Hiện tại, nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đang tập trung vào quá trình vận động bầu cử. Từ đó, cử tri sẽ có cơ sở lựa chọn ra những người đủ đức, đủ tài. Trong đó, không ít người sử dụng mạng xã hội để giới thiệu về mình và chương trình hành động để được cử tri ủng hộ.
Trả lời PV VTC News, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group of Companies cho rằng các ứng viên vận động tranh cử qua mạng xã hội là tín hiệu đáng mừng, cần được khuyến khích để từ đó cử tri chủ động hiểu hơn về các ứng viên.
- Các hình thức vận động bầu cử truyền thống của các ứng viên hiện nay đang có những ưu điểm và nhược điểm gì, thưa ông?
Theo quy định và thông lệ chung, các ứng viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân được Hội đồng Bầu cử tổ chức các cuộc gặp gỡ đại diện cử tri thuộc khu vực ứng cử. Ở các cuộc tiếp xúc này, ứng cử viên có cơ hội trình bày kế hoạch hành động và thể hiện năng lực của mình.
Ở nước ta lâu nay không có các hình thức vận động bầu cử như ở các nước phương Tây. Vận động bầu cử hầu như chỉ thông qua các cuộc gặp gỡ cử tri như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, có một vấn đề là không phải cử tri nào cũng được nghe chương trình hành động và hiểu được năng lực và mục tiêu của ứng cử viên. Ở các cuộc tiếp xúc, chỉ có một bộ phận đại diện cho cử tri mà thôi. Cử tri thực chất tự tìm hiểu về các ứng cử viên thông qua tài liệu giới thiệu về các ứng viên do Hội đồng Bầu cử tập hợp và phát đến các cử tri và khu vực bầu cử.
Hiện nay, ngoài các tài liệu in thì đã có các tài liệu đăng công khai trên internet. Ngoài các ứng cử viên là cán bộ lãnh đạo, hoặc là người hoạt động xã hội nổi tiếng, rất khó để cử tri hiểu thấu đáo về ứng cử viên, chưa nói đến chương trình hành động của họ nếu đắc cử.
- Thế còn hình thức vận động tranh cử qua mạng xã hội thì sao, thưa ông?
Theo tôi hiểu thì không có luật nào quy định cụ thể về việc có được sử dụng mạng xã hội cho công tác vận động bầu cử của các ứng cử viên hay không.
Bản thân Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các Hội đồng Bầu cử địa phương sử dụng mạng xã hội và các nền tảng số khác như nhắn tin SMS để tuyên truyền vận động người dân đi bỏ phiếu và chuyển thông tin về các ứng viên đến với công chúng.
Về nguyên tắc, mọi người đều bình đẳng trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để thể hiện chính kiến của mình.
- Hiện nay, tỷ lệ người Việt Nam sử dụng mạng xã hội rất lớn. Việc các ứng viên vận động tranh cử qua nền tảng này được nhiều người hoan nghênh, coi đây là tín hiệu tốt và nên khuyến khích?
Các ứng viên vận động tranh cử trên mạng xã hội là một tín hiệu đáng mừng và tôi cũng thấy việc này nên được khuyến khích.
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh
Các ứng viên vận động tranh cử trên mạng xã hội là một tín hiệu đáng mừng và tôi cũng thấy việc này nên được khuyến khích.
Như vậy, ứng cử viên có cơ hội giới thiệu và cử tri có cơ hội hiểu rõ năng lực, các cam kết của ứng viên và chương trình hành động của ứng viên.
Biểu hiện hoạt động ứng cử và bầu cử ở nước ta đang dần dần tiến tới đổi mới và thực tiễn hơn.
- Thực tế, không phải ứng viên nào cũng có thể dùng mạng xã hội. Các ứng viên sử dụng mạng xã hội có thể trở thành lợi thế và dễ dàng thắng cử hơn không, thưa ông?
Dùng phương tiện truyền thông nào cũng có thể dẫn đến khả năng thiếu công bằng giữa các ứng cử viên, không riêng gì mạng xã hội.
Tuy vậy, lợi thế này không có nghĩa là ứng viên sẽ dễ dàng thắng cử, bởi điều quan trọng là các nội dung mà ứng viên muốn trình bày như thế nào, có hấp dẫn và chinh phục cử tri hay không, có đến được cử tri thuộc khu vực bầu cử của mình hay không.
Hơn nữa, cách thức vận động trực tiếp này giúp cử tri chủ động hiểu hơn về các ứng viên mà mình sẽ lựa chọn, nhờ đó việc bỏ phiếu sẽ công bằng và chính xác hơn.
- Mặc dù hiện nay việc vận động bầu cử qua mạng xã hội đến được với nhiều người và nhanh chóng, nhưng theo ông để thuyết phục được cử tri, điều cốt lõi mà mỗi ứng viên cần hướng tới là gì?
Như tôi nói ở trên, mạng xã hội hay báo chí cũng chỉ là các phương tiện truyền thông. Có phương tiện nhưng nội dung truyền tải, chương trình hành động có phù hợp với mong muốn của cử tri, phù hợp với lợi ích chung của cộng đồng hay không mới là quan trọng.
Nếu nội dung không thuyết phục thì việc tiếp cận cử tri qua mạng xã hội lại là con dao hai lưỡi.
Chương trình hành động muốn tạo ấn tượng cho cử tri cần phù hợp với lợi ích của đất nước, của cộng đồng và của khu vực ứng cử.
Ứng viên phải tập trung giới thiệu những nội dung đó một cách thuyết phục, thay vì chỉ kêu gọi bỏ phiếu cho mình.
- Xin cảm ơn ông!
Bình luận