất tệ. Vì vậy, cô phải bám sát công thức, đong đếm từng thìa gia vị để không bị mặn hay nhạt quá. Khi đã quen, Hạnh nấu nhanh hơn, có nhiều thời gian cho việc trang trí thành phẩm. Lâu dần việc nấu ăn mang đến cho cô gái trẻ rất nhiều niềm vui. Hạnh vào bếp bằng đam mê thay vì nấu để ăn cho no bụng như trước.
Sushi và mì udon do Hạnh nấu
“Em mất hai tuần để tự học cách sơ chế nguyên liệu và nấu tốt những món đơn giản như thịt kho, canh chua, trứng cuộn. Nguồn tham khảo thì nhiều, gọi về hỏi gia đình cũng có, xem video trên Youtube cũng có, đọc cách bài viết nấu ăn, rồi mua sách nấu ăn về đọc…. Ban đầu do chưa quen, tay còn lóng ngóng nên mọi thứ lung tung, lộn xộn nhưng chỉ sau vài ngày em đã biết cách giữ gọn gàng hơn trong quá trình chuẩn bị và nấu nướng. Bước đầu thì em bám sát công thức, đong đếm từng loại gia vị, sau khi thành thạo thì gia giảm tùy khẩu vị cá nhân.” Hạnh chia sẻ.
Cà ri xanh Thái Lan
Do khá bận rộn với công việc dịch thuật và việc học ở trường nên Hạnh luôn tính toán trước việc đi chợ để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc. Mỗi ngày, cô đều lên trước thức đơn để khỏi đau đầu nghĩ hôm nay ăn gì. Cô tranh thủ đi chợ vào cuối tuần rồi về sơ chế luôn các thực phẩm tươi sống. Thời gian để Hạnh đi chợ và sơ chệ́ nguyên liệu mất 3-4 tiếng, nhưng nó giúp tiết kiệm thời gian trong suốt một tuần mỗi lần vào bếp nấu cơm.
Mì và gà sốt bơ Ý
“Thông thường em nghỉ trưa 2 tiếng, về nhà nấu cơm mất khoảng 30-40 phút, ăn và rửa bát xong vẫn còn thừa thời gian ngồi nghỉ ngơi trước khi quay trở lại trường. Ăn trưa em nấu những món gần gũi, giản dị. Còn buổi tối nếu không quá mệt, và cuối tuần, thì em nấu các món cầu kì hơn. Tuy nhiên lúc nào cũng phải đảm bảo có đầy đủ rau củ.”
Bây giờ nhìn lại thì gia đình đã công nhận Hạnh nấu ăn giỏi hơn cả họ, dù cô vẫn còn nhiều điều cần phải học hỏi. Và cuối cùng, việc nấu nướng đã giúp Hạnh rút ra được một điều: Nếu không thử sức thì sẽ không biết được đam mê thực sự của mình là gì.
Ngoài các món Việt thì Hạnh thường nấu món Nhật. Đôi khi cô nấu cả món Thái, Ý, và Mỹ. Như bữa sáng với hotcake, thịt xông khói, trứng ốp và rau quả của Mỹ.
Thỉnh thoảng có kế hoạch ở lại trường vào buổi trưa thì Hạnh làm cơm hộp bento kiểu Nhật mang theo.
Ở một mình nhưng Hạnh rất ít khi bỏ bữa. Mỗi ngày không cầm vào dao thớt, cô gái quê Long An thấy khó chịu.
Bình luận