Khi biết tin về việc “dùng bia giải độc rượu”, không ít người tỏ ra khá tò mò và tự đặt ra câu hỏi: Tại sao lại có chuyện dùng bia giải độc? Thậm chí có người còn đùa bỡn rằng: “Từ giờ cứ say rượu thì tốt nhất cứ uống thêm bia để giải rượu” gây hoang mang trong cộng đồng.
BS Lương Quốc Chính, bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai có những chia sẻ với VTC News về vấn đề này.
BS Chính cho biết, người dân không nên hiểu sai về việc truyền bia vào cơ thể để giải độc. Bởi ngộ độc rượu nặng sẽ được các bác sĩ cứu bằng cách truyền bia vào dạ dày chứ không phải truyền qua đường tĩnh mạch như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Theo BS Chính, ngộ độc rượu có hai loại: Ngộ độc rượu Ethanol (loại rượu hay dùng làm thực phẩm) và ngộ độc Methanol (rượu công nghiệp cực độc).
"Trong trường hợp bệnh nhân ở Quảng Trị vừa được cứu sống là trường hợp bị ngộ độc Methanol chứ không phải ngộ độc Ethanol. Vì thế khi cho người bệnh truyền bia vào dạ dày thì sẽ làm giảm tác dụng, ảnh hưởng của Methanol có trong cơ thể (máu)”, BS Chính nói.
BS Chính cũng cho biết thêm, ngoài cách truyền bia vào dạ dày của bệnh nhân để giải độc Methanol thì các bác sĩ cũng có thể dùng nhiều cách khác để giải độc như bồi phụ kiềm đường tĩnh mạch hay lọc máu cấp cứu.
Trước thông tin “dùng bia để giải rượu” như nhiều người lầm tưởng, bác sĩ Chính cảnh báo, có thể giải độc Methanol (rượu công nghiệp, cực độc) bằng uống Ethanol (bia làm thực phẩm) chứ ngộ độc Ethanol thì không dùng được.
“Nếu ngộ độc Ethanol (rượu thực phẩm) mà vẫn tiếp tục uống thêm Ethanol thì người bệnh càng trầm trọng, rất nguy hiểm hơn”, bác sĩ Chính nhấn mạnh.
Trước đó, sáng 25/12/2018 ông Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, trú tại Triệu Phong, Quảng Trị) cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trong tình trạng hôn mê, nguy kịch do ngộ độc rượu.
Để cứu bệnh nhân, bác sĩ truyền tổng cộng gần 5 lít bia vào đường tiêu hóa qua đó giải độc giúp ông qua cơn nguy kịch.
Lý giải về phương pháp có phần hơi “kỳ lạ” này, BS Lê Văn Lâm – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết, rượu gồm hai loại là Etylic và Metylic.
Khi vào cơ thể, gan ưu tiên chuyển hóa Etylic và tạo ra sản phẩm không gây độc. Trong khi Metylic được chuyển hóa sau nhưng tạo thành Andehit Formic, ở hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc, nguy cơ bệnh nhân thiệt mạng sẽ xảy ra.
Ngoài ra, chất Andehit Formic trong máu chính là nguyên nhân khiến bệnh nhân hôn mê. Hơn nữa, thời điểm đó, cơ thể bệnh nhân đã hết Etylic.
Vì vậy, nhằm hạn chế chuyển hóa Metylic, các bác sĩ truyền bia cho bệnh nhân. Lúc này, cơ thể được bổ sung Etylic khiến gan ưu tiên chuyển hóa Etylic, ngưng chuyển hóa Metylic.
“Methylic ở lâu trong cơ thể không được chuyển hóa sẽ bị đào thải dần qua đường nước tiểu, làm giảm độc tố trong cơ thể. Nhờ đó, các bác sĩ có thêm thời gian để lọc máu, giải độc cho bệnh nhân. Đây cũng là cơ sở để cứu sống người bệnh và phương pháp này cũng được nhắc tới trong y khoa”, BS Lâm nói.
Video: Uống rượu cồn công nghiệp, 3 người Hà Nội "nghỉ lễ" trong bệnh viện
Bình luận