Chúng tôi đến Viêng Chăn đúng vào thời điểm Thủ đô của đất nước Lào đang tổ chức sự kiện Ngày Lương thực thế giới và Ngày Quốc tế xóa đói giảm nghèo. Có khá đông đại biểu trong nước và quan khách quốc tế cùng đến dự. Câu chuyện bên lề sự kiện được mọi người bàn tán khá nhiều là tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh, đi vào hoạt động từ cuối năm 2021.
Đi tàu 160km/h
Ông Somephone Phanusith hẹn gặp chúng tôi ở một khách sạn gần nơi tổ chức sự kiện. Ngồi chưa ấm chỗ, người từng làm cố vấn của nguyên Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh đã vội kéo lên xe, vừa đi vừa trò chuyện. Hết đi xem Nhà ga Viêng Chăn của đường sắt cao tốc Lào - Trung lại ra đường bộ cũng là cao tốc Lào - Trung đang xây dựng để chạy dọc đất nước Lào, kết nối với các nước Trung Quốc và Thái Lan.
Suốt bao nhiêu thế kỷ qua Lào luôn là quốc gia có hạ tầng giao thông hạn chế, yếu kém bậc nhất khu vực. Cơ sở hạ tầng nói chung và giao thông yếu kém cùng với phần lớn lực lượng lao động thiếu kĩ năng, kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư và thương mại với các nước láng giềng là những lý do khiến đất nước Triệu Voi luôn nằm trong số các quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á. Vậy mà giờ đây người Lào đã có tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á và hệ thống đường bộ cao tốc xuyên quốc gia đang trong giai đoạn hoàn thành.
Tuyến đường sắt có gần 500 cây số trên lãnh thổ nước Lào với vận tốc bình quân các chuyến tàu chở hàng là 120km/h, tàu chở khách là 160km/h. Trước đây đi đường bộ từ Viêng Chăn đến biên giới Boten của tỉnh Luang Namtha tiếp giáp với Trung Quốc mất khoảng 2 ngày 2 đêm thì bây giờ nhờ tuyến đường sắt cao tốc này chỉ còn 4 giờ. Ngay từ thời điểm xây dựng tuyến đường, chiến lược phát triển nông nghiệp của Lào cũng được hoạch định lại. Khu vực ưu tiên đầu tư nông nghiệp hàng hóa, tập trung dọc theo tuyến đường sắt Lào - Trung đã trở thành mệnh lệnh quốc gia.
Somephone Phanusith cũng chia sẻ, bên cạnh tuyến đường sắt này thì tuyến đường bộ cao tốc huyết mạch nối từ biên giới Lào - Trung về Thủ đô Viêng Chăn và nối tiếp tới vùng Nam Lào cũng đang được xây dựng. Cao tốc 13 Bắc được chia thành 4 giai đoạn và đã hoàn thành giai đoạn 1 từ Viêng Chăn đi Vang Viêng dài 120km. Giai đoạn 2 từ Vang Viêng đi Luang Prabang đang được triển khai, giai đoạn 3 từ Luang Prabang đi U Rum Xoay và giai đoạn 4 đi Boten đang được xây dựng.
Khát vọng lớn của người Lào không chỉ chừng đó. Trong tương lai họ còn muốn xây dựng Cao tốc 13 Nam đi Việt Nam và Campuchia theo tuyến đường cũ. Ngoài ra còn một tuyến cao tốc đã hoàn thành xong kế hoạch, từ đường cao tốc hiện tại đi qua Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và đến biên giới Việt Nam ở khu vực phía Bắc.
Chiến lược phát triển như ông Somephone Phanusith nói: Tháo nút thắt giao thông để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, thúc đẩy giao thương hàng hóa nông sản. Mục tiêu là biến xứ sở Triệu Voi trở thành trung tâm logistics của khu vực Đông Nam Á.
...Chúng tôi quyết định thay đổi lịch trình, mua vé lên chuyến tàu đường sắt cao tốc Viêng Chăn đi Côn Minh, Trung Quốc. Cuộc trò chuyện với Somephone Phanusith càng thôi thúc mong muốn được trải nghiệm cảm giác lướt đi trên tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của khu vực Đông Nam Á.
Hôm ấy là ngày cuối tuần. Nhà ga Viêng Chăn dù rất đông đúc nhưng người đi lại khá tuần tự. Anh bạn phiên dịch người Lào nói, kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc khánh thành nhu cầu đi lại trên các tuyến tăng đột biến.
Từ Viêng Chăn đến Boten có 4 nhà ga, qua Vang Viêng, đến cố đô Luang Prabang, tiếp đó là Luang Namtha. Giá vé toa hạng nhất toàn tuyến là 529.000 kíp Lào, tương đương 760.000 đồng, toa hạng hai là 333.000 kíp, khoảng 480.000 đồng Việt Nam. Qua cửa soát vé là đến phòng chờ tàu khang trang, hiện đại và chặt chẽ không khác gì đi máy bay. Toa tàu được thiết kế hiện đại, có đội ngũ nhân viên phục vụ tận tình chu đáo. Đường ray thẳng tắp. Con đường dài hun hút xuyên núi, băng qua thung lũng, băng qua những cánh đồng, những dòng sông. Tàu cao tốc vun vút lao đi như một mũi tên.
Tiếng loa trên tàu thông báo tốc độ hiện tại đang là 160 km/h. Cảm giác vẫn êm ru dù nhìn qua cửa sổ thấy đồng ruộng, núi đồi bị bỏ lại phía sau trong chớp mắt. Trước khi lên chuyến tàu đường sắt cao tốc Viêng Chăn - Côn Minh chúng tôi chia làm hai đoàn để làm một phép thử so sánh. Cùng khoảng cách từ Viêng Chăn đến Luang Prabang. Trong khi đi tàu cao tốc chỉ mất hai tiếng đồng hồ thì một nhóm khác trong đoàn lựa chọn đi đường bộ bằng ô tô, mất nguyên một ngày đường.
Anh Phaykham Phalixai, chủ Công ty xuất nhập khẩu và dịch vụ thương mại Mặt Trời - Lào phân giải với chúng tôi: Hệ thống đường sắt cao tốc này đã biến Lào từ một nước nằm sâu trong lục địa và không giáp biển thành một mắt xích kết nối vận tải quan trọng, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa rất lớn so với đường bộ. Trước đây từ Viêng Chăn đi Côn Minh mất đến hai ngày đêm thì bây giờ chỉ còn 7 tiếng.
Phấn khởi nhất có lẽ là những người buôn bán, các doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa giữa hai nước Lào - Trung. Lợi ích thấy rõ ngay trước mắt khi ước tính chi phí logistics cho toàn tuyến Viêng Chăn - Côn Minh đã giảm khoảng 40 - 50% nhờ tuyến đường sắt cao tốc này.
Cả Phaykham Phalixai và ông Somephone Phanusith đều nói, trong chiến lược tổng thể về hợp tác liên quốc gia, lấy hạ tầng giao thông làm điểm tựa phát triển giao thương kinh tế của Lào thì tuyến đường sắt cao tốc này rồi đây sẽ được kết nối với nhiều quốc gia khác trong khu vực gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia… đồng thời kết nối với Việt Nam, Campuchia, Myanmar bằng hệ thống liên tuyến… Các nhà đầu tư và Chính phủ Lào hy vọng sẽ đưa nông lâm sản, là thế mạnh của quốc gia, đến thị trường châu Âu bằng hệ thống đường sắt cao tốc này. Họ tính toán mấy năm đầu tiên số lượng có thể đạt 300.000 container, sau đó sẽ lên tới 1,2 - 1,8 triệu container và nhiều hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Cơ hội và thách thức
Ông Souvanh Keosavang là người có gốc gác Việt Nam, đời trước quê ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ngoài vị trí chủ tịch chuỗi siêu thị bán lẻ xuyên quốc gia Jmart, ông còn là thành viên của một số doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam và Lào.
Đấy là người am hiểu tường tận những thời cơ, vận hội mới của đất nước Lào và cũng là người nghĩ ngợi nhiều để làm sao kết nối, hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực. "Các anh đã thấy người Lào đã thay đổi mạnh mẽ như thế nào và cuộc cách mạng đó đang tạo ra những thời cơ rất lớn cho tất cả các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và cả Việt Nam. Vấn đề là chúng ta phải nắm bắt và tận dụng thời cơ đó như thế nào", ông Souvanh Keosavang nói.
Chủ tịch Souvanh Keosavang đưa chúng tôi đến địa điểm Lào, Thái Lan và Trung Quốc đang xem xét xây một cây cầu đường sắt mới, chạy song song với cầu Hữu nghị Lào - Thái số 1. Souvanh Keosavang nói ông ít nhiều cảm thấy lo ngại cho thị trường nông sản Việt khi giờ đây người Thái đang có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh. Ngày trước hàng nông sản Thái Lan muốn đi qua thị trường Trung Quốc phải “mượn đường” qua Lào hoặc Myanmar. Từ thời gian đến chi phí vận chuyển đều rất tốn kém. Thế nhưng kể từ khi tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn – Côn Minh đi vào hoạt động họ được hưởng lợi rất nhiều. Tháng 1/2022, chuyến hàng 1.000 tấn gạo đã được người Thái xuất khẩu sang Trung Quốc qua tuyến đường sắt này. Tiếp đó, tháng 3/2022, các container chở 40 tấn sầu riêng và 20 tấn dừa từ Rayong Thái Lan cũng đã đến Lào sau đó đi đường sắt cao tốc để sang Trung Quốc một cách nhanh chóng.
Rồi đây khi cây cầu đường sắt cao tốc Lào - Thái xây dựng xong, chắc chắn những mặt hàng nông sản khác của đất nước Thái Lan đi Trung Quốc sẽ càng thêm thuận lợi. Cao su, dầu cọ, sầu riêng, hoa lan và các sản phẩm gia cầm, thủy sản của Thái Lan sẽ được chuyển sang Trung Quốc bằng đường sắt Lào - Trung không những nhanh mà còn không giới hạn so với trước. Những người thường xuyên hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đã tính toán, nhờ tuyến đường sắt cao tốc này mà người Thái rút ngắn thời gian khoảng 24 giờ và giảm hơn 25% chi phí vận chuyển. Từ chỗ mất 2 - 3 ngày đường để vận chuyển nông sản đến Côn Minh (Trung Quốc) thì giờ đây người Thái chỉ một bước qua sông Mekong sau đó mất thêm mấy tiếng đồng hồ trên đất Lào đã có thể bán được hàng.
Bình luận