• Zalo

3 dấu hiệu sau ăn cảnh báo dạ dày có bệnh: Làm 6 việc để bệnh không nặng thêm

Bệnh và thuốcThứ Ba, 14/12/2021 09:34:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa trên kênh Family Doctor, người có 3 biểu hiện này sau khi ăn là dạ dày đang có vấn đề, cần quan tâm xử lý sớm.

Người xưa có câu, dân dĩ thực vi thiên, có nghĩa rằng, vấn đề lương thực, dinh dưỡng, ăn uống được con người coi trọng hàng đầu trong việc chăm sóc sức khỏe và duy trì sự sống.

Chất dinh dưỡng trong cơ thể chủ yếu lấy từ nguồn thức ăn, điều kiện cần là bạn phải đảm bảo dạ dày khỏe mạnh mới có thể hấp thụ được tinh chất của thức ăn và cung cấp năng lượng cho các cơ quan nội tạng hoạt động, từ đó duy trì sức khỏe toàn thân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người có chức năng tiêu hóa kém có thể gây ra hàng loạt vấn đề, theo các bác sĩ, nếu bạn có 3 biểu hiện sau bữa ăn như dưới đây chứng tỏ chức năng tiêu hóa kém, dạ dày đang gặp rắc rối.

3 dấu hiệu sau ăn cảnh báo dạ dày có bệnh: Làm 6 việc để bệnh không nặng thêm - 1

(Ảnh minh họa)

1. Nấc dai dẳng sau bữa ăn

Hiện tượng nấc cụt thỉnh thoảng xuất hiện sau bữa ăn là điều khá bình thường, nhưng nếu tình trạng nấc cụt diễn ra liên tục, nhất là kéo dài trong vài giờ thì bạn cần cảnh giác, bởi đây là dấu hiệu chứng tỏ dạ dày đang bị bệnh.

Khi dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng, nó có thể ảnh hưởng đến cơ hoành và dây thần kinh phế vị gần đó, khiến người bệnh bị nấc cụt.

2. Buồn nôn sau bữa ăn

Người có dạ dày, đường ruột kém thường bị trướng bụng, đầy hơi sau bữa ăn, thậm chí kèm theo buồn nôn, nôn nhẹ hoặc nặng. Khi có triệu chứng này, bạn cần tiến hành nội soi đại tràng hoặc nội soi dạ dày càng sớm càng tốt, không được chậm trễ.

3. Tiêu chảy sau bữa ăn

Tiêu chảy sau bữa ăn không phải là một điều tốt trong những trường hợp bình thường. Thời gian tiêu hóa thức ăn của dạ dày thông thường sẽ mất từ ​​2 đến 4 giờ, càng ăn nhiều dầu mỡ và thực phẩm từ động vật thì thời gian tiêu hóa càng lâu so với thực phẩm từ thực vật.

Tiêu chảy sau bữa ăn cho thấy chức năng tiêu hóa bị suy giảm hoặc rối loạn, ngăn cản quá trình chuyển hóa thức ăn bình thường. Do vậy, khi bạn có biểu hiện tiêu chảy mà kéo dài ít ngày không dứt, nên chú ý đến tình trạng của đường tiêu hóa và sớm đi khám để điều trị kịp thời.

3 dấu hiệu sau ăn cảnh báo dạ dày có bệnh: Làm 6 việc để bệnh không nặng thêm - 2

(Ảnh minh họa)

Những điều cần lưu ý để chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa tốt nhất

1. Ăn ít đồ chiên rán, quá nhiều dầu mỡ

Nhiều người thích ăn các món chiên rán vì khẩu vị của chúng quá hấp dẫn chúng ta. Chẳng hạn như khoai tây chiên, bánh kếp hoặc các loại bánh làm từ bột, chúng thực sự giòn và sảng khoái, giúp chúng ta vui vẻ khi thưởng thức.

Tuy nhiên, thực phẩm trong quá trình chiên rán, đặc biệt với nhiệt độ cao và dầu mỡ không đạt chất lượng ở các cơ sở chế biến thiếu đảm bảo an toàn thực phẩm có thể sinh ra các hydrocacbon thơm đa vòng, đặc biệt là benzopyren có khả năng gây ung thư mạnh và dễ gây các bệnh về đường tiêu hóa.

2. Ăn ít thức ăn bảo quản qua đêm

Siêng năng, tiết kiệm là đức tính truyền thống của đa số chúng ta, nhưng nhiều người vì tiết kiệm hoặc không có kế hoạch chế biến thức ăn vừa đủ, ngại vứt bỏ thức ăn thừa nên sẽ có thói quen nấu một bữa ăn nhiều bữa.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thức ăn sau nhiều lần đun lại ăn tiếp cho đến khi ăn hết cũng không phải là cách tốt cho sức khỏe. Thỉnh thoảng ăn một hai lần thức ăn thừa để qua đêm thì cũng không sao, nhưng nếu ăn thường xuyên, hoặc có thói quen để thức ăn cũ ăn từ ngày này qua ngày khác sẽ làm tăng gánh nặng cho đường ruột và dạ dày, gây hại cho hệ tiêu hóa, thậm chí có thể gây ung thư dạ dày.

Nên ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật, thức ăn tươi mới, chế biến nhanh.

3 dấu hiệu sau ăn cảnh báo dạ dày có bệnh: Làm 6 việc để bệnh không nặng thêm - 3

(Ảnh minh họa)

3. Ăn ít đồ nóng, vừa nấu vừa ăn

Niêm mạc đường tiêu hóa của con người có thể chịu được thức ăn ở nhiệt độ tối đa là 60oC, nếu thường xuyên ăn thức ăn ở nhiệt độ trên 60oC, niêm mạc đường tiêu hóa sẽ bị tổn thương, bị bỏng, sau đó đóng vảy.

Nếu thói quen ăn uống thức ăn nóng thường xuyên, niêm mạc đường tiêu hóa sẽ bị tổn thương, phục hồi và tái tổn thương nhiều lần, có thể dẫn đến các biến đổi ác tính sẽ xảy ra theo thời gian.

4. Nên ăn uống có nguyên tắc, tránh tùy tiện

Duy trì đều đặn 3 bữa ăn chính trong ngày là cơ sở để chăm sóc sức khỏe đường tiêu hóa, thời gian ăn sáng dự kiến ​​từ 7 đến 9 giờ, vì lúc này kinh mạch dạ dày đang làm việc ở phong độ tốt nhất, tốc độ hấp thụ và sử dụng dinh dưỡng đạt ở mức cao nhất.

Thời gian ăn trưa nên được bố trí từ 12 đến 13 giờ, có thể bảo vệ sức khỏe của ruột non, và bữa tối nên được bố trí từ 17 giờ đến 19 giờ. Đó là những khung giờ ăn uống tốt nhất cho các bữa ăn chính. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung các bữa ăn phụ dựa vào thể trạng của mình.

5. Nên uống thêm trà

Đông y quan niệm rằng thức uống từ trà, đặc biệt là trà trần bì (vỏ quýt) có thể đi vào kinh mạch lá lách và kinh mạch phổi, từ đó có thể giúp cơ thể đạt được tác dụng điều hòa khí, tăng cường chức năng của lá lách và dạ dày.

Chất dầu bay hơi có trong trà trần bì có thể kích thích cơ trơn của đường tiêu hóa, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, loại bỏ khí dư thừa trong đường ruột, kích thích sự thèm ăn.

6. Duy trì massage bụng nhiều hơn

Trên bụng có nhiều huyệt vị, trong đó huyệt Trung Loan là huyệt quan trọng vùng dạ dày, có thể huy động sinh khí của kinh mạch dạ dày, do vậy, theo quan niệm Đông y, thường xuyên xoa bóp huyệt đạo này có thể đạt được tác dụng làm dịu gan và nuôi dưỡng dạ dày tốt, đồng thời có thể giải tỏa các chứng khó tiêu.

Bạn nên cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý để massage, xoa bóp vùng bụng trước khi đi ngủ.

Lời khuyên thêm:

Trong cuộc sống hàng ngày cần giảm thời gian ngồi nhiều, ít vận động. Bởi việc bạn ngồi lâu, lười vận động sẽ làm chậm nhu động đường tiêu hóa, các chất thải chuyển hóa sẽ đọng lại trong ruột, kích thích thành ruột và niêm mạc, từ đó gây hại cho sức khỏe đường tiêu hóa. Ngoài ra, việc ngồi lâu cũng sẽ làm giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, rối loạn chức năng điều hòa đường tiêu hóa, gây nguy hiểm cho sức khỏe đường tiêu hóa.

Sức khỏe đường tiêu hóa liên quan mật thiết đến cảm xúc, quá lo lắng có thể làm rối loạn chức năng đường tiêu hóa, gây rối loạn sự vận động của đường tiêu hóa, đồng thời kích thích thần kinh giao cảm dẫn đến khó tiêu, chán ăn. Vì vậy, cần giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ và ổn định cảm xúc, tránh để cảm xúc vui buồn quá mức.

Thảo Linh(Family Doctor)
Bình luận
vtcnews.vn