Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông.
Theo đó, cơ quan này tiến hành thanh tra 7 dự án (5 dự án BOT, 1 dự án BT, 1 dự án kết hợp cả BOT và BT).
Chủ đầu tư yếu, thu phí sai quy định
Tại 7 dự án được thanh tra, cơ quan này phát hiện các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỷ đồng.
Trong 78 dự án đầu tư theo hình thức BOT và BT (tính đến hết năm 2015), Bộ GTVT không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án.
Kết luận thanh tra cũng nêu rõ hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh... Điển hình là các trạm BOT trên địa bàn Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã phê duyệt nhiều cải tạo đường cũ và xây dựng đường mới thành một dự án sau đó thu phí ở hai nơi. Đây là việc làm không hợp lý.
Theo quy định, việc cải tạo đường cũ này phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Bộ GTVT phê duyệt ghép vào là không đúng quy định.
Việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng lấy căn cứ áp dụng để thu phí cho cả thời kỳ khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới.
Video: Hàng loạt BOT 'đặt nhầm chỗ', dân không đi vẫn phải nộp phí
Thanh tra Chính phủ khẳng định Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung về những sai sót trên. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng yêu cầu 2 đợn vị này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Bất cập từ lập dự án, chọn nhà thầu đến thu phí
Đầu tháng 8, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ rõ những bất cập trong việc thực hiện các dự án BOT, BT trên toàn quốc.
Theo đó, công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án tại các trạm BOT còn nhiều bất cập. Cụ thể, do chưa nghiên cứu kỹ nên nhiều dự án phải bổ sung, thay thế ảnh hưởng đến tiến độ. Có dự án được phê duyệt chưa phù hợp với quy hoạch giao thông. Việc thẩm tra, phê duyệt một số dự án còn bất cập, ảnh hưởng đến việc tính tổng mức đầu tư dự án.
Theo báo cáo của Chính phủ (gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8), hiện trên cả nước có 88 trạm thu giá trên quốc lộ. Bộ GTVT quản lý 73 trạm (55 trạm đang thu, 18 trạm chưa thu). UBND các tỉnh quản lý 15 trạm.
Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Năng lực của nhà đầu tư ở một số dự án đã được phê duyệt còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu dự án.
Có công trình vừa mới đưa vào khai thác đã gặp những vấn đề về chất lượng như lún, nứt… phải sửa chữa, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chỉ ra nhiều điểm bất cập tại các trạm BOT như: Công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán chưa chặt chẽ theo quy định pháp luật; Công tác thi công, nghiệm thu nhiều sai sót; Việc xác định phương án tài chính của dự án còn chưa hợp lý; Chất lượng dự án không đáp ứng được yêu cầu, quản lý chất lượng công trình bị buông lỏng; Công tác thu phí còn nhiều bất cập...
Theo Đoàn giám sát, trách nhiệm trên kết luận của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ thuộc về Bộ GTVT và Bộ Tài Chính.
7 dự án bị thanh tra:
BOT đèo Phước Tượng - Phú Gia; Nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ; Xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình; Cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 (đoạn Xuân Mai - Hòa Bình); Khôi phục cải tạo quốc lộ 20 (Km 123+105 đến Km 268); Đầu tư xây dựng quốc lộ 20 (Km 0+000 đến Km 123+105); Đầu tư xây dựng Thái Nguyên - Chợ Mới; Nâng cấp quốc lộ 38 (đoạn qua Bắc Ninh và Hải Dương).
Bình luận