Có cầu ắt có cung
Trong vai người đi học thuê, PV gọi vào số điện thoại trong một bình luận của L.T.N. của một bài viết trên trang Facebook Học thuê, lập tức PV nhận được ngay môn học, số buổi học, ngày thi và báo giá.
L.T.N., sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng cho biết cần thi môn Mác (Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin 1) với giá 150 nghìn đồng/buổi trong kỳ thi trước Tết Nguyên đán. N. còn cho biết thêm vì thi trượt một lần nên muốn tìm người học và thi hộ. Thi qua môn còn được thưởng thêm 200 nghìn đồng.
Thực tế, việc tìm người học thuê, thi thuê không còn kín đáo hay hoạt động ẩn như trước. Chỉ cần vào trang Học thuê trên Facebook đã thấy hàng loạt bình luận công khai tìm người học thuê, thi hộ với các mức giá từ 130 - 250 nghìn đồng/ngày. Thậm chí chỉ cần gõ “tìm người học thuê” trên công cụ tìm kiếm Facebook sẽ ra hoàng loạt bài đăng nội dung này.
Dịp cuối năm, các trường tổ chức thi học kỳ 1 cũng là dịp nở rộ quảng cáo tìm người học thuê. D.N.T, sinh viên một trường kỹ thuật tại TP.HCM đăng tìm người thi hộ 3 môn: vật liệu kỹ thuật, cơ lỏng, nguyên lý máy công khai. T. không ngần ngại chi 250 nghìn đồng/môn cho người thi hộ.
Gọi vào số điện thoại trên bài đăng, T. cho biết: “Kỳ thi này toàn môn khó, chưa kể dịp cuối năm đi làm thêm nhiều nên mình cần người thi, mình sẽ hậu tạ xứng đáng khi bạn thi qua trót lọt”.
Không chỉ sinh viên tự tìm người mà những trang web cũng công khai dịch vụ cho thuê người học hộ, thi hộ như: hocthuegiare.com hay hocthue.net. Trên hocthuegiare.com phổ biến dịch vụ học hộ ngắn hạn và dài hạn tại TP.HCM dành cho sinh viên, cao học, tại chức… và còn phổ biến “kiến thức hành nghề” cho người đi học thuê một cách công khai và chi tiết như làm thẻ sinh viên, xử lý tình huống khi bị phát hiện,…
Gọi điện đến đường dây nóng của trang web này, với vai sinh viên tìm người học, PV liền được nhân viên tư vấn nhiệt tình, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp thẻ sinh viên, môn học, thời gian học và ngành học….
Khi được hỏi làm sao để không bị phát hiện, nhân viên tư vấn liền nói: “Khi bị phát hiện đi học thuê, người nhận học thuê có thể tránh thoát bằng việc nhận người thân, họ chỉ giúp đỡ người thân đang bận rộn tới chép bài giùm để người thân có cái để học. Thầy cô chắc chắn sẽ thông cảm”.
Xử lý thế nào?
Em H.L.Đ.K., sinh viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng, sinh viên hiện nay thuê học hộ thi hộ là bình thường. Rất nhiều sinh viên lo đi làm thêm kiếm tiền dịp Tết nên thuê người học hoặc cũng nhiều bạn học yếu, sợ không qua môn nên thuê người.
Theo TS Trần Văn Kiên, giảng viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, tình trạng học hộ hoặc tìm người học thuê vẫn diễn ra, nhất là khi các trường bắt đầu tổ chức thi hết môn, thi học kỳ vào cuối năm. Ít nhiều khó phát hiện người học hộ vì có lớp học đông với hàng chục thậm chí là cả trăm sinh viên. Với thi hộ thì phát hiện được vì đối chiếu chứng minh thư, thẻ sinh viên, hình ảnh người học ngày đầu nhập học. Do đó thi hộ thường rất hiếm xảy ra.
“Nhà trường có quy định, nếu phát hiện sinh viên có hiện tượng học, thi hộ và thuê, nhờ người khác học, thi hộ sẽ bị kỷ luật đình chỉ 1 năm học và nếu tiếp tục bị phát hiện lần 2 sẽ bị buộc thôi học. Phải xử lý thật nặng tay mới cắt đứt tình trạng này”, TS Kiên nói.
Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT quy định: Người học hộ hoặc nhờ người khác học hộ tùy theo mức độ sẽ xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Người tổ chức học, thi, kiểm tra hộ, tổ chức làm hộ tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp tùy theo mức độ có thể giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận