Cảm lạnh là hiện tượng nhiễm virus ở đường hô hấp gây ảnh hưởng đến mũi, cổ họng, xoang và thanh quản. Các triệu chứng bao gồm ho, đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu và sốt. Có hơn 200 chủng virus, trong đó có cả virus rhino và virus corona, theo SCMP.
Trung bình, mỗi người bị cảm từ 3 đến 4 đợt mỗi năm. Ngoài sử dụng thuốc, thế giới còn có nhiều phương pháp chữa trị cảm lạnh thú vị và kỳ lạ từ nghìn xưa.
Nghe nhạc jazz
Nghe album Charlie Harper hoặc Miles Davis trong 30 phút giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nhạc jazz đã được khoa học chứng minh giúp làm tăng nồng độ immunoglobulin A, một kháng thể đóng vai trò quan trọng trong chức năng miễn dịch. Loại kháng thể này được tìm thấy trong niêm mạc dọc theo mũi, miệng và cổ họng.
Tất chân
Tất lạnh ẩm hoặc tất có mùi hôi cũng là phương pháp trị cảm từ xưa. Nếu bạn mang vớ ẩm lạnh khi đi ngủ, nó sẽ kích thích sự lưu thông ở chân và điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Ở Anh từ thế kỷ 20 trở về trước, người ta thường dùng phương pháp bôi mỡ gà vào cổ họng hoặc có thể sử dụng hành tây hay thịt xông khói và quấn tất có mùi hôi quanh cổ để giải cảm.
Đồ ăn, thức uống
Cola nóng và chanh được coi là hai loại đồ uống hiệu quả trong việc chữa cảm lạnh. Một số thực phẩm chữa cảm lạnh khác như hàu, chocolate (dạng thanh hoặc đồ uống nóng), hành tây và trà hành, nước dừa, rượu, giấm, trứng sống và mật ong, nước muối. Ngoài ra, hỗn hợp rượu whisky, nước nóng và chanh cũng là một phương thuốc chữa cảm lạnh được áp dụng phổ biến.
Cần tránh thực phẩm từ sữa và thực phẩm lạnh, đông lạnh, khô hoặc sống. Tăng cường sử dụng các thực phẩm như gừng, chanh, quế với mật ong, sữa với nghệ, hạt carom và hạt lanh.
Theo y học cổ truyền Trung Quốc có hai loại cảm: cảm hàn và cảm nhiệt. Đối với cảm hàn, người bệnh cần ăn súp miso với hành lá phần trắng và gừng tươi. Ngoài ra, trà xanh và cam thảo cũng rất hữu ích. Người bị cảm nhiệt cần ăn súp, nước ép, lá bạc hà và cam thảo. Tránh sử dụng rễ nhân sâm vì nó sẽ khiến tình trạng bệnh tồi tệ hơn.
Trong 3.000 năm qua, người Trung Quốc đã uống trà ma hoàng để thông mũi. Cây ma hoàng chứa pseudoephedrine, là thành phần chính của hầu hết các loại thuốc thông mũi hiện đại.
Những phương pháp chữa trị thời trung cổ
Thời trung cổ, đỉa là dược phẩm chính. Đỉa có khả năng giảm nhiệt độ bằng cách loại bỏ máu.
Trong cuốn sách Quản lý hộ gia đình của bà Beeton năm 1861 có đề cập đến phương pháp chữa cảm bằng cách dùng một tấm chăn fla - nen nhúng vào nước sôi và rắc nhựa thông.
Ở châu Âu thời trung cổ, các bác sĩ đã kê đơn thuốc gây nôn để làm cho bệnh nhân nôn ra chất lỏng dư thừa được cho là gây cảm lạnh. Người bị cảm lạnh không nên tắm khiến cơ thể yếu hơn.
Trong thời La mã cổ đại, người ta đặt mù tạt giữa hai mảnh vải rồi đặt trên ngực là một phương pháp điều trị phổ biến.
Vào năm 60 sau Công nguyên, một bác sĩ La mã đã phát hiện tác dụng của súp gà trong việc hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Trong thịt gà có chứa axit amin cysteine, có tính chất thông mũi nhẹ.
Bình luận