• Zalo

Thu hút FDI thực sự đang 'có vấn đề'?

Kinh tếThứ Tư, 03/12/2014 07:02:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm về những nhận định cho rằng thu hút FDI của Việt Nam đang 'có vấn đề'.

(VTC News) – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm về những nhận định cho rằng thu hút FDI của Việt Nam đang 'có vấn đề'.

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đang được coi là mục tiêu lớn của Việt Nam trong giai đoạn tới. Đặc biệt, tại Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua cũng dành nhiều ưu đãi cho các các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn với việc nếu dành quá nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI thì liệu có “lợi bất cập hại”?

sản xuất
Ảnh minh họa 

Không ít ý kiến cho rằng, chúng ta đang quá rộng tay với các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi thực tế lợi ích thu lại không tương xứng với tiềm năng mà chúng ta có.

Đơn cử, một trong những mục tiêu đặt ra khi hút FDI vào Việt Nam là các doanh nghiệp trong nước sẽ được chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến từ các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, thời gian qua điều này gần không đem lại kết quả nào. Việt Nam vẫn chỉ gia công cho các doanh nghiệp ngoại, thậm chí chỉ gia công ở công đoạn đơn giản nhất.

Đây có phải là điều đáng quan ngại khi đặt ra mục tiêu tăng thu hút FDI trong thời gian sắp tới?

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc đã trả lời phỏng vấn VTC News xung quanh vấn đề này.

- Có ý kiến cho rằng, nguồn thu ngân sách đang giảm mạnh là vì chúng ta đã dành nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp FDI. Quan điểm của ông về vấn đề này?

TS. Nguyễn Đức Kiên  
Tôi xin khẳng định rằng, tỷ lệ xuất khẩu trong mấy năm qua của mình tăng cao là do khối doanh nghiệp FDI chứ chưa phải là doanh nghiệp trong nước. Như vậy có thể thấy, việc xuất khẩu tăng lên thì nguồn thu từ hoạt động này cũng tăng theo. 

Trong khi đó, việc giảm thuế là giảm cho tất cả các doanh nghiệp, giảm thuế theo ngành hàng và không có một văn bản nào của Bộ Tài chính, Quốc hội nói là chỉ giảm thuế riêng cho doanh nghiệp FDI.

Chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan về vấn đề giảm nguồn thu của ngân sách. 

Thứ nhất, từ đầu năm đến nay, thống kê cho thấy là 213.000 doanh nghiệp hạch toán là lỗ, không có lãi và hầu hết đây là doanh nghiệp 100% vốn trong nước điều này làm cho nguồn thu mới giảm đi.

Bên cạnh đó, tổng số 55.000 doanh nghiệp dừng hoạt động và phá sản, cũng làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách và người lao động bị thất nghiệp. Trong khi đó có 60.000 doanh nghiệp đăng ký mới, nhưng số lượng người lao động được tuyển dụng cũng tăng chậm, ngoài ra số lượng nguồn vốn giải ngân cũng chưa mạnh nên nguồn thu bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, tổng đầu tư toàn xã hội trong những năm gần đây có giảm. Có thể lấy ví dụ, năm 2011 tổng đầu tư toàn xã hội là 40%, nhưng đến thời điểm này chỉ được khoảng 30%. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nguồn thu ngân sách gặp khó khăn.

Thêm nữa, giá dầu thô liên tục giảm trong mấy tháng qua trên thị trường thế giới, nên khoản đóng góp vào ngân sách cũng giảm. Trước kia, đóng góp vào ngân sách từ xuất khẩu dầu thô tới 25% GDP, thì nay thu ngân sách từ khoản này chỉ được 12-13%.

Cộng hưởng tất cả các yếu tố trên làm cho nguồn thu ngân sách giảm xuống chứ không phải vì chúng ta ưu đãi doanh nghiệp FDI.

- Thực tế thời gian vừa qua vẫn có nhiều ý kiến cho rằng thu hút FDI của chúng ta “có vấn đề” nên mới chưa mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Theo ông, sắp tới Việt Nam cần làm gì để cải thiện vấn đề này?

Như tôi vừa nói, tổng xuất khẩu của chúng ta trong thời gian vừa rồi là do đóng góp của FDI. Nếu chúng ta bảo thu hút FDI “có vấn đề”, tức là đánh giá không tốt, vậy thì bây giờ chúng ta chấp nhận giảm xuất khẩu đi? Chấp nhận mất cân bằng cán cân thương mại đi hay không?

Lâu nay chúng ta không bao giờ đặt câu hỏi là làm gì để thu hút được nguồn vốn đầu tư của nước ngoài hiệu quả. Đây là tiền của họ chứ không phải là tiền của mình. Vấn đề là người ta đã đầu tư vào như thế, mình phải tìm cách phối hợp với người ta như thế nào để mà hiệu quả hơn, chứ đừng kêu là có vấn đề này, có vấn đề kia.

- Thực tế, việc chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước chưa hiệu quả, và đây được cho là một “vấn đề” trong chính sách thu hút FDI, thưa ông?

Thực ra, về công nghệ, nhìn vào một số trường hợp cụ thể, không thể phủ nhận đóng góp của cộng đồng DN FDI. Nếu không có Liên doanh Việt Xô Petro thì chúng ta có cơ sở nền móng để hình thành ngành công nghiệp dầu khí không? Hay Samsung Việt Nam hiện nay đóng góp vào xuất siêu 3 tỷ USD mỗi năm, có hàng ngàn kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao và đầu tư lớn cho nghiên cứu phát triển (R&D)...

Nhưng ở đây tôi cũng phải nhấn mạnh là tại sao chúng ta cứ phải đặt vấn đề chuyển giao công nghệ mà không đặt vấn đề mua công nghệ? 
 

Tôi cho rằng, công nghệ là phải mua chứ, mình phải đầu tư, mình sử dụng công nghệ nào thì phải tự mình quyết định công nghệ đấy, phù hợp với điều kiện phát triển của mình và người ta, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

 

Tôi cho rằng, công nghệ là phải mua chứ, mình phải đầu tư, mình sử dụng công nghệ nào thì phải tự mình quyết định công nghệ đấy, phù hợp với điều kiện phát triển của mình và người ta, như vậy sẽ tốt hơn nhiều.

- Nhưng để mua được công nghệ mới là tương đối tốn kém, không nhiều doanh nghiệp trong nước đủ tiềm lực nên mới đặt ra vấn đề chuyển giao công nghệ trong thu FDI. Tuy nhiên thời gian qua gần như không thấy có sự chuyển giao công nghệ nào đúng nghĩa. Theo ông, có cần phải ra chính sách cụ thể gì để việc chuyển giao công nghệ thực chất hơn?

Quan điểm của tôi thì thế này, ngay trong Luật thu hút đầu tư thì mình cũng đã tạo điều kiện thế rồi, các điều kiện rất xông xênh, rất cụ thể về việc này.

Còn việc doanh nghiệp trong nước có hấp thụ được hay không là do chính doanh nghiệp phải cố gắng thôi, chứ không thể trông vào cơ quan quản lý nhà nước được. Cơ quan quản lý nhà nước không thể làm thay doanh nghiệp được.

- Gần đây chúng ta khá kỳ vọng vào làn sóng đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam, tuy nhiên thực tế chưa thấy có sự chuyển dịch đầu tư từ nước này. Theo ông đâu là nguyên nhân?

Trước hết chúng ta phải hết sức bình tĩnh khi nhìn nhận về hiện tượng này. Một vài doanh nghiệp họ vừa vào thì làm gì mà đã được gọi là “làn sóng”? 

Tất nhiên cũng phải thừa nhận là có các nhà đầu tư Nhật bản đang đầu tư ở một số nước trong khu vực, hiện nay đang dịch chuyển đến làm việc ở Việt Nam. Chúng ta cần nhận thấy việc đó bình thường thôi. Còn việc họ chưa vào nhiều thì cũng có nhiều nguyên do, có thể do chính sách của ta còn điểm nào đó chưa phù hợp với họ.

Theo tôi, hiện môi trường đầu tư của chúng ta đang được cải thiện, đặc biệt khi Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong tháng 7/2015, thì chúng ta sẽ có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nữa. 

Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại, cái gọi là “làn sóng” đầu tư thì chúng ta không nên nói ở thời điểm này.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn