Uống cà phê khi bụng đói có thể làm tăng nồng độ axit trong dạ dày và dẫn đến đầy hơi; những nghiên cứu như vậy không mới đối với chúng ta. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thói quen có thể làm hỏng hệ tiêu hóa của chúng ta mà bạn thậm chí còn không hề hay biết cho đến khi đọc những khuyến cáo của các chuyên gia sức khỏe ngay sau đây.
1. Uống nước cam khi bụng đói
Nếu bạn có thói quen bắt đầu một buổi sáng hàng ngày bằng việc uống nước cam, có lẽ đó không phải là quyết định tốt nhất. Nói chung, ăn trái cây có múi khi bụng đói có thể làm tăng nguy cơ sản xuất axit, dẫn đến đau bụng, buồn nôn, đầy hơi và ợ chua.
Hơn nữa, đường fructose trong trái cây có thể làm chậm hệ thống tiêu hóa của bạn nếu bạn ăn nó trước bữa ăn. Uống nước cam có thể “lấn át hệ tiêu hóa” và làm hỏng “vi khuẩn tốt” trong đường ruột của bạn.
2. Rửa bát bằng miếng bọt biển
Các chuyên gia khuyên bạn nên sử dụng bàn chải bằng nhựa hoặc silicon vì chúng có xu hướng khô nhanh hơn khi không sử dụng. Bọt biển giữ ẩm trong thời gian dài khiến vi khuẩn có cơ hội phát triển trong đó, sau đó nếu bạn dùng chúng cho việc rửa bát đũa thì nguy cơ làm lây lan vi khuẩn ra bát đũa hoặc dụng cụ chế biến thức ăn sẽ rất cao.
Bàn chải hay các loại dụng cụ rửa bát dạng lưới dễ khô thoáng cũng dễ làm sạch và tốt hơn là bạn nên cho chúng vào máy rửa bát mỗi tuần một lần.
3. Để bát đĩa bẩn trong máy rửa bát qua đêm
Các chuyên gia nói rằng bạn cần chạy máy rửa bát của mình trong vòng một ngày sau khi bạn sắp xếp bát vào đó. Vi khuẩn có thể sống trên bát đĩa bẩn đến 4 ngày và bạn cần ngăn chặn sự lây lan của chúng.
Đúng là vi khuẩn chỉ có thể tồn tại ở một nhiệt độ cụ thể và máy rửa bát sẽ tiêu diệt chúng bằng nước ấm nhưng nếu thiết bị đã cũ, tốt hơn hết bạn nên tránh mọi rủi ro bằng cách rửa bát thường xuyên và thực hiện trong ngày.
4. Thay thế các bữa ăn bằng salad
Salad rau không quá tốt để thay thế bữa ăn mặc dù nó có rất nhiều vitamin. Nó không có protein và việc thiếu chất này có thể dẫn đến các biểu hiện rối loạn (regulatory disfunction) khác nhau trong cơ thể.
Ngoài ra, ăn đồ lạnh mọi lúc cũng không tốt cho dạ dày của bạn. Chúng cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe sau khi ăn. Hơn nữa, nếu bạn quan tâm đến đường ruột của mình và muốn tránh đầy hơi, bọng mắt và chuột rút, bạn cần ăn nhiều thức ăn nóng hơn. Đối với thói quen ăn uống hàng ngày, dựa vào nhiệt độ và sự vận hành của các cơ quan cơ thể, bạn nên tránh đồ ăn lạnh.
5. Ăn váng sữa và sữa chua vào buổi tối
Món ăn nào cũng có thể tốt với người này nhưng lại không tốt đối với người khác. Váng sữa và sữa chua thực sự có thể khiến quá trình tiêu hóa của bạn trở nên tệ hơn nếu bạn ăn chúng vào buổi tối trong khi dạ dày của bạn đang không được ổn.
Các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa ở Ấn Độ cho biết, những người bị axit và trào ngược axit dạ dày đặc biệt nên tránh thói quen này, hệ thống tiêu hóa có thể trở nên chậm chạp, váng sữa và sữa chua có thể gây táo bón.
6. Thường xuyên nhai kẹo cao su
Các nhà nghiên cứu nói rằng nhai kẹo cao su thường xuyên có thể gây ra các vấn đề như đau hàm và tiêu chảy. Một viên kẹo cao su mỗi ngày là đủ cho cơ thể của bạn, đừng ăn quá nhiều.
7. Ăn nhiều loại trái cây khác nhau cùng một lúc
Chế độ ăn uống theo triết lý Ayurveda không khuyến khích trộn các loại trái cây khác nhau mà nên ăn riêng vì mỗi loại trái cây có vị chua riêng. Trộn tất cả các loại chua đó với nhau có thể trở nên nguy hiểm cho dạ dày của bạn trong trường hợp bụng dạ của bạn không được tốt.
Các loại trái cây khác nhau thường sẽ được tiêu hóa với tốc độ khác nhau, vì vậy nếu bạn bị đầy hơi, tốt hơn hết bạn nên ngừng ăn salad trái cây, hãy ăn riêng rẽ từng loại để dạ dày tiện làm việc, và cơ thể cũng có thể hấp thụ được một cách dễ dàng hơn.
Bình luận