Hòa Bình xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, sản lượng tăng vọt từng năm

Nông nghiệp - Nông thônThứ Năm, 02/11/2023 11:59:00 +07:00
(VTC News) -

Tỉnh Hòa Bình nổi lên là một trong điểm sáng trong xuất khẩu nông sản đến các thị trường khó tính, nhiều mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng mạnh theo từng năm.

Liên tiếp trong năm 2022, 2023, nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình được xuất khẩu thành công sang châu Âu, đem lại lợi nhuận cao như: Mía tươi Tân Lạc, măng tươi Kim Bôi, cam Cao Phong, nhãn Sơn Thủy, chè sông Bôi… Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của các nông sản tỉnh Hòa Bình, tăng thu nhập cho người dân.

Bưởi đỏ Tân Lạc được đóng gói trước khi đưa đi xuất khẩu. (Ảnh: Sở Tài chính Hòa Bình)

Bưởi đỏ Tân Lạc được đóng gói trước khi đưa đi xuất khẩu. (Ảnh: Sở Tài chính Hòa Bình)

Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, trọng tâm phát triển nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình là tập trung sản xuất nông sản an toàn đạt chất lượng cao, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, Global Gap để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực đạt khoảng 137,8 triệu USD; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Thị trường xuất khẩu hàng hóa mà tỉnh định hướng là các nước: Mỹ, EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật của tỉnh cho biết: Chỉ sau 1 năm xuất khẩu, Bưởi Diễn Yên Thủy, Bưởi đỏ Tân Lạc đã mở rộng được thị trường ở nước ngoài. Năm nay, sản lượng xuất khẩu dự kiến tăng vọt so với năm 2022.

"Mùa vụ năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi chủ yếu để chào hàng, thử nghiệm thị trường, sản lượng chỉ được hơn 10 tấn. Năm nay, hiện tại, đơn hàng xuất khẩu đã đăng ký lên tới 70 - 80 tấn", ông Yến cho biết.

Tại Hòa Bình, nhiều doanh nghiệp chủ động tìm đến các nhà vườn để liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu. Theo đó, cuối năm 2022, Hòa Bình chính thức xuất khẩu thành công Bưởi đỏ Tân Lạc, Bưởi Diễn Yên Thủy. Năm nay, để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, Hòa Bình đã cấp thêm các mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu tại huyện Lương Sơn...

Đến nay, Hòa Bình hiện có 3 huyện trồng bưởi tập trung để phục vụ các thị trường xuất khẩu, đặt kỳ vọng bưởi là loại trái cây mang lại nguồn thu lớn cho nông dân những năm tới đây. Cùng với các doanh nghiệp, chúng tôi đang tập trung hỗ trợ, tư vấn các nhà vườn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng các điều kiện xuất khẩu.

Đến thời điểm hiện tại, vườn Bưởi đỏ của gia đình ông Dương Tất Tính ở xóm Tân Hương, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, rộng 2 ha, sản lượng ước tính khoảng 40.000 quả đã được một doanh nghiệp tại Hà Nội chọn làm vùng nguyên liệu xuất khẩu.

Theo ông Tính, sau nhiều ngày thương thảo, hai bên đã ký xong hợp đồng thu mua với giá bán tại vườn là 19.000 đồng/kg. Dự kiến từ ngày 30/11, nhà vườn bắt đầu cắt bưởi bán cho doanh nghiệp xử lý bảo quản, đóng container xuất khẩu.

"Giá Bưởi bán cho doanh nghiệp xuất khẩu thường ổn định, không quá cao nhưng nhà vườn đã có lãi. Năm nay, tôi chỉ bán cho doanh nghiệp một phần sản lượng, còn lại sẽ bán cho khách quen hoặc bán tự do", ông Tính nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty RYN, cho biết năm 2022, doanh nghiệp này đã xuất khẩu thành công lô bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên sang thị trường Anh Quốc. Qua đánh giá thấy người tiêu dùng khá ưa chuộng loại Bưởi này, năm nay, doanh nghiệp và đối tác sẽ tăng sản lượng xuất khẩu. Đồng thời, ngoài thị trường Anh, doanh nghiệp có thêm đơn hàng xuất khẩu Bưởi sang các nước EU và Mỹ.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, Bưởi Diễn, Bưởi đỏ Tân Lạc, Bưởi Đoan Hùng… trồng tại các tỉnh phía bắc đều là những loại Bưởi đặc sản, chất lượng rất ngon. Khác với Bưởi da xanh, sản lượng xuất khẩu nhiều nhất hiện nay, những loại Bưởi này chủ yếu bán tại chuỗi siêu thị, hệ thống cửa hàng phục vụ người châu Á, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nên số lượng chưa nhiều. Nếu đứng vững được ở phân khúc này, nhiều loại Bưởi trồng ở miền Bắc sẽ lan tỏa mạnh mẽ trong những năm tới khi tiếp cận, chinh phục được người tiêu dùng bản địa...

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xuất khẩu quả Bưởi da xanh, điều kiện tiên quyết để các loại Bưởi đặc sản ở miền Bắc có thể xuất khẩu được là các nhà vườn phải thay đổi quy trình canh tác, sản xuất hướng đến các tiêu chuẩn, chất lượng của thị trường xuất khẩu.

"Đặc biệt, các nhà vườn không được sử dụng các loại thuốc, hóa chất ngoài danh mục hoặc đã bị cấm sử dụng; ứng dụng giải pháp kỹ thuật để giữ trái bưởi có mẫu mã đẹp hơn; thiết kế bao bì, đóng gói quả bưởi cho đẹp mắt, tiện lợi hơn thì tương lai thị phần xuất khẩu của nhiều loại bưởi đặc sản sẽ còn tăng mạnh", ông Nguyên nói.

Trước đó, tháng 8/2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư thương mại Tiến Ngân phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ xuất lô hàng mía tươi sang thị trường Hoa Kỳ với số lượng 17,3 tấn.

Các huyện Lạc Sơn và Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình là hai vùng đất nổi tiếng với các giống mía tươi gồm mía tím và mía trắng.

Đây là những giống mía lâu đời, có chất lượng tốt, mềm, ngọt, phù hợp ăn tươi và ép nước uống.

Việc đưa cây mía Hòa Bình đến với thị trường thế giới góp phần mở rộng sản xuất, phát triển ngành công nghiệp mía đường Hòa Bình.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hòa Bình, từ năm 2019, cây mía của tỉnh không chỉ có mặt ở nhiều vùng miền trong cả nước mà đã tìm đường xuất khẩu.

Bắt đầu chỉ từ 120kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng mía xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm. Năm 2020 đạt 5,7 tấn, năm 2021 đạt 74 tấn và năm 2022 là 300 tấn.

Đức Thiện
Bình luận
vtcnews.vn