Tam giác Bennington là một vùng thuộc phía Tây Nam Vermont (Đông Bắc nước Mỹ) bao quanh là núi Glastenbury. Vùng đất này sở hữu một lịch sử lâu đời với các vụ mất tích bí ẩn, hàng loạt báo cáo về các hiện tượng siêu nhiên, giai thoại về “Bigfoot” và cả câu chuyện về kẻ sát nhân hàng loạt… Cũng vì vậy mà nơi đây được gán với cái tên “Tam giác quỷ trên cạn”.
Bí ẩn lớn và kéo dài nhất của Tam giác Bennington là các vụ mất tích hoành hành ở khu vực này từ năm 1945 đến năm 1950.
Đầu tiên là người đàn ông 75 tuổi tên Middie Rivers, một hướng dẫn viên du lịch. Rivers dẫn đầu một nhóm leo núi trở về trại của họ vào tháng 11 năm 1945. Trong một khoảnh khắc Rivers vượt lên trước cả nhóm, chỉ đủ để khuất tầm mắt mọi người, anh hoàn toàn biến mất cùng những ngọn gió ở Glastenbury.
Paula Welden, sinh viên đại học 18 tuổi, đã quyết định một mình khám phá Glastenbury vào năm 1946. Hành trình của Welden bắt đầu bằng những lời cảnh báo từ người dân bản địa, rằng chỉ với một chiếc áo khoác mỏng màu đỏ, cô hãy coi chừng với thời tiết dị thường của ngọn núi này.
Welden 1 ngày sau đó được báo cáo đã mất tích. Dù chiếc áo khoác màu đỏ của Paula là thứ rất dễ nhận diện, mọi nỗ lực tìm kiếm tung tích cô sinh viên năm nhất đều không thu được kết quả.
Tháng 10/1946, Paul Jepson, 8 tuổi đã biến mất khỏi một trang trại. Mẹ Paul đã để cậu bé vui chơi gần một chuồng lợn trong khi cô đang chăm sóc vật nuôi. Lúc sau quay lại, cô đã không thể tìm thấy con của mình. Một cuộc tìm kiếm lớn đã diễn ra, tuy nhiên cậu bé vẫn bặt vô âm tín.
Năm 1949, ba thợ săn đã mất tích trên núi. Cùng năm đó, cựu binh James Tetford được cho là đã biến mất khỏi một chiếc xe buýt đông đúc trên đường Albans. 14 hành khách khách đã làm chứng rằng Tetford đang ngủ gật rồi đột nhiên biến mất khi xe buýt đến trạm cuối. Một cuộc điều tra kéo dài đã được tổ chức nhưng tung tích của người đàn ông vẫn còn là điều bí ẩn.
Năm 1950 là trường hợp của Frieda Lander. Quần áo của Lander bị ướt trong chuyến leo núi cùng các bạn và cô đã quyết định một mình quay trở lại trại để thay đồ. Từ lúc đó, không ai còn thấy Lander nữa. Cảnh sát, lính cứu hỏa, quân đội và hàng trăm tình nguyện viên, tất cả sục sạo khắp Glastenbury nhưng phải tới tháng 5/1951, thi thể của Lander mới được tìm thấy.
Những sự kiện vừa kể trên chỉ là 6 vụ mất tích không rõ nguyên nhân được biết đến rộng rãi trong số những bí ẩn khác ở Tam giác Bennington.
Những sự kiện không giải thích được liên quan đến Tam giác Bennington đã khiến nhiều người nảy ra các suy đoán điên rồ. Chuyện càng trở nên ly kỳ hơn với lời đồn về UFO và người khổng lồ Bigfoot trong khu vực.
Mô hình của những vụ mất tích đã khiến một số người cho rằng tồn tại một kẻ giết người hàng loạt tại Glastenbury. Tuy nhiên, việc thiếu bằng chứng xác đáng và sự đa dạng về tuổi tác, giới tính của nạn nhân (loại trừ các dạng kẻ giết người hàng loạt thông thường) đã loại bỏ giả thuyết này.
Không có cơ sở vững chắc cho sự tồn tại của một kẻ giết người hàng loạt, những giả thuyết thú vị tiếp theo liên quan tới hiện tượng siêu nhiên như tảng đá bị nguyền rủa nuốt chửng những kẻ lạ mặt lại gần vào trong khe núi. Những vụ mất tích cùng với ánh sáng, âm thanh và mùi lạ dẫn đến các thuyết âm mưu về sự xuất hiện của UFO.
Người ta cố gắng xâu chuỗi những vụ mất tích với nhau nhằm hy vọng tìm ra lời giải thích cho những bí ẩn. Điểm tương đồng duy nhất giữa các trường hợp này là nó xảy ra trong Tam giác Bennington. Thời gian trong ngày nhìn thấy nạn nhân lần cuối là từ 3 đến 4 giờ chiều và hầu hết đều nằm trong ba tháng cuối năm.
Trong tất cả các nghiên cứu đã được thực hiện để khai phá bí ẩn của Tam giác Bennington, một số câu trả lời dựa trên căn cứ khoa học đã được đưa ra. Chúng vẫn có ý nghĩa nào đó, ngay cả khi không hoàn toàn thỏa đáng.
Một cách giải thích là hạ thân nhiệt. Nhiệt độ trên núi có thể giảm rất thấp, đặc biệt là vào mùa Đông – khoảng thời gian diễn ra đa số các vụ mất tích bí ẩn. Khi bị hạ thân nhiệt, con người có xu hướng sẽ tự đào hố - đây là một hành vi sinh tồn khiến con người tìm một nơi nào đó nhỏ và tránh xa đám đông. Nó giúp tránh gió và có thể giúp cơ thể đủ ấm, làm chậm quá trình bị chết cóng, nhưng thường thì kết cục vẫn là cái chết và khiến người đó khó được tìm thấy.
Cách giải thích khác liên quan đến lịch sử của khu vực - một thị trấn khai khoáng. Các sườn núi nằm rải rác với những hầm mỏ không được đánh dấu có thể khiến người đi bộ đường dài dễ gặp nguy hiểm. Cả hai cách này có thể giải thích tại sao những người mất tích không bao giờ được tìm thấy.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng lập luận trên không vững chắc. Có lẽ câu trả lời thiết thực nhất là không phải tất cả các trường hợp mất tích đều theo cùng một cách. Một số có thể đã gặp kẻ giết người, trong khi những người khác đào hố hoặc bị ngã. Nhưng nếu vậy, tại sao những vụ mất tích chỉ kéo dài năm năm và dừng lại đột ngột như vậy?
Tới tận ngày nay, Tam giác Bennington vẫn là chủ đề bàn tán của những người yêu thích các câu chuyện kỳ bí. Và câu trả lời cho những sự kiện xoay quanh vùng đất này vẫn còn là một ẩn số.
Bình luận