Võ thuật Trung Quốc đầu thế kỷ 20 sở hữu nhiều huyền thoại lừng lẫy. Một gương mặt nổi bật trong số đó phải kể tới Lưu Bách Xuyên (1870-1964) – vị cao thủ có nguồn gốc từ võ Thiếu Lâm Bắc phái. Sinh thời, ông từng là cận vệ số 1 của Tôn Trung Sơn và từng bất khả chiến bại nhờ vào "thần cước" của mình.
"Thần cước" với sức mạnh như sấm sét
Trang Baidu từng mô tả về võ công của Lưu Bách Xuyên như sau: "Nguồn gốc võ thuật của Lưu Bách Xuyên thuộc về La Hán môn, Thiếu Lâm Bắc phái. Dương Đăng Vân truyền cho Lưu Bách Xuyên Tiểu La Hán và La Hán thần đả, Nội bát cước và Ngoại bát cước, Nội bát chuỳ và Ngoại bát chuỳ, Minh bát đả và Ám bát đả.
Lưu Bách Xuyên có kỹ năng phi thường, đặc biệt lợi hại ở đòn chân. Mỗi khi ra đòn, ông ta mạnh mẽ như một cơn bão và dữ dội như một tia sét. Ông có thể dễ dàng đá vỡ những vỏ cây dày và dùng thần cước để đánh bại đối thủ của mình…".
Lưu Bách Xuyên sinh năm 1870 tại tỉnh An Huy. Do xuất thân trong một gia đình nghèo khó nên từ nhỏ, ông đã phải bỏ học chỉ sau ba năm ngồi trên ghế nhà trường để tự kiếm sống bằng nghề làm mướn chuyên chăn thả gia súc.
Tuy có tuổi thơ đầy thiếu thốn về vật chất nhưng Lưu Bách Xuyên lại sớm được lĩnh hội những kiến thức về võ thuật. Trong những năm đầu tiên, ông đã được học các kỹ năng của Thiếu Lâm La Hán môn với sư phụ Chí Thiện.
Theo website HK01.com của Hồng Kông (Trung Quốc) thì ngay lần đầu tiên gặp gỡ, sư phụ Chí Thiện đã nhận ra Lưu Bách Xuyên là người có những tố chất đặc biệt để trở thành một cao thủ. Cảm mến trước nghị lực, sự siêng năng và khả năng lĩnh hội hơn người của Lưu Bách Xuyên nên Chí Thiện đại sư đã truyền lại hết những tinh hoa của Thiếu Lâm La Hán môn cho người đệ tử.
Được sư phụ chỉ dạy, Lưu Bách Xuyên sớm khẳng định được tài năng của mình trong giới võ thuật ở Trung Quốc. Đến khoảng đầu thế kỷ 20, ông trở thành một HLV võ thuật ở Học viện quân sự Bảo Định tại tỉnh Hà Bắc. Một năm sau đó, ông gia nhập Hội võ thuật Thượng Hải và trở thành một võ sư rất nổi tiếng. Theo HK01.com thì chính trong thời gian này, Lưu Bách Xuyên đã tới thăm Hồng Kông và trở thành người cận vệ số 1 của Tôn Trung Sơn (nhà cách mạng lừng danh từng là chủ tịch Quốc dân Đảng).
Trong giới võ lâm Trung Quốc đầu thế kỷ 20, Lưu Bách Xuyên được mệnh danh là "Thiếu Lâm chánh tông Giang Nam đệ nhất cước". Ông tham gia nhiều trận tỉ thí với các cao thủ khắp mọi miền đất nước những chưa một lần thất bại.
Tờ Baidu khẳng định rằng trận đấu đáng nhớ bậc nhất của Lưu Bách Xuyên phải kể tới lần ông hạ gục một võ sĩ được mệnh danh là "Hercules của nước Anh". Đó là vào mùa xuân năm 1916 khi Lưu Bách Xuyên đã 46 tuổi. Lần đó, một võ sĩ từ khu tô giới của Anh ở Thượng Hải với biệt danh là Hercules đã dựng lên một kỳ võ đài để thách thức toàn bộ giới võ lâm Trung Quốc.
Hercules có sức mạnh khủng khiếp, ông có thể đẩy một chiếc tạ nặng tới 227kg chỉ bằng một tay. Nhân vật này cho rằng người Trung Hoa chỉ là "Đông Á bệnh phu", không thể so sánh với sức mạnh của người phương Tây nên đã lập võ đài thách đấu.
Có nhiều võ sĩ người Trung Quốc từ nhiều nơi khác nhau đã lên đài tỉ thí với Hercules. Sau ba ngày thi đấu, tất cả võ sĩ người Trung Quốc đều thất bại.
Thế rồi, Lưu Bách Xuyên khi đó đang là giám đốc Học viện Nghệ thuật Quốc gia cũng lên đài tỉ thí với Hercules. Lập tức, vị cao thủ phái Thiếu Lâm đã sử dụng tuyệt kỹ của mình, đặc biệt những cú đá sấm sét để đánh cho Hercules văng xuống võ đài, mặt sưng chù vù, miệng đầy máu.
Tranh cãi về trận tỉ thí với huyền thoại phái Tự nhiên môn và danh hiệu "Thiên hạ đệ nhất"
Theo truyền thông Trung Quốc, sinh thời Lưu Bách Xuyên được xuyên được so sánh về công phu với Đỗ Tâm Ngũ, huyền thoại phái Tự Nhiên Môn và được đặt biệt danh "Trường Giang đại hiệp", để xem ai mới xứng đáng là "thiên hạ đệ nhất" tại Trung Hoa đầu thế kỷ 20.
Tờ Sohu trong bài viết có tiêu đề: "Công phu thực sự của Lưu Bách Xuyên là gì?" đã từng viết: "Lưu Bách Xuyên luôn được so sánh với Đỗ Tâm Ngũ và đây là chủ đề gây tranh ra không biết bao nhiêu tranh cãi.
Nếu đánh giá về thể hình, Lưu Bách Xuyên sở hữu thân hình rắn chắc và vạm vỡ hơn. Nhưng yếu tố cốt lỗi giúp Lưu Bách Xuyên trở thành cao thủ không nằm ở thể hình mà nằm ở đòn chân cực kỳ mạnh mẽ, được ví là "thần cước" của mình".
Theo Sohu thì theo ý kiến của nhiều người, chưa một ai có thể đánh bại được đòn chân của Lưu Bách Xuyên. Tuy nhiên, nếu xét về đòn tay, Lưu Bách Xuyên không được đánh giá cao bằng Đỗ Tâm Ngũ.
Việc Đỗ Tâm Ngũ và Lưu Bách Xuyên có tỉ thí với nhau hay không cũng là chủ đề gây ra sự tranh luận gay gắt. Vạn Lại Thanh – một võ sư nổi tiếng của Trung Quốc ở thế kỷ 20 (đệ tử của Đỗ Tâm Ngũ) từng khẳng định rằng trước kia, Lưu Bách Xuyên có tỉ thí với Đỗ Tâm Ngũ nhưng để thua. Sau đó, vì nể phục nên Lữu Bách Xuyên đã nhận Đỗ Tâm Ngũ làm thầy của mình.
Vạn Lại Thanh kể lại rằng chính Lưu Bách Xuyên từng đơn thương độc mã, một mình tìm đến võ đường của phái Tự Nhiên Môn. Tại đây, Lưu Bá Xuyên đã tỉ thí với nhiều người trong đó có chính Vạn Lại Thanh. Kết quả là Vạn Lại Thanh thất bại trước những đòn cước quá dữ dội của Lưu Bách Xuyên. Sau khi chứng kiến nhiều đệ tử của mình để thua, Đỗ Tâm Ngũ mới đứng ra đấu với Lưu Bách Xuyên và cuối cùng, chiến thắng đã thuộc về Đỗ Tâm Ngũ.
Tuy nhiên, những lời kể của võ sư Vạn Lại Thanh đã bị nhiều ý kiến trong giới võ lâm Trung Quốc phản bác. Luồng ý kiến này cho rằng trên thực tế, Lưu Bách Xuyên và Đỗ Tâm Ngũ chưa từng một lần giao đấu với nhau, cả hai vốn là bằng hữu và đều có thời gian làm vệ sĩ riêng cho Tôn Trung Sơn, nên không thể có chuyện Lưu Bách Xuyên đến võ đường phái Tự Nhiên Môn để giao đấu với Đỗ Tâm Ngũ.
Theo Sohu, ngay cả trường hợp nếu lời kể của Vạn Lại Thanh là đúng thì trận tỉ thí năm xưa cũng chưa hẳn đã chứng minh rằng trình độ võ thuật của Lưu Bách Xuyên là thấp hơn Đỗ Tâm Ngũ bởi Lưu Bách Xuyên đã bị hao tổn về thể lực trước màn tỉ thí với kỳ phùng địch thủ. Do vậy, rất khó để nói giữa hai nhân vật này thì ai mới là người mạnh nhất và thực sự là "thiên hạ đệ nhất" của làng võ Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Bình luận