• Zalo

Vì sao Mỹ tụt hậu trong phát triển siêu vũ khí tương lai?

Tư liệuThứ Hai, 03/07/2023 09:38:00 +07:00
(VTC News) -

Quân đội Mỹ đang dồn lực phát triển vũ khí siêu thanh trong bối cảnh cuộc đua chế tạo loại vũ khí này giữa các cường quốc quân sự ngày càng khốc liệt.

Mỹ là cường quốc quân sự và nước này chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển các loại vũ khí mới, nhất là vũ khí siêu thanh, sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố liên quan đến kỹ thuật, nhân vật lực, chuỗi cung ứng… nên quá trình phát triển các loại vũ khí mới của Mỹ vẫn “giậm chân tại chỗ”, đi sau so với các đối thủ.     

Mỹ đi sau Nga và Trung Quốc

Các hệ thống tên lửa siêu thanh có khả năng bay ở tốc độ lớn hơn gấp 5 đến 25 lần tốc độ âm thanh. Đây là loại vũ khí nguy hiểm với tốc độ di chuyển cao và có khả năng cơ động giúp chúng "né tránh" được hệ thống phòng thủ, trong khi tiếp cận mục tiêu một cách nhanh chóng.

Mỹ và các đối thủ đã tăng tốc độ chế tạo vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, đến nay, Mỹ vẫn chưa có tên lửa siêu thanh nào hoạt động đầy đủ, khiến nước này tụt lại phía sau Nga và Trung Quốc trong cuộc đua phát triển loại vũ khí trên.

Mỹ đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. (Ảnh: Sputnik)

Mỹ đang đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển vũ khí siêu thanh. (Ảnh: Sputnik)

Hồi tháng 3, người đứng đầu lực lượng không quân Mỹ Frank Kendall thừa nhận vụ thử tên lửa siêu thanh thứ tư - "vũ khí phản ứng nhanh phóng từ máy bay (ARRW) AGM-183A", ngoài khơi bờ biển miền Nam California của nước này đã thất bại, do không nhận được những dữ liệu cần thiết. 

“Cuộc thử nghiệm đã không thành công. Chúng tôi không nhận được dữ liệu cần thiết và đang kiểm tra lại tất cả để tìm hiểu nguyên nhân”, ông Frank Kendall nói với các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện.

Tên lửa hành trình siêu thanh này được Lockheed Martin phát triển từ năm 2018 và bị trì hoãn sau 3 lần thử nghiệm thất bại vào năm 2021. Lực lượng không quân Mỹ thông báo lần phóng tên lửa hành trình siêu thanh thành công đầu tiên vào tháng 5/2022, cho biết tên lửa đạt tốc độ trên Mach 5 (6.125 km/giờ), gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Ông Kendall đề cập khả năng sẽ thử nghiệm hệ thống cạnh tranh do nhà thầu quân sự Raytheon chế tạo. Theo ông Kendall, sau cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh mới nhất, không quân Mỹ "cam kết hợp tác nhiều hơn" với chương trình phát triển tên lửa siêu thanh khác - tên lửa hành trình tấn công siêu thanh (HACM) - do Raytheon chế tạo.

Không quân Mỹ được cho là đã nhận khoảng 423 triệu USD tài trợ cho nghiên cứu và phát triển tên lửa hành trình siêu thanh do Lockheed Martin phát triển trong 2 năm qua, đồng thời yêu cầu thêm 150 triệu USD trong ngân sách cho năm tài chính tiếp theo. Quyết định việc có nên theo đuổi chương trình tên lửa hành trình siêu thanh do Lockheed Martin phát triển hay không dự kiến ​​sẽ được đưa ra trong năm tới, sau 2 lần phóng thử nghiệm tiếp theo.

Trong khi đó, tổng số tiền tài trợ cho chương trình tên lửa hành trình tấn công siêu thanh của nhà thầu quân sự Raytheon ở mức 423 triệu USD (cho năm tài chính hiện tại) và không quân Mỹ có kế hoạch chi thêm 1,9 tỉ USD cho chương trình này trong 5 năm tới.

Ông Kendall cho biết, chương trình tên lửa hành trình tấn công siêu thanh của Raytheon đến nay về cơ bản thành công. “Chúng tôi thấy HACM (chương trình tên lửa hành trình tấn công siêu thanh của Raytheon) có vai trò nhất định. Nó tương thích với nhiều máy bay của Mỹ hơn và sẽ mang lại khả năng tác chiến tốt hơn", ông nhận xét.

Phát biểu trước Uỷ ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, ông Paul Freisthler, nhà khoa học đầu ngành khoa học - công nghệ thuộc Cơ quan Tình báo Bộ Quốc phòng Mỹ (DIA), đã so sánh năng lực vũ khí siêu thanh của Nga và Trung Quốc. 

Theo ông Paul Freisthler, sự chậm trễ trong đầu tư phát triển tên lửa siêu thanh khiến Mỹ tụt hậu xa hơn so với Nga, Trung Quốc. Học viện Khí động học Trung Quốc đã tuyên bố vận hành ít nhất ba đường hầm gió siêu thanh có khả năng hoạt động ở tốc độ Mach 8, 10 và 12.

Nga hiện có ba hệ thống dã chiến, trong đó vũ khí siêu thanh phóng từ biển có tốc độ Mach 8. Nga cũng đã bắn vũ khí siêu thanh vào một số mục tiêu ở Ukraine kể từ khi phát động chiến dịch quân sự ở nước láng giềng.

"Cả Nga và Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh thành công và có khả năng triển khai các hệ thống này để tác chiến. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vượt mặt Nga về cả cơ sở hạ tầng hỗ trợ lẫn số lượng hệ thống", ông Paul Freisthler cho hay.

Vị này cho biết trong hai thập niên qua, Bắc Kinh đã "nâng cấp đáng kể" việc phát triển các công nghệ tên lửa siêu thanh thông qua các nỗ lực đầu tư, phát triển, thử nghiệm và triển khai một cách "mạnh mẽ và tập trung". Nước này thực hiện một số cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh, trong đó có cuộc thử nghiệm quan trọng liên quan đến tên lửa đạn đạo tầm trung DF-17.

Theo ông Paul Freisthler, loại tên lửa này có đầu đạn siêu thanh và tầm bắn ước tính ít nhất khoảng 1.600 km, "cho phép nó có thể tiếp cận đến các khu vực đồn trú của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương". Ông cho rằng DF-17 có thể đã được đưa vào biên chế quân đội Trung Quốc từ năm 2020.

Trong khi đó, đối với quân đội Nga, ông Paul Freisthler cho hay, Moskva đã triển khai ba hệ thống siêu thanh bao gồm tên lửa phóng từ trên không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kinzhal, phương tiện lượn chiến lược Avangard và tên lửa hành trình chống hạm Zircon.

Hiện Mỹ vẫn chưa tuyên bố vận hành vũ khí siêu thanh. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu phát triển vũ khí siêu vượt âm là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc tiến hành thành công các vụ phóng siêu vượt âm hồi năm ngoái, trong khi Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm trong cuộc chiến ở Ukraine. 

Cuộc chạy đua vũ trang mới

Với việc thử nghiệm thành công vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, giới chuyên gia cho rằng chắc chắn Mỹ sẽ không ngồi yên, Washington sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh tay cho lĩnh vực này.

Xác định tầm quan trọng của vũ khí siêu thanh, Lầu Năm Góc gia tăng ngân sách quốc phòng cho lĩnh vực này, tham gia cuộc chạy đua vũ trang vũ khí siêu thanh với Trung Quốc và Nga. Theo đó, Mỹ tăng mạnh ngân sách tài chính năm 2024 với hy vọng sản xuất 24 tên lửa siêu thanh đầu tiên vào năm tới gồm 8 tên lửa cho lực lượng hải quân và 8 cho lực lượng lục quân.

Bản phác thảo về tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ bắn tên lửa siêu thanh. (Ảnh: Twitter)

Bản phác thảo về tàu khu trục lớp Zumwalt của Mỹ bắn tên lửa siêu thanh. (Ảnh: Twitter) 

Theo tài liệu chi tiêu quốc phòng cho năm 2024, lực lượng lục quân Mỹ sẽ triển khai tiểu đoàn vũ khí siêu thanh tầm xa đầu tiên vào năm tới, trong khi hải quân có kế hoạch đưa hệ thống siêu thanh đầu tiên lên các tàu khu trục lớp Zumwalt vào năm 2025. Lực lượng không quân nước này sẽ không mua tên lửa siêu thanh trong năm tài khóa 2024.

Tuy nhiên, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, trên thực tế, có một số rào cản đối với việc sử dụng rộng rãi các loại vũ khí siêu thanh bởi giá thành đắt đỏ, khoảng 15 - 18 triệu USD cho mỗi tên lửa. Cơ quan này cho rằng, tên lửa siêu thành “sẽ đắt hơn các tên lửa đạn đạo và đặt ra những thách thức kỹ thuật lớn hơn nhiều”.

“Tên lửa siêu thanh sẽ đắt hơn khoảng 1/3 so với tên lửa đạn đạo với đầu đạn cơ động có cùng tầm bắn và độ chính xác và di chuyển với tốc độ tương tự", Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết.

Trong khi đó, các chuyên gia Lyle Morris và Timothy Heath - nghiên cứu quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation (Mỹ), hoài nghi về hiệu quả thực sự của vũ khí siêu thanh trên chiến trường. Họ cho rằng Mỹ thiếu việc định hướng rõ ràng trong nhiệm vụ phát triển vũ khí siêu thanh, nhấn mạnh loại vũ khí này "đóng góp rất ít vào khả năng quân sự của Mỹ và không cần thiết để răn đe".

Bên cạnh đó, Washington cũng những lo ngại về việc Trung Quốc có thể chia sẻ công nghệ với các đối thủ của mình như Triều Tiên và Iran, đặc biệt là Nga. Tất cả các nước này đều đang xây dựng các chương trình siêu thanh.

Elsa Kania, nghiên cứu trưởng thuộc Trung tâm An ninh mới của Mỹ nói: “Khi Trung Quốc và Nga đang trên đà mở rộng hợp tác quốc phòng và công nghệ thì việc chuyển giao hay chia sẻ dữ liệu nghiên cứu liên quan đến phát triển vũ khí siêu thanh sẽ không có gì đáng ngạc nhiên".

Mỹ đặc biệt lo ngại sau các vụ thử tên lửa siêu thanh thành công của Trung Quốc vào năm 2021. Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, gọi các cuộc thử nghiệm là điềm báo trước cho “khoảnh khắc Sputnik” của Trung Quốc. Ông so sánh các cuộc thử nghiệm này với vụ phóng vệ tinh nhân tạo quay quanh Trái đất đầu tiên của Liên Xô vào năm 1957.

Chuyên gia Timothy Heath cho biết, nếu có xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc hoặc một đối thủ khác về vũ khí siêu thanh, vũ khí siêu thanh sẽ không phải là yếu tố quyết định.

"Mỹ có lợi thế trong các công nghệ quân sự khác như máy bay tàng hình, máy bay ném bom tầm xa, tàu sân bay, tàu ngầm. Tất cả những khả năng này cho phép Washington triển khai lực lượng cách xa nước Mỹ và  chế ngự kẻ thù mà không cần đến tên lửa tầm xa”, ông Timothy Heath cho hay.

Tuy nhiên, khi Mỹ và các quốc gia khác đổ tiền vào phát triển vũ khí siêu thanh, điều quan trọng là phải tìm cách thống nhất về nguyên tắc kiểm soát việc sử dụng những vũ khí này. 

Hầu hết các thỏa thuận vũ khí lớn đều là giữa Mỹ và Nga hoặc Liên Xô. Kể từ khi Nga rút khỏi New START - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân lớn cuối cùng còn lại giữa Nga và Mỹ - khả năng đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế công nghệ quốc phòng được cho là không khả thi.

Chuyên gia Lyle Morris cho rằng, bộ máy quốc phòng của Trung Quốc và Mỹ đang ở trong giai đoạn đặc biệt nhạy cảm, và việc thiếu thông tin liên lạc làm tăng nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai.

Sau khi kết thúc chuyến thăm Bắc Kinh, hôm 19/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc không đồng ý với các yêu cầu của Mỹ về việc nối lại đối thoại quân sự để giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm. Giới phân tích quân sự Trung Quốc cho biết, hành động này là vì Bắc Kinh không hài lòng với việc Washington không ngừng vi phạm “lợi ích cốt lõi” của họ trong các vấn đề như Đài Loan.

Thiết lập đường dây nóng xử lý khủng hoảng là ưu tiên hàng đầu của các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Trung Quốc đã phớt lờ các cuộc gọi của Mỹ sau khi căng thẳng hai bên leo thang sau sự cố khinh khí cầu tháng 2, máy bay Mỹ - Trung đối đầu trên không ở Biển Đông, vấn đề Đài Loan...

Kông Anh(Nguồn: Asia Times)
Bình luận
vtcnews.vn