Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 31/8, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho biết, từ đầu năm đến ngày 30/8/2017, cả nước ghi nhận 108.925 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 26 trường hợp tử vong.
Trong đó, số trường hợp nhập viện là 91.656 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2016 (63.850/19) số mắc nhập viện tăng 43,5%, số tử vong tăng 7 trường hợp.
Trong tuần qua (từ 21/8 đến 27/8), cả nước ghi nhận 6.292 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 11,4% so với tuần trước và không có ca nào tử vong. Khu vực miền bắc, miền trung, Tây Nguyên chủ yếu ghi nhận số trường hợp mắc là lứa tuổi người lớn trên 15 tuổi. Khu vực miền nam chủ yếu ghi nhận ở lứa tuổi trẻ em dưới 15 tuổi.
Tại Hà Nội, dịch có dấu hiệu chững lại, tính đến 28/8 ghi nhận gần 22.300 ca, 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Nếu như tuần 14-20/8 có hơn 3.500 ca mắc mới thì nay con số này chỉ còn khoảng 2.900 ca. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp, số ca mắc mới không tăng.
Tuy nhiên, Phó viện trưởng Vệ sinh dịch tễ TƯ Trần Như Dương cho biết, tình trạng các ổ bọ gậy tại Hà Nội có xu hướng gia tăng trở lại.
Ông dẫn chứng, giám sát tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) cho thấy chỉ số bọ gậy trước khi diệt là 26%, sau khi diệt bọ gậy 1 ngày còn 12%, nhưng sau 7 ngày lại vọt lên 21%. Chỉ số này tại phường Khương Thượng (Đống Đa) là 20-7-21; phường Thịnh Liệt là 26-12-21.
Lý giải nguyên nhân, ông cho rằng các đội xung kích diệt bọ gậy chưa triệt để, chiếm khoảng 30%. Ngoài ra, thời tiết Hà Nội trong tuần qua nắng mưa đan xen, làm phát sinh thêm nhiều ổ bọ gậy mới.
Do đó Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, chiến dịch diệt bọ gậy phải làm thường xuyên vì chỉ cần ngơi 1 tuần là lại về mốc ban đầu.
Video: Dân Ấn Độ ăn thanh long, uống lá đu đủ chữa sốt xuất huyết
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn đang có diễn biến phức tạp vì thời điểm hiện nay bắt đầu vào tháng cao điểm SXH như những năm trước. Vì thế, về lâu dài đối phó với dịch bệnh, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cần mở rộng việc thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia tại đất liền để hạn chế sự sinh sôi nảy nở của muỗi vằn truyền bệnh SXH.
Ông cho biết, hiện Úc đã triển khai thả muỗi chứa tác nhân sinh học Wolbachia để diệt SXH. Brazil, Trung Quốc cũng đã bắt đầu làm, Việt Nam sẽ xem xét để học hỏi.
Hiện tại, Việt Nam đã áp dụng thử nghiệm công nghệ này. Dự án thả muỗi Wolbachia trên đảo Trí Nguyên bắt đầu từ 2013. Kết quả kiểm tra vào tháng 12/2014, hơn 90% muỗi vằn truyền sốt xuất huyết tại Trí Nguyên đã được thay thế tự nhiên bằng muỗi vằn mang Wolbachia.
Tới đây, Bộ Y tế sẽ cử những chuyên gia tinh nhuệ nhất về côn trùng học, lâm sàng học, ký sinh trùng cùng các chuyên gia y tế quốc tế đánh giá công tác phòng chống SXH của Hà Nội, từ đó đề xuất các giải pháp cụ thể để phòng chống dịch.
Bình luận