Chỉ trong thời gian ngắn các nước lớn trên thế giới đưa ra nhiều động thái tác động, ảnh hưởng rất lớn đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đầu tiên phải kể đến việc Anh - Mỹ - Australia công bố quan hệ đối tác an ninh mới mang tên AUKUS, tiếp đó là việc EU công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Không chịu kém cạnh, Trung Quốc cũng đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Rõ ràng, chỉ trong vòng 2 ngày qua đã xuất hiện những động thái cho thấy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm đáng chú ý, khu vực cạnh tranh chiến lược chính giữa các nước cường quốc trên thế giới. Trong cuộc cạnh tranh này, nhân vật chính sẽ là Trung Quốc và Mỹ.
Đối chọi với Trung Quốc
TS Nguyễn Xuân Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc - Viện hàn lâm khoa học và xã hội Việt Nam cho rằng, động thái của các bên cho thấy vai trò, vị trí địa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như sự quan tâm rất lớn của các nước lớn đối với khu vực này.
“Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được Mỹ thúc đẩy mạnh mẽ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Sau khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Joe Biden tiếp tục thúc đẩy chiến lược này. Trong đó Mỹ chú trọng đẩy mạnh quan hệ với các nhóm đối tác trong “Bộ tứ” - QUAD, và mới đây nhất là cùng với Anh và Australia lập Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh AUKUS. Động thái này của Mỹ cho thấy chính quyền Biden tiếp tục coi trọng khu vực này, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh quyết liệt và hướng đến việc tạo dựng các liên minh để đối phó với Trung Quốc", TS Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Đồng quan điểm, TS Đỗ Tá Khánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Bền vững Vùng - nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu EU, Viện hàn lâm khoa và xã hội Việt Nam cho rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện là tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn. Trong đó, chủ thể chính trong cuộc cạnh tranh này là Mỹ và Trung Quốc.
"Với Mỹ, dưới thời Obama đã có chiến lược 'xoay trục' sang châu Á - Thái Bình Dương và đến thời Trump thì việc 'xoay trục' này thể hiện mạnh mẽ hơn với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Trump đã đẩy lên mức cao độ trong đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.
Ông Biden vẫn đang tiếp tục chính sách can dự vào khu vực như thời Trump, song chủ trương của chính quyền Mỹ hiện nay là liên kết cùng các đồng minh, đối tác chung chí hướng để bao vây, ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc", TS Đỗ Tá Khánh nói.
Chuyên gia Đỗ Tá Khánh cho rằng, không giống như thời Tổng thống Donald Trump khi quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương giữa Mỹ và EU luôn ở tình trạng lạnh nhạt, đến thời Biden, ông đã lôi kéo, nhận được sự ủng hộ từ phía EU trong việc lên tiếng ủng hộ chủ trương, chính sách đối ngoại của Mỹ, nhất là liên kết cùng nhau trong việc đối phó với Trung Quốc. Và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà EU vừa công bố phần nào cho thấy sự "hưởng ứng" của Brussels trong chính sách đối với Washington.
"Việc EU đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cho thấy sự ủng hộ của EU trong chính sách đối với Mỹ, sẵn sàng tạo thành các gọng kìm, gia tăng sự can dự để ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. Đồng thời, giờ đây EU cũng đã xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh, muốn có các chiến lược để cạnh tranh với Bắc Kinh trong khu vực", TS Đỗ Tá Khánh nhận định.
Trung Quốc không ngồi yên
Ngay sau khi Anh - Mỹ - Australia công bố thỏa thuận quan hệ đối tác an ninh mới mang tên AUKUS, Trung Quốc lập tức phản ứng gay gắt. Bắc Kinh cho rằng thỏa thuận hợp tác an ninh - quốc phòng AUKUS giữa Mỹ, Anh và Australia gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ trích AUKUS “gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định của khu vực, tăng cường việc chạy đua vũ trang và làm suy yếu các nỗ lực quốc tế nhằm ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt hân”.
Đồng thời, ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh rằng các quốc gia không nên xây dựng quan hệ đối tác để nhằm vào một quốc gia khác. "Điều này (AUKUS) chứng minh rằng những quốc gia đó đang lợi dụng xuất khẩu hạt nhân để làm công cụ cho các tranh chấp địa chính trị", ông Triệu Lập Kiên nói.
Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Xuân Cường, việc tiếp nối chính sách cứng rắn với Trung Quốc của người tiền nhiệm và những bước đi đầu tiên sau khi lên nắm quyền của Tổng thống Joe Biden cho thấy cạnh giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang.
"Rõ ràng, những động thái của Mỹ khiến Trung Quốc phải có phản ứng, Bắc Kinh cho rằng những động thái của Washington sẽ kiềm chế, ảnh hưởng đến sức mạnh của nước này. Những chiến lược mà Mỹ đưa ra thời gian qua là nhằm đối trọng với sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc đang mong muốn gia nhập CPTPP và việc chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP thể hiện mong muốn của nước này. Bắc Kinh muốn gia tăng khả năng quản trị toàn cầu, tăng cường cạnh tranh với Washington. Trung Quốc vốn đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) song mức độ CPTPP sẽ lớn hơn rất nhiều", chuyên gia Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Chuyên gia Đỗ Tá Khánh cho rằng, Trung Quốc cũng không ngồi yên, nước này cũng phản ứng linh hoạt trước các động thái của Mỹ ở khu vực. Ngay sau khi các quan chức Mỹ như Phó Tổng thống Kamala Harris đến thăm Đông Nam Á, Ngoại trưởng Trung Quốc cũng có các chuyến thăm đến các quốc gia trong khu vực. Động thái này cho thấy rõ ràng cả Washington và Bắc Kinh đều đang muốn lôi kéo các nước ủng hộ.
Tác động đến Việt Nam và khu vực
Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cạnh tranh giữa các nước lớn sẽ ảnh hưởng, tác động đến tình hình thế giới, khu vực và quản trị toàn cầu. Cạnh tranh này sẽ có 2 mặt, một mặt các nước lớn, cạnh tranh sẽ tập hợp lực lượng, tạo liên minh cùng nhau.
"Điều này khiến các nước trong khu vực đứng trước việc phải lựa chọn. Mặc dù hiện nay, các nước trong khu vực không muốn chọn bên, muốn hợp tác chung, song những tác động qua lại từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vực sẽ khiến tình hình kinh tế, an ninh khu vực, tại các điểm nóng sẽ gia tăng trong thời gian tới", ông Nguyễn Xuân Cường phân tích.
Theo TS Đỗ Tá Khánh, việc trong thời gian ngắn, các nước liên tục có các động thái, đề ra các bước đi cụ thể đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ tác động nhất định, ảnh hưởng đến an ninh và hòa bình ở khu vực. Tác động này vừa mang tính tích cực song cũng có không ít bất lợi đối với khu vực.
"Xét ở phương diện tích cực, thứ nhất, động thái này sẽ khiến các bên kiềm chế ở khu vực. Trung Quốc sẽ phải thay đổi thái độ điều chỉnh hành vi của mình. Thứ hai, điều này sẽ tạo môi trường ổn định hơn ở khu vực, trung hòa thái độ giữa các bên. Bởi không có hoạt động tàu thuyền đi lại, các chuyến hành trình đảm bảo tự do hàng hải của các nước ở trên biển thì Trung Quốc có thể lấn tới và điều đó rất nguy hiểm", chuyên gia Đỗ Tá Khánh phân tích.
Tuy nhiên, TS Đỗ Tá Khánh cũng chỉ ra: "Ở góc độ tiêu cực, sự can dự nhiều hơn của các nước trong khu vực sẽ tạo môi trường căng thẳng, gia tăng rủi ro khi các nước hiện diện nhiều trong khu vực. Hơn nữa, sẽ kích thích, châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước trong khu vực. Các nước sẽ tăng cường mua vũ khí, tạo dựng tiềm lực quốc phòng. Việc Australia đã đóng tàu ngầm hạt nhân, đây là biểu hiện của chạy đua vũ trang trong khu vực.
Ngoài ra, sẽ diễn ra sự căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Một khi các bên vận động, kêu gọi sự ủng hộ thì sẽ xảy ra trường hợp có nước chọn bên này, có nước chọn bên kia và có nước không chọn bên. Song điều đó sẽ tác động không tích cực đến môi trường an ninh của khu vực cũng như của khu vực".
Ban đầu là Mỹ, giờ đây EU cũng tham gia, hưởng ứng lời kêu gọi này. EU đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Pháp cũng đã cử tàu chiến đến khu vực và Đức đang làm điều tương tự. "Rõ ràng, các nước muốn gửi thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải có hành xử khác, có trách nhiệm hơn", chuyên gia Đỗ Tá Khánh cho hay.
Trước các biến động trong khu vực như vậy, theo chuyên gia Đỗ Tá Khánh, Việt Nam đã, đang và sẽ luôn khẳng định lập trường rõ ràng, đó là mong muốn duy trì sự ổn định, hòa bình và phát triển trong khu vực thông qua luật pháp quốc tế, không theo đuổi lợi ích mà nghiêng về bất cứ bên nào. Điều này đã được Việt Nam bày tỏ ở các diễn đàn song phương cũng như đa phương ở phạm vi quốc tế và khu vực.
“Trong các cuộc tiếp xúc, làm việc với nguyên thủ, quan chức các nước, lãnh đạo Việt Nam luôn bày tỏ quan điểm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển khu vực, tự do đi lại, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đây là lập trường Việt Nam theo đuổi trong nhiều năm qua. Việt Nam luôn mong muốn các quốc gia ủng hộ quan điểm này", ông Đỗ Tá Khánh nhận định.
Bình luận