Vì sao phát triển điện khí gặp khó?

Đầu TưThứ Năm, 14/12/2023 11:27:00 +07:00
(VTC News) -

Phát triển điện khí là hướng đi tất yếu, góp phần cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam nhưng quy mô và hiệu quả còn thấp.

Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại diễn đàn “Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam” do Báo Điện tử VOV tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng công ty Khí Việt Nam, Công ty Cổ phần PV Gas.

Toàn cảnh diễn đàn.

Toàn cảnh diễn đàn.

Tiềm năng lớn...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho biết, theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII), đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí sẽ chiếm tới 24,8% tổng công suất toàn hệ thống phát điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện, trong khi nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống".

Do đó, việc phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam.

Hơn nữa, trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và dân số, nhu cầu điện còn tiếp tục tăng trưởng cao. Trong khi đó, nguồn năng lượng sơ cấp đang dần cạn kiệt và khả năng cung cấp nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế, dẫn đến sớm phải nhập khẩu nhiên liệu. Đây được coi là dư địa đầy tiềm năng để phát triển điện khí.

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn.

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng phát biểu khai mạc diễn đàn.

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phân tích, điện khí là nguồn điện ổn định không bị ảnh hưởng bởi thời tiết so với thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Điện khí có tính sẵn sàng cao, công suất lớn, với dải điều chỉnh rộng, thời gian đáp ứng nhanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính CO2, đặc biệt giảm thiểu khí gây ô nhiễm so với các nhà máy điện chạy than và dầu.

Một thuận lợi quan trọng cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam”, ông Thi nhấn mạnh.

Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Ngày 13/12/2023, lần đầu tiên trong lịch sử các hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc, COP28 đã đạt được thỏa thuận kêu gọi các nước từ bỏ dần dần các loại nhiên liệu hóa thạch để tránh những hậu quả khủng khiếp nhất do biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam và nhóm các Đối tác quốc tế đã chính thức thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP).

Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, về việc sử dụng LNG cho mục tiêu năng lượng chung của đất nước, tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 là 150.000 - 160.000MW, gấp đôi tổng công suất đặt ra hiện nay.

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

TS Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận xét, trong thời gian tới, ngành điện gặp nhiều thách thức bởi thủy điện hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

Trong bối cảnh này, việc phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Còn theo ông Mai Xuân Ba, đại diện cho Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas), theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt tháng 5/2023, phát triển điện khí là nội dung và nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống...

Ông Mai Xuân Ba, đại diện Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas).

Ông Mai Xuân Ba, đại diện Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas).

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

“Về mặt lợi thế, điện khí có công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tương đối thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Đặc biệt, điện khí sẽ kịp thời bổ sung nguồn điện khi các nhà máy điện năng lượng tái tạo không ổn định, hoặc không thể phát điện do thời tiết.

Chính vì vậy, điện khí LNG được xem là một trong những giải pháp quan trọng và xu hướng tất yếu trong chính sách bảo đảm an ninh năng lượng. Đặc biệt trong bối cảnh việc khai thác các nguồn tài nguyên truyền thống của Việt Nam như thủy điện, than, dầu khí đang trên đà suy giảm”, ông Ba khẳng định.

...nhưng không dễ phát triển

Theo TS Tạ Đình Thi, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh sạch, trong đó có phát triển điện khí LNG không dễ dàng, khó có thể thực hiện một sớm một chiều.

Các dự án LNG thường đòi hỏi nguồn vốn lớn lên tới hàng tỷ USD, hiện chúng ta phải nhập khẩu hoàn toàn loại nhiên liệu khí hóa lỏng, chiếm từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất nhưng lại nhiều biến động; cũng chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu...

Chúng ta cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm cảng - kho - hệ thống tái hóa khí - đường ống - nhà máy điện. Cuối cùng việc tính toán, xác định cơ chế giá điện khí để bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án điện, đặc biệt là các chuỗi dự án khí - điện sử dụng khí trong nước.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam.

Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và chuỗi dự án điện khí sử dụng LNG. Việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ quốc tế. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Thậm chí, Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến địa điểm, thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu khí LNG”, ông Thi nói.

Các đại biểu tại diễn đàn.

Các đại biểu tại diễn đàn.

Ở góc độ đầu tư, TS Nguyễn Minh Phong nhận xét, giá thành điện khí cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện mà EVN bán ra cho nền kinh tế. Bộ Công Thương hiện vẫn chưa ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy điện khí LNG. Việc cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm từ phía EVN và bao tiêu sản lượng khí hàng năm chưa có cũng khiến nhà đầu tư lo lắng về hiệu quả của dự án.

Việc cam kết sản lượng điện phát và tiêu thụ khí hàng năm sẽ là cơ sở để các ngân hàng xem xét cấp tín dụng cho dự án, cũng như dự án mua được nguồn LNG giá tốt thông qua hợp đồng mua LNG dài hạn để giá điện rẻ hơn. Như vậy, nếu không tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là giá điện LNG thì các dự án điện khí được dự báo sẽ còn khó triển khai”, ông Phong nói.

Các đại biểu tham gia diễn đàn.

Các đại biểu tham gia diễn đàn.

Trong khi đó, ông Mai Xuân Ba cho rằng, để đáp ứng khí cho 13 dự án nhiệt điện LNG với tổng công suất đạt 22.400 MW cần tổng công suất kho chứa có thể cung cấp được khoảng 15 - 18 triệu tấn LNG/năm.

“Hiện nay Việt Nam chỉ có duy nhất dự án kho chứa LNG tại Thị Vải (Vũng Tàu) với công suất 1 triệu tấn LNG/năm được đưa vào vận hành và đang triển khai giai đoạn 2 nâng công suất. Thực tế triển khai dự án kho chứa LNG tại Thị Vải cho thấy cần rất nhiều thời gian, nguồn lực để giải quyết và vượt qua các khó khăn về kinh tế, kỹ thuật của dự án”, ông Ba nói.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển điện khí LNG, rất cần sự trao đổi, chia sẻ, lắng nghe giữa cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa phương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để tiếp tục cụ thể hóa các hành động về chính sách và tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh khí, bảo đảm cân bằng thị trường, phát triển hạ tầng.

Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như công tác quy hoạch, huy động nguồn lực, cơ chế giá, giải phóng mặt bằng...trong đó bao gồm LNG nhập khẩu và sử dụng khí trong nước; Các giải pháp bảo đảm phát triển hạ tầng điện khí tại Việt Nam; Đảm bảo chuỗi cung ứng cho sản xuất điện khí (trong nước và nhập khẩu); Vốn đầu tư, sử dụng đất, không gian biển, hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đặc biệt cũng cần quan tâm đến những khó khăn, vướng mắc, giải pháp đối với các dự án điện khí đang khó khăn, vướng mắc hiện nay.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn