• Zalo

Từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung ở huyện Lạc Thủy

Thị trườngThứ Năm, 02/11/2023 08:40:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tính đến tháng 11/2023, huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) đã thực hiện dồn điền đổi thửa được khoảng 610ha, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung.

Bằng nhiều giải pháp đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU của Tỉnh ủy về dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), đến tháng 11/2023, huyện Lạc Thủy đã thực hiện dồn đổi được khoảng 610ha. Qua đó dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, tạo thuận lợi liên kết sản xuất; ứng dụng KHKT, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, gắn với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên địa bàn huyện.

Nhờ đó, tại những cánh đồng ở thôn Chéo Vòng, thị trấn Chi Nê đã không còn trồng hoa màu manh mún, nhiều thửa đất nhỏ lẻ đã được quy về một chủ. 

Ông Nguyễn Văn Minh, chủ một vựa rau tại thôn này cho biết vừa lắp đặt hệ thống vòi phun tưới cho diện tích đất trồng rau vụ đông.

“Trước đây, gia đình tôi có 3 - 4 mảnh đất sản xuất trên cánh đồng này. Năm nào, vụ nào cũng phải đầu tư dàn trải, mỗi mảnh một loại cây, chỗ trồng ngô, chỗ thì trồng rau, đậu. Việc chăm bón phải bỏ ra nhiều công sức, chi phí mà kết quả thu lại chẳng đáng là bao. Tuy nhiên, từ khi thực hiện DĐĐT, những mảnh đất nhỏ lẻ của gia đình đã được đổi cho các hộ khác và "gom” về một chỗ, dễ làm ăn hơn rất nhiều”, ông phấn khởi cho biết.

Từ dồn điền - đổi thửa, nhiều hộ ở xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã đầu tư trồng dâu nuôi tằm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Từ dồn điền - đổi thửa, nhiều hộ ở xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) đã đầu tư trồng dâu nuôi tằm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

Với diện tích hơn 1.400m2, gia đình ông Minh đã chủ động trong kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phù hợp như rau bí, dưa chuột, cà, đậu các loại. Từ đó đã mang lại thu nhập cao hơn trước khá nhiều. Trong khi đó chi phí và công chăm sóc giảm hơn một nửa.

Cũng như gia đình ông Minh, từ khi thực hiện thành công việc DĐĐT, nhiều hộ ở xã Phú Nghĩa đã đưa cây dâu tằm về trồng mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Theo ông Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Thủy, từ thực hiện thành công DĐĐT đã tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp của địa phương, khắc phục được tình trạng manh mún đất sản xuất.

Nhờ đó đã giúp người dân xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng. Đặc biệt, từ đẩy mạnh thực hiện DĐĐT đã tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, giảm được chi phí nhân công làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, công thu hoạch sản phẩm…

Thời gian qua, huyện Lạc Thủy đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác DĐĐT. Trong đó đã ban hành các chương trình, kế hoạch; thành lập tổ giúp việc, tổ công tác thực hiện DĐĐT. Chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và người dân tham gia DĐĐT.

Đặc biệt, ngay sau khi dồn đổi, các hộ được đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; hỗ trợ làm công trình thủy lợi, giao thông, xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị... Nhờ đó, tính đến nay, toàn huyện đã DĐĐT được 610ha, trong đó, diện tích DĐĐT 562,84ha, chiếm 92,27%; diện tích dồn điền nhưng không đổi thửa 19,81ha, chiếm 3,25%; diện tích đổi thửa nhưng không dồn điền 27,35ha, chiếm 4,48%.

Nổi bật như ở thị trấn Chi Nê đã có 305 hộ thực hiện DĐĐT trên diện tích 86,4ha; xã Phú Nghĩa vận động 203 hộ thực hiện DĐĐT trên diện tích 21,26ha. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 - 2023, xã An Bình đã thực hiện DĐĐT được 371ha, bằng 41,1% diện tích đất SXNN của xã, vươn lên là địa phương thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Trong quá trình thực hiện DĐĐT, xã An Bình đã vận động nhân dân hiến được 34.200m2 đất để làm giao thông và thuỷ lợi nội đồng.

Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, DĐĐT đã tác động tích cực đến SXNN, khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất trên địa bàn huyện. Ở một số địa phương nếu như khi chưa thực hiện DĐĐT, số thửa đất bình quân là 6 - 8 thửa/hộ, thậm chí nhiều trường hợp có cả chục thửa đất nằm rải rác, cách xa nhau, không thuận lợi cho sản xuất.

Sau khi thực hiện DĐĐT đã giảm còn từ 2 - 3 thửa/hộ, việc tổ chức sản xuất trên thửa đất mới thuận lợi, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn và xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, giảm chi phí sản xuất; tạo thuận lợi cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, từ đó đã giảm công lao động.

Theo tính toán, trước khi thực hiện DĐĐT thì bình quân phải mất đến 6 công lao động/sào (360m2). Sau khi DĐĐT chỉ còn 2 - 3 công lao động/sào. "Từ việc DĐĐT đã khuyến khích người dân tăng cường áp dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đặc biệt đã đưa cơ giới hóa vào SXNN một cách hiệu quả”, đồng chí Hoàng Đình Chính nhấn mạnh.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn