Sáng nay (20/11) tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng.
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; các Ủy viên trung ương, lãnh đạo các Ban bộ ngành trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và nước ngoài. Chương trình do Bộ Kế hoạch Đầu tư tổ chức.
Hội nghị nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên. Cùng đó là các hoạt động: Triển lãm, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người và giới thiệu nông sản của Vùng; Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là vùng “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”; nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng Duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Xác định rõ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, nhất là Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển Vùng.
Qua hơn 20 năm triển khai thực hiện Vùng đạt được một số kết quả nổi bật, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng khá nhanh, bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong 6 vùng của cả nước. Công nghiệp phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân giai đoạn 2022-2020 đạt 12,8%/năm, cao nhất trong 6 vùng.
Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất nông sản lớn của cả nước, với các sản phẩm chủ lực có nhu cầu thị trường cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả như cà phê, cao su, chè, dược liệu, hồ tiêu, bơ..; Du lịch được đẩy mạnh, Tây Nguyên đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn lớn. Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; An sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khá nhanh.
Hệ thống giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm đầu tư. Các CTMTQG được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; Giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, nhiều di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo.
Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo; Thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được bảo đảm; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Phát huy tốt vai trò của Già làng, Người có uy tín; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng.
Tuy nhiên, Vùng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức như phát triển kinh tế chưa ổn định, bền vững; Quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức.
Tăng trưởng nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào mở rộng quy mô. Công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô khu vực dịch vụ còn khiêm tốn, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao; Các địa phương trong vùng đều chưa tự cân đối được ngân sách. Huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược.
Phát triển văn hóa chưa ngang tầm với kinh tế. Nhiều di sản văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một. Chất lượng giáo dục, đào tạo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ rừng, an ninh nguồn nước còn bất cập.
Trước những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, trên cơ sở tổng kết, đánh giá Nghị quyết số 10, Kết luận số 12, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, cần thiết và cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên.
Ngay sau đó, Chính phủ đã có Nghị quyết số 152/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị với nhiều tiêu chí cụ thể và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhấn mạnh, quán triệt và thực hiện nghiêm túc 5 quan điểm phát triển vùng Tây Nguyên theo Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm. Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
Thống nhất nhận thức và hành động; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Về mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu chương trình hành động của Chính phủ đề ra một số chỉ tiêu cụ thể như tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%; Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. Tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%. Tốc độ tăng NSLĐ xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%; Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi; qua đó thể hiện sự quyết tâm, đồng thuận cao để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững vùng Tây Nguyên, góp phần đưa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.
Bình luận