Nhiều nước châu Âu trong tuần này đã bắt đầu nới lỏng phong tỏa và khôi phục dần hoạt động kinh tế sau khi xuất hiện những tín hiệu cải thiện đầu tiên, dù số ca mắc bệnh và thiệt mạng do COVID-19 vẫn còn cao.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng GDP của Liên minh châu Âu sẽ sụt giảm kỷ lục 7,1% trong năm nay. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), hoạt động của lĩnh vực tư nhân trong tháng 4 này cũng sụt giảm ở mức chưa từng có và tăng trưởng trong quý 3 có thể mất tới 7,5%.
Trước những con số nặng nề trên, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đang lên kế hoạch phục hồi, trong bối cảnh số người tử vong tại châu lục này hiện tăng lên hơn 113.000 người.
Trong động thái thể hiện tình đoàn kết, Thủ tướng Đức Angela Merkel cam kết đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Liên minh châu Âu, song nhà lãnh đạo Đức bác bỏ ý tưởng chia sẻ nợ quốc gia.
“Giả sử rằng đã đến lúc và có quyết tâm chính trị nhằm chia sẻ nợ quốc gia, thì Quốc hội các quốc gia thành viên và Quốc hội Đức sẽ phải sửa đổi các Hiệp ước châu Âu để một phần luật ngân sách được chuyển sang cấp độ châu Âu và được kiểm soát một cách dân chủ.
Đây là một tiến trình dài và khó khăn, sẽ không thể hỗ trợ trực tiếp cho tình hình hiện nay. Giờ là lúc cần sự hỗ trợ ngay lập tức và những công cụ có thể triển khai nhanh chóng nhằm giảm nhẹ hậu quả của cuộc khủng hoảng”, bà Angela Merkel nói.
Thủ tướng Angela Merkel cảnh báo, mọi bước đi vội vàng đều có thể trở thành sai lầm. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, bất kỳ sự buông lỏng nào trong cuộc chiến chống COVID-19 đều có nguy cơ dẫn tới một làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Video: Nơi hỏa táng tại tâm dịch COVID-19 Italy
Tại Đức, phần lớn các cửa hàng diện tích dưới 800 mét vuông đã được phép mở cửa trở lại từ đầu tuần, trong khi các quán bar, nhà hàng, địa điểm tôn giáo, thể thao vẫn tiếp tục dừng hoạt động.
Áo, Na Uy và Đan Mạch cũng đang trên đường nới lỏng các biện pháp hạn chế. Trong khi đó, Italy, Pháp, Thụy Sĩ, Phần Lan và Rumani vẫn tỏ ra thận trọng hơn.
Bình luận