Tại buổi giao trực tuyến về giải pháp và lộ trình thay thế sổ hộ khẩu, CMND do Báo Công an Nhân dân tổ chức tại Hà Nội chiều 13/11, đại diện Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, luật sư đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến việc Bộ Công an thay đổi quản lý công dân bằng sổ hộ khẩu chuyển sang quản lý mã số định danh dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
Trả lời câu hỏi về tính pháp lý khi thực hiện Nghị quyết 112NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ khi bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu sẽ còn liên quan đến các luật khác, như Luật cư trú, Luật Hộ tịch, Luật căn cước công dân, luật sư Quản Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết Nghị quyết 112NQ-CP hoàn toàn đầy đủ tính pháp lý và thông tin “bỏ sổ hộ khẩu” là chưa chính xác.
Luật sư Quản Văn Minh cho biết: Khi hỏi bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu là không được rõ và không chính xác. Trong Nghị quyết 112NQ-CP quy định rất rõ, không phải bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu mà thay bằng mã số định danh trên cơ sở dữ liệu quốc gia.
“Vấn đề ở đây là chúng ta đang tìm ra hình thức quản lý tốt hơn, tiến bộ hơn, nhanh hơn, phù hợp với thực tế chứ không phải bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu. Việc bỏ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu sẽ liên quan tới Luật cư trú, Luật căn cước…”, luật sư Minh nói.
Luật sư Minh cho hay, đối với các thông tư liên tịch, Bộ Công an chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng ban hành những văn bản sửa đổi bổ sung thay thế, bãi bỏ các thông tư liên tịch không chính xác và không phù hợp.
Việc bỏ hộ khẩu là câu chuyện không chính xác, phải nói là thay thế bằng hình thức quản lí khác thông minh hơn, hợp lý hơn, phù hợp với thực tế hơn. Việc dùng mã định danh sẽ tốt hơn rất nhiều so với hình thức sổ hộ khẩu và CMND
“Lấy ví dụ gần đây nhất là việc tuyển sinh, các cháu đi học đúng hộ khẩu, đúng địa bàn mới được chấp nhận vào học. Hay việc công chứng, khai sinh cũng phải thực hiện trong địa hạt của mình, không được ra tỉnh khác. Việc thay đổi hộ khẩu bằng cách dùng mã số định danh sẽ tốt hơn”, luật sư Minh dẫn chứng.
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an khẳng định, việc quản lý công dân bằng mã số định danh dựa trên cơ sở dữ liệu quốc gia là cần thiết và đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay.
Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, hiện có 8 lĩnh vực liên quan đến quản lý hành chính trong đó có quản lý cư trú và cấp CMND. Công tác đăng ký, quản lý cư trú và quản lý công dân có vai trò quan trọng để bảo đảm an ninh trật tự và quyền công dân.
Từ năm 1946 đến nay, đã có nhiều quy định được ban hành trong đó ghi rõ nhiệm vụ và cách thức quản lý dân cư, trong đó đáng chú ý là Luật cư trú năm 2007, Luật cư trú sửa đổi năm 2013 và Luật căn cước công dân năm 2014.
“Hiện công tác quản lý của các bộ, ngành có liên quan đang thực hiện thủ công, chưa có sự trao đổi và chia sẻ; các thủ tục giấy tờ nhiều. Khi công dân đến làm thủ tục hành chính thì phải xuất trình nhiều loại giấy tờ gồm cả bản chính và bản sao, gây phiền hà cho người dân. Vì thế, đổi mới trong công tác quản lý dân cư là xu thế tất yếu và cần thiết”.
Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, do những bất cập nói trên nên ngày 8/6/2013, Thủ tướng đã phê duyệt đề án tổng thể hóa về thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 – 2020 về quy định quản lý dân cư mới, chuyển từ thủ công sang hiện đại, tạo điều kiện cho công dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Thượng tá Trần Hồng Phú thông tin, hiện nay Bộ Công an đang tổ chức cấp căn cước công dân tại 16 tỉnh/thành, còn lại 47 tỉnh vẫn đang cấp CMND 9 số cũ. Theo lộ trình, ngày 1/1/2020, cả nước phải thống nhất chuyển sang cấp căn cước công dân cho toàn bộ công dân.
Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân theo công nghệ mới” đang được xây dựng. Nếu đảm bảo được điều kiện về kinh phí, hạ tầng kỹ thuật cũng như nhân lực, dự kiến cuối năm 2019, có thể mở rộng việc cấp căn cước công dân ra phạm vi cả nước.
Dữ liệu thông tin của công dân được bảo đảm an toàn tuyệt đối
Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an: Khi trình dự án, chính phủ đã đồng ý việc triển khai, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ từ cấp trung ương đến địa phương, từ cấp thành phố đến huyện, thị xã.
Chính phủ cũng có những quy định cụ thể để đảm bảo hạ tầng tốt, lắp đặt đường truyền thông suốt từ trung ương đến địa phương; quy định cả các hình thức khai thác trên Internet và các mạng viễn thông; đảm bảo đường truyền đồng bộ và có phương án dự phòng để đảm bảo việc truyền, kết nối, chia sẻ thông tin với các Bộ, ngành có liên quan.
Do vậy, không lo việc mất đường truyền và thông tin công dân cũng được an toàn tuyệt đối. Các bí mật về đời tư, cá nhân, và gia đình cũng sẽ không bị lộ lọt; các cơ quan không có thẩm quyền, chức năng không được tra cứu.
Ngoài ra, cũng không có công dân nào được phép khai thác, tra cứu thông tin. Nhưng công dân được quyền khai thác thông tin của mình để giải quyết các thủ tục hành chính.
Video: Người dân cần làm gì khi thay sổ hộ khẩu?
Bình luận