Ghi nhận nỗ lực của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số điểm tồn tại, bất cập như tốc độ tăng trưởng còn thấp, thiếu bền vững.
Thu ngân sách và tỷ lệ giải ngân còn thấp. Cải cách hành chính có bước chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) nằm ở tốp dưới của bảng xếp hạng.
“Chúng ta phải xốc lại đội ngũ, cùng nhau hành động, chứ không thể chậm trễ hơn. Nếu chậm trễ hơn là tụt hậu. Đây là nguy cơ hiện hữu chứ không phải trên giấy tờ”, Thủ tướng lưu ý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ những tiềm năng của tỉnh chưa được khơi dậy, đánh thức như bờ biển dài, có cảng biển nước sâu, sân bay, quốc lộ, tuyến đường sắt đi qua và nhiều phong cảnh đẹp.
Thủ tướng cho rằng, Phú Yên phải phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, góp phần cùng cả nước hoàn thành mục tiêu năm 2016, trong đó, lưu ý rà soát lại các chỉ tiêu, nếu thấy điểm nào bất cập thì tập trung chỉ đạo, khắc phục như về tăng trưởng, thu ngân sách, giải ngân, giảm nghèo…
“Bên cạnh phát triển kinh tế, phải làm tốt đánh giá tác động môi trường, xây dựng phương án bảo vệ môi trường đối với các dự án liên quan, đặc biệt là dự án nhạy cảm, ven biển, các khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng xã hội hóa. Cái gì người dân, xã hội, doanh nghiệp làm được thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm.
Phú Yên phải thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh.
“Ở Ninh Thuận, trên vùng cát nóng như thế mà có hộ nông dân trồng măng tây cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha”, Thủ tướng dẫn chứng một mô hình nông nghiệp mà Thủ tướng đã đến thăm trong chuyến công tác tại Ninh Thuận ngày 27/8.
“Hay là về hải sản, chúng ta có 34.000 km2 ngư trường, là vùng đánh bắt truyền thống nổi tiếng thì xây dựng thương hiệu, chế biến làm sao? Các đồng chí phải tính để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa dựa trên thế mạnh mà nơi khác không có”.
Kéo “đại bàng” về làm tổ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một thế mạnh quan trọng, có thể coi là mũi nhọn của Phú Yên, là du lịch. Tỉnh phải nghiên cứu phát huy tiềm năng này, để ngành kinh tế này có thể đóng góp 10% GDP chứ không chỉ 1 – 2% như hiện nay. Theo đó, tỉnh phải có quy hoạch tốt, có sự liên kết tốt với các địa phương trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu tập trung cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, quyết liệt để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cần tập trung tháo gỡ rào cản gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Ông cũng yêu cầu xúc tiến tìm dự án, chú trọng những dự án lớn mà Thủ tướng ví như những con chim đại bàng, để làm sao nhiều “đại bàng làm tổ ở Phú Yên”.
“Tôi mong muốn trong thời gian tới, chỉ số PCI của chúng ta tăng cao hơn chứ không phải ở tốp dưới”, Thủ tướng bày tỏ và hoan nghênh phương châm mà Phú Yên đưa ra là “Thân thiện, nghĩa tình; tận tụy, trách nhiệm; kỷ cương, kỷ luật” trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Một thách thức lớn đối với Phú Yên là yêu cầu về nguồn nhân lực, cả số lượng và chất lượng. Tỉnh cần tập trung công tác đào tạo lao động có kỹ năng cao, thu hút người giỏi đến đây làm việc.
Trước các đề xuất của Phú Yên, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận