Trong Đối thoại Shangri-La 15 vừa diễn ra tại Singapore, Trung Quốc có những hành động, tuyên bố gặp phải sự phản đối, chất vấn từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là về vấn đề Biển Đông.
Là người trực tiếp tham gia Shangri-La 15, Thượng tướng, PGS-TS Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng đã trả lời phỏng vấn VTC News để làm rõ hơn vấn đề này.
Thượng tướng Võ Tiến Trung nhấn mạnh: “Các nước đến Shangri-La đều với mục tiêu sẽ đóng góp gì, hiến kế gì cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, thịnh vượng hơn chứ không phải để bàn cãi về vấn đề chủ quyền”.
- Như vậy, việc xuất hiện các tờ rơi của Trung Quốc xuyên tạc về chủ quyền ở Biển Đông là trái với tiêu chí của Đối thoại Shangri-La?
Trên quan điểm của tôi, Việt Nam – Trung Quốc là đối tác chiến lược của nhau, chúng ta cần gìn giữ mối quan hệ song phương mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp để hai bên có thể sống hòa bình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau.
Năm ngoái, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phải cáu lên ở hội nghị khi bị chất vấn, năm nay đoàn Trung Quốc có bình tĩnh hơn, công tác chuẩn bị chặt chẽ hơn, phát biểu rõ ràng hơn nhưng vẫn có những hành động khiến tôi rất buồn.
Dù là nước lớn, lẽ ra Trung Quốc phải tuyên bố mình làm được gì, đóng góp gì cho hòa bình khu vực khi là thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhưng Trung Quốc lại phát tờ rơi với nội dung duy nhất là khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa và ‘đường 9 đoạn’ thuộc về mình.
Những tờ rơi này được phát cùng lúc Việt Nam và Trung Quốc đang có cuộc gặp song phương bên lề Đối thoại Shangri-La.
Tờ rơi do người mặc quần áo dân sự cung cấp và không xác nhận thuộc về đoàn nào.
Tờ rơi do người mặc quần áo dân sự cung cấp và không xác nhận thuộc về đoàn nào. Chính vì vậy, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không nhắc đến vấn đề này trong bài phát biểu của mình trước hội nghị.
- Ngoài tờ rơi, ông Tôn Kiến Quốc cũng có tuyên bố phi lý về Biển Đông không, thưa ông?
Trong hội nghị toàn thể với chủ đề “những thách thức trong giải quyết xung đột”, ông Tôn Kiến Quốc đã trình bày bài phát biểu dài 35 phút (đúng ra tối đa chỉ có 10 phút) giải thích tên gọi về các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông; giới thiệu về diện tích và môi trường tự nhiên của các hòn đảo trong khu vực; đưa ra lý lẽ vì sao khu vực nằm trong ‘đường 9 đoạn’ lại thuộc về Trung Quốc.
Bắc Kinh nói, trong tấm bản đồ từ Thế kỷ thứ II trước Công nguyên đã vẽ về Nam Sa, Tây Sa và Đông Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) là lãnh thổ của Trung Quốc và từ đó đến nay họ đã đưa quân ra quản lý, khai thác, nghiên cứu ở những quần đảo đó.
Theo tôi đây là một tuyên bố vô lý và Đô đốc Tôn Kiến Quốc không thực hiện đúng cam kết giữa lãnh đạo cấp cao 2 nước, đi ngược lại với tình hữu nghị, bạn bè, đối tác giữa 2 quốc gia, xâm phạm thô bạo chủ quyền của Việt Nam.
- Vậy phản ứng của các đại biểu về tuyên bố này ra sao, thưa Thượng tướng?
Có đại biểu Ấn Độ đã hỏi rằng, nếu Đô đốc Tôn Kiến Quốc dùng bản đồ từ Thế kỷ thứ II trước Công nguyên để khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, mà trong bản đồ này toàn bộ 10 nước ASEAN cũng thuộc Đế chế Trung Hoa khi đó, liệu ông có đòi luôn chủ quyền của các quốc gia này không.
Ngoài ra, đại biểu này cũng hỏi thêm, vào cuối Thế kỷ XIX, bản đồ nước Anh bao trùm hơn ½ thế giới vậy nếu bây giờ Anh cũng dựa vào đó để đòi chủ quyền ven biển khắp nơi trên thế giới thì Đô đốc nghĩ thế nào.
Tất nhiên, ông Tôn không thể trả lời được các câu hỏi này mà chỉ nói rằng: “Chúng tôi tôn trọng bản đồ của nước Anh hiện nay”.
- Ngoài Đô đốc Tôn, Thiếu tướng Yao trong hội thảo với chủ đề: “Kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông” cũng đề cập đến Biển Đông và nhận dồn dập thắc mắc của đại biểu các nước…
Trong buổi thảo luận riêng về Biển Đông, sau khi trình bày về ‘đường 9 đoạn’ và các tuyên bố phi lý khác của Trung Quốc ở khu vực này, bà Yao phải nhận về rất nhiều câu hỏi của đại biểu quốc tế, đặc biệt là về ‘đường 9 đoạn’.
Khi đó, bà Yao nói: “Ở nội bộ chúng tôi, đang có tranh luận quyết liệt về ‘đường 9 đoạn’ này”. Điều đó cho thấy, chính Trung Quốc cũng chưa thống nhất được về sự tồn tại của đòi chủ quyền phi lý này nhưng vẫn đưa vấn đề này ra quốc tế.
Ngoài ra, khi được hỏi ‘đường 9 đoạn’ này khẳng định điều gì, Thiếu tướng Yao nói ‘đường này đánh dấu vùng cảnh báo quân sự’, chứ không phải Vùng nhận dạng phòng không - ADIZ.
Ngay lập tức, khái niệm ‘vùng cảnh báo quân sự’ tiếp tục bị đặt câu hỏi và đại diện của Trung Quốc vẫn không trả lời được.
- Là người trực tiếp tham gia Đối thoại Shangri-La, Thượng tướng đánh giá thế nào về thể hiện của đoàn Trung Quốc năm nay?
Đại diện đoàn Trung Quốc, ngoài những tuyên bố phi lý về chủ quyền ở Biển Đông, Đô đốc Tôn Kiến Quốc có một câu nói tôi thấy đúng và nếu Bắc Kinh thực hiện được điều đó thì sẽ đem lại lợi ích lớn cho khu vực.
Cuối bài phát biểu của mình, ông Tôn nói: “Tôi là người lính, tôi được dạy để chiến thắng. Nhưng đến đây với cương vị là đại diện của Trung Quốc, trước tình hình thế giới hiện nay, tôi thấy rằng đưa tay ra bắt quý hơn là nắm đấm và mở lòng ra lắng nghe nhau tốt hơn là bóp cò súng”.
Các ý kiến đóng góp của những nước khác có thể nói gần như không được phía Trung Quốc tiếp thu, ghi nhận.
Tuy nhiên, các ý kiến đóng góp của những nước khác có thể nói gần như không được phía Trung Quốc tiếp thu, ghi nhận.
- Vậy Thượng tướng đánh giá tổng thế Đối thoại Shangri-La lần này như thế nào?
Theo tôi, các nước đã nói lên được quan điểm của mình, đặc biệt các nước lớn đều phản đối thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông và thái độ phớt lờ phán quyết sắp được đưa ra của Tòa trọng tài thường trực về vụ kiện của Philippines.
Không những Mỹ mà Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước ASEAN cùng lên tiếng, Trung Quốc sẽ tự thấy mình bị cô lập trên trường quốc tế về vấn đề Biển Đông. Theo tôi, nếu Bắc Kinh đủ tỉnh táo, họ sẽ tự điều chỉnh thái độ của mình.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận