Theo nghiên cứu của các chuyên gia, vấn đề ô nhiễm thủy ngân trong không khí và nguồn nước có thể xuất phát từ những hoạt động vô tình hay cố ý của con người.
Theo đó, thủy ngân có thể sinh ra từ hoạt động của các nhà máy điện đốt than đá, lò đốt rác công nghiệp và đám cháy rừng. Chính vì vậy, thủy ngân có thể xâm nhập vào không khí khi con người thực hiện quá trình đốt cháy nhiên liệu, đốt rác thải y tế và sản xuất công nghiệp, cùng với một số nguồn tự nhiên.
Thủy ngân trở thành kim loại vô cùng độc hại nếu như tiếp xúc với con người |
Thủy ngân có thể tồn tại ở 4 dạng: kim loại thủy ngân, Methyl thủy ngân (MeHg), hợp chất thủy ngân vô cơ và thủy ngân phenyl (phenylmercury). Trong đó, kim loại thủy ngân là một chất lỏng màu xám bạc, có khả năng gây hại cho con người khi tiếp xúc với không khí và được hít vào phổi.
Methyl thủy ngân (MeHg) có thể ngấm vào cơ thể con người nếu như ăn phải một số loài cá nước mặn và nước ngọt, đặc biệt là loài cá lớn ở đỉnh chuỗi thức ăn, như cá mập, cá kiếm, cá vược và cá chó. Nếu như con người tiếp xúc với thủy ngân thì sẽ ảnh hưởng lớn đến não bộ. Phụ nữ mang thai nhiễm độc Methyl thủy ngân có thể ảnh hưởng lớn đến thai nhi.
Khi chào đời, những đứa trẻ này thường bị giảm khả năng chú ý, khả năng nhận thức và hành vi đáng kể so với người bình thường.
Hợp chất thủy ngân vô cơ có thể được tìm thấy trong pin, thuốc uống, thuốc mỡ, thuốc xịt muỗi và một số loại thuốc có nguồn gốc thảo mộc. Hợp chất này có thể gây hại nếu con người hít hoặc nuốt vào cơ thể.
Cuối cùng, thủy ngân phenyl (phenylmercury) thường có trong các loại sơn sản xuất từ nhựa mủ, sơn ngoại thất, bả chống thấm, mỹ phẩm dành cho mắt và dụng cụ vệ sinh cá nhân. Phenylmercury xâm nhập vào cơ thể khi hít vào ở dạng hơi, ngấm qua da hoặc qua đường tiêu hóa.
Nếu như con người tiếp xúc với thủy ngân trong thời gian dài với nồng độ thủy ngân trong không khí ở mức hơn 50 microgram/m3 (một microgram bằng một phần triệu gram) sẽ có những triệu chứng: run rẩy, mất khả năng điều hòa vận động, thay đổi tính cách, mất trí nhớ, mất ngủ, mệt mỏi, đau đầu, giảm cân, căng thẳng tâm lý và viêm lợi.
Những bức ảnh nói rõ sự tàn khốc của căn bệnh Minamata ảnh hưởng đến sức khỏe con người do nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng từ nguồn nước. |
Bệnh nhân sống ở thành phố Minamata, tỉnh Kumamoto mắc phải căn bệnh này thường có triệu chứng run không kiểm soát, tê chân tay, hạn chế tầm nhìn, co giật và đau đớn.
Cho đến năm 1968, chính phủ Nhật Bản mới chính thức công nhận thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) trong chất thải công nghiệp của nhà máy Chisso chính là nguyên nhân gây bệnh Minamata quái ác ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục ngàn người dân. Người dân ở Minamata đã mắc bệnh sau khi ăn cá và sinh vật có vỏ cứng từ vịnh Minamata.
Một trường hợp xả thải thủy ngân ra môi trường gây rúng động dư luận khác đó là vụ Công ty hóa chất Cát Lâm đã xả thải 113,2 tấn thủy ngân và 5,4 tấn chất methyl mercury vào sông Tùng Hoa trong giai đoạn từ năm 1958 - 1982.
Cơ quan chức năng Trung Quốc không chỉ phát hiện nhà máy Cát Lâm xả thải thủy ngân ra sông Tùng Hoa mà còn có nhiều nhà máy nhỏ khác sử dụng thủy ngân đã xả chất độc hại này ra môi trường.
Sông Tùng Hoa nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân giống như vụ nhà máy Chisso xả thải thủy ngân hữu cơ (methyl mercury) có trong chất thải công nghiệp ra bên ngoài môi trường.
Chính vì vậy, người dân Trung Quốc cũng có một số triệu chứng giống bệnh Minamata như giảm thị giác, mất cảm giác ở bàn tay và bàn chân, khiếm thính, thoái hóa thần kinh.
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ
Bình luận