Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trình bày báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cho biết, Việt Nam có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM.
"Hiện có gần 900 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia, Hà Nội và TP.HCM vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu", ông Thái Thanh Quý dẫn số liệu.
Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 18,3%. Ngành công nghiệp công nghệ số ước đạt doanh thu 152 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu phần cứng và điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Song, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu ra một số hạn chế như tốc độ và sự bứt phá của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia còn chậm; chưa thực sự trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
"Việc huy động các nguồn lực cho khoa học công nghệ và nghiên cứu, phát triển (R&D) chưa hiệu quả, trong đó chi cho khoa học công nghệ chưa đạt mức quy định tối thiểu 2% tổng chi ngân sách Nhà nước (năm 2023 chỉ đạt 0,82%) và chi cho R&D mới đạt khoảng 0,67% GDP (trong đó mức trung bình của các nước phát triển là 2-5% GDP)", theo ông Thái Thanh Quý.
Bên cạnh đó, cơ chế quản lý khoa học, công nghệ chậm đổi mới, chưa phù hợp, nhất là về tài chính, đầu tư. Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu.
Ông Thái Thanh Quý cũng nêu nhận định, thị trường khoa học và công nghệ phát triển chậm. Việc thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ còn hạn chế, thiếu thể chế về tài chính, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao; thiếu giải pháp đồng bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, nhận thức và tư duy của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa nắm rõ sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ; chưa nhìn nhận đúng tính đặc thù của lĩnh vực này là tính sáng tạo, mang tính rủi ro và có độ trễ; chưa thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu, là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội...
Nhấn mạnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, ông Thái Thanh Quý khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã trở thành yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, theo ông Thái Thanh Quý, cần có những đột phá, trong đó đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước.
"Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nói.
Đề cập nội dung cốt lõi của Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ông Thái Thanh Quý cho biết Bộ Chính trị xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài.
Nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng này bao gồm: thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược. Trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
"Phải bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài", ông Thái Thanh Quý nói và nhấn mạnh việc khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Nghị quyết 57 đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, Bộ Chính trị định hướng với những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn, cần có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm.
"Cần thực hiện một số cơ chế, chính sách như chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo", Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nêu rõ.
Cùng với cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước, ông Thái Thanh Quý đề cập việc có chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan; đồng thời cho phép hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ và chuyển đổi số.
Ngoài ra, Nghị quyết 57 đề ra một số giải pháp mới mang tính đột phá, đó là cho phép giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn; được sử dụng ngân sách Nhà nước thuê chuyên gia, sử dụng tài sản hữu hình và trí tuệ để liên kết, hợp tác khoa học và công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp.
Bình luận