EU tin rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - trải dài từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đông Nam Á, New Zealand đến Thái Bình Dương, đang ngày càng trở nên quan trọng do dân số đông và vị trí địa chính trị, trong khi vai trò thương mại và an ninh toàn cầu cũng như vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng tăng.
EU cho biết mục tiêu của chiến lược là tăng cường và mở rộng quan hệ kinh tế, duy trì sự tôn trọng các quy tắc thương mại quốc tế, giúp các đối tác đấu tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, EU sẽ tăng cường hợp tác về chăm sóc sức khỏe để các nước kém phát triển nhất có thể chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc khủng hoảng như đại dịch COVID-19.
Chiến lược của EU cũng nhằm cải thiện an ninh hàng hải và đảm bảo đi lại an toàn các tuyến đường biển. EU hy vọng chiến lược sẽ hối thúc các nước châu Âu triển khai hải quân tới khu vực nhiều hơn. Mối quan hệ vận tải và năng lượng cũng sẽ được tăng cường.
EU là nhà đầu tư, đối tác hợp tác phát triển hàng đầu và là một trong những đối tác thương mại lớn nhất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. EU muốn đẩy mạnh can dự, gia tăng ảnh hưởng lớn ở khu vực trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng đang gây tổn hại đến thương mại và chuỗi cung ứng, đồng thời phá hoại an ninh khu vực.
Mối quan hệ của EU với Trung Quốc hiện đang ở mức thấp, nhưng EU khẳng định động thái này không nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chiến lược này cho thấy, EU sẽ tăng cường mối quan hệ thương mại và đầu tư với Đài Loan.
“Trên nhiều lĩnh vực như khí hậu và đa dạng sinh học, sự hợp tác của Trung Quốc là rất cần thiết. Chiến lược của chúng tôi là hợp tác chứ không phải đối đầu”, Đại diện cấp cáo về chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho hay.
Bình luận