Sau phiên đàm phán kéo dài đến 16 tiếng trong đêm 8/4 mà không đạt kết quả, các Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã nối lại các cuộc đàm phán trong tối 9/4 và thống nhất sẽ huy động gói cứu trợ kinh tế khổng lồ 500 tỷ Euro nhằm trợ giúp các nền kinh tế thành viên bị đại dịch Covid-19 tàn phá.
Theo thông tin do Chủ tịch nhóm Eurogroup quy tụ các Bộ trưởng Tài chính, ông Mario Centeno đưa ra 3 gói ngân sách trong thoả thuận này.
Đầu tiên là khoản vay lên tới 240 tỷ Euro được lấy ra từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) dành để cứu trợ khẩn cấp cho các nước. Tiếp theo là khoản vay bảo đảm 200 tỷ Euro cho các doanh nghiệp và cuối cùng là 100 tỷ Euro hỗ trợ các lao động thất nghiệp.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thông tin thêm rằng, ngoài 500 tỷ Euro có thể sử dụng ngay lập tức, các nước EU cũng thống nhất sẽ huy động thêm 500 tỷ Euro nữa từ các nguồn khác nhau để dành cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp đánh giá đây là các gói cứu trợ quan trọng nhất trong lịch sử châu Âu.
Theo các nguồn tin ngoại giao từ Brussels, thoả thuận này đạt được sau khi nước phản đối lớn nhất là Hà Lan chấp nhận không đặt ra các điều kiện chặt chẽ cho việc tiếp cận khoản vay từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM).
Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng cho rằng các nước muốn vay tiền từ ESM sẽ phải cam kết tiến hành các cải cách về kinh tế, khiến Italy và Tây Ban Nha nổi giận.
Video: Số người chết vì COVID-19 ở Mỹ vượt Tây Ban Nha
Đề xuất gây mâu thuẫn gay gắt giữa các nước Đức, Hà Lan, Áo với nhóm nước Italy, Tây Ban Nha, Pháp về “trái phiếu corona” ghi nợ chung của các nước không được thảo luận trong phiên họp trực tuyến tối 9/4 của các Bộ trưởng Tài chính EU.
Tuy nhiên, nhiều phân tích tỏ ý hoài nghi về quỹ 500 tỷ Euro còn lại được huy động cho giai đoạn phục hồi kinh tế, và cho rằng việc thảo luận chi tiết về gói này sẽ tiếp tục tạo ra sóng gió giữa các nước châu Âu.
Bình luận