Bài viết “Nhớ Tết thời bao cấp: Chuyện đổi tem phiếu và xếp hàng đêm hôm” và diễn đàn Tết nhớ thương trong hoài niệm của VTC News đánh thức trong ký ức của tôi bao nhiêu hoài niệm về những ngày thơ ấu, cách đây mấy chục năm.
Nếu hỏi tôi nghĩ ngay đến hoạt động gì khi nhắc đến những cái Tết hồi còn nhỏ thì đó chính là việc đụng lợn. Trong chuồng nhà tôi luôn có vài con lợn, trong đó có một con được “chỉ định” là dành cho Tết. Chừng vài ngày trước Tết Nguyên đán, âm thanh của những cuộc đụng lợn đã vọng lên từ nhiều phía. Sau khi định hướng âm thanh phát ra cùng thông tin nghe được trước đó, mọi người sẽ đoán “nhà bác Hân mổ lợn rồi” hoặc “tiếng bên nhà ông Bảy”…
Thường lúc đó, bọn trẻ con chúng tôi sẽ rối hết cả lên giục “nhà mình cũng làm lợn đi”, phần vì thèm được ăn ngon, phần vì mê cái không khí náo nhiệt hớn hở ấy, phần nữa vì sắp có đồ chơi mới: Cái bong bóng lợn. Cả lũ đều mê đá bóng nhưng chỉ có bóng nhựa nhẹ hều đá vừa mất sức vừa không bay, không nẩy, lại nhanh hỏng. Bóng cuốn bằng sợi cao su cắt ra từ săm xe đạp tuy nẩy tốt, đá được xa nhưng toàn lệch trọng tâm, đang đá thì mối dây tụt ra và quả bóng càng lăn càng bị “tan rã” thảm hại. Thi thoảng, anh Linh con bác Chuẩn mới cho mượn quả bóng xịn làm từ những mảnh da hình lục giác ghép lại, nhưng chưa kịp đá thì anh đã đòi về.
Thế nên, quả bong bóng lợn rất được mong chờ, tuy không sang chảnh nhưng được cái ổn định hơn bóng săm xe đạp, bền và đá sướng chân hơn bóng nhựa, lại thêm cảm giác thú vị vì được lấy ra từ con lợn, và từ một sự kiện “hội hè” mỗi năm chỉ có một lần.
Nhóm đụng lợn nhà tôi bao giờ cũng chỉ “ra tay” vào sáng 30 Tết, gồm gia đình tôi và 2-3 nhà hàng xóm, tùy năm. Tinh mơ, đang ngủ say thì bị đánh thức bởi tiếng lợn kêu, tôi mắt nhắm mắt mở đi ra hóng, ngủ gà ngủ gật ngoài sân mãi cho đến khi mấy thằng bạn cũng mò sang. Chúng tôi hết buôn chuyện, chơi loanh quanh với nhau ngoài ngõ lại xớ rớ xem người lớn làm đến đâu: “Sắp có bóng để đá chưa bố ơi?”.
Nhưng rồi phải đến đầu giờ chiều chúng tôi mới có bóng để đá, vì trước đó còn phải xử lý nó, hết rửa, bóp muối, chà đạp với tro bếp, rửa đi rửa lại rồi mới bơm hơi vào. Chưa xong thì đã được người lớn gọi vào ăn lòng và cháo nóng – bữa trưa kiêm bữa sáng – trong khi đứa nào cũng đã đói mềm.
Ăn xong, mặc cho người lớn kêu gào “chờ xuôi cơm đã”, mấy thằng vẫn lôi bóng ra đá, trời lạnh mà đứa nào đứa nấy mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ bừng, sung sướng lăn lộn hò hét cho đến khi được gọi về ăn cơm tất niên.
Mới đó mà đã gần 30 năm, trẻ con bây giờ nhiều đồ chơi, ít không gian nên bóng đá không phải là thứ gắn bó nhất, càng không thể hình dung có thể chơi cái thứ vốn để đựng… nước tiểu lợn. Nhưng với chúng tôi, ký ức về cái món đồ chơi nhà quê chỉ có tuổi thọ vài ngày ấy lại mở ra cả bầu trời tuổi thơ, kéo theo bao nhiêu hoài niệm đẹp đẽ về Tết ở cái thuở tâm hồn vẫn là tờ giấy trắng.
Mời độc giả tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”
Tết Nguyên đán gắn với đời sống văn hóa, tâm linh, tình cảm của mỗi người Việt Nam, là sự kiện mà mỗi chúng ta đều hướng về bằng việc nỗ lực tạo ra, dành ra những giá trị tốt đẹp nhất. Tết gắn với sum họp gia đình, với yêu thương chia sẻ, với những ước nguyện cho tương lai. Vì vậy, khi thời gian trôi qua, mỗi người Việt đều rưng rưng hoài niệm về Tết với bao thương nhớ.
Dù bạn đang ở tuổi 20 phơi phới, tuổi 30-40 rực rỡ, tuổi 50 “tri thiên mệnh” hay đã an nhiên với tuổi 70-80 thì đều có những ký ức về Tết Nguyên đán mà bạn thường dùng từ “hồi đó”, “ngày xưa” khi kể lại, những hoài niệm khiến mỗi chúng ta được trở về với sự thuần khiết, trong trẻo như trẻ thơ.
Hãy chia sẻ với VTC News và các độc giả khác những kỷ niệm, hồi ức đó của bạn bằng cách gửi bài viết tham gia diễn đàn “Tết nhớ thương trong hoài niệm”. Các bài viết xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
Bình luận