Sushi là món ăn truyền thống của người Nhật, và cũng là món ưa thích của nhiều người ở nhiều quốc gia. Môt khẩu phần ăn nhỏ, chỉ bằng 1/3 khẩu phần ăn kiểu Á hay Âu, nhưng người dùng thấy no đủ vì nguồn dinh dưỡng phong phú, bên cạnh đó, việc trình bày món ăn đẹp mắt cũng khiến bữa ăn thêm ngon miệng.
Thành phần chính của sushi gồm rong biển, rau củ và thực phẩm tươi (chủ yếu là tôm cá, hải sản) với nước chấm lên men từ đậu nành, kết hợp với gừng và mù tạt cay.
Một lượng gạo vừa đủ, kết hợp với trái cây, rau củ hoặc thực phẩm tươi, phù hợp với nhiều đối tượng như người ăn chay hay ăn mặn, người già hoặc trẻ em.
Theo triết lý của người Nhật, ẩm thực thường tuân thủ quy tắc “tam ngũ”: ngũ sắc (trắng, xanh vàng, đỏ, đen); ngũ vị (ngọt, chua, cay, đắng, mặn) và ngũ pháp (sống, ninh, nướng, hấp, chiên).
Vì thế, món sushi đặc trưng của ẩm thực Nhật thường hấp dẫn về màu sắc, đa dạng về hương vị, dù một lát cá, con tôm hay chỉ là rau củ và trứng được kết hợp cùng nhau.
Để làm sushi, thực phẩm phải đảm bảo tươi mới, được xử lý kỹ khâu vi sinh, bảo quản ở nhiệt độ thích hợp với quy trình diệt khuẩn và các độc tố có hại cho sức khỏe. Vì thế, khi làm sushi tại nhà chỉ nên sử dụng loại trái cây hoặc rau củ quả tươi, trứng cuộn hoặc các loại thực phẩm đã được hấp chín để đảm bảo an toàn.
Theo nhiều chuyên gia về ẩm thực, sushi thực sự là khẩu phần ăn lý tưởng về dinh dưỡng, lành mạnh và dễ tiêu vì thức ăn tươi và không bị “tắm” hương liệu hay các thứ gia vị.
Đối với món mặn, sushi có thể phủ ngoài bằng các loại thực phẩm màu sắc tự nhiên, thêm phần trứng tôm, trứng cá hồi vừa bổ dưỡng và đẹp mắt.
Các loại khuôn dùng gói sushi, nước tương ngọt hay tương đặc chế biến từ đậu nành, thực phẩm tươi chuyên dùng cho sushi như cá hồi, cá ngừ, trứng cá, bạch tuộc... có bán trong các cửa hàng thực phẩm.
Theo Phi Nguyễn/Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh
Bình luận