Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát và kéo dài, dự báo số doanh nghiệp sẽ ngừng sản xuất hoặc phá sản sẽ tăng cao khó lường. Để tồn tại, các doanh nghiệp quảng cáo đang phải xoay xở, tìm mọi cách vực dậy.
Quảng cáo truyền hình: Đổi mới để thích ứng
Từ thời điểm làn sóng COVID-19 thứ 4 bùng phát, các doanh nghiệp trở nên dè chừng, việc đầu tư cho các quảng cáo mới cũng vấp phải nhiều trở ngại và người đầu tư cũng so đo hơn rất nhiều. Nội dung quảng cáo cũng được khách hàng chọn lọc và dè dặt hơn.
Theo các chuyên gia trong ngành quảng cáo, để quảng cáo truyền hình truyền thống có thể vực dậy trong đại dịch thì đó là quá trình nỗ lực của cả hệ thống, tìm ra hướng để tiếp cận khách hàng và giúp khách hàng khắc sâu đến thương hiệu của doanh nghiệp.
Với đầy rẫy nền tảng số, đòi hỏi quảng cáo truyền hình phải tạo ra một cú hích trên thị trường, tăng độ phủ sóng của mình và đọng lại trong lòng người xem những gì mình muốn truyền tải. Các đoạn phim quảng cáo phải tập trung “dội bom” trên các kênh truyền hình truyền thống, thu về lượng người xem và gây chú ý với lượng lớn khách hàng.
Việc tiếp cận khách hàng tốt nhất có thể làm là âm nhạc. Bởi âm nhạc là một trong những yếu tố quyết định khách hàng có xem hết quảng cáo hay không. Sự bắt trend theo thời đại cũng sẽ là một điểm nhấn mới lạ và có thể sẽ nhận được cơn mưa lời khen từ các chuyên gia mà gần nhất là người xem.
Có thể bạn bắt gặp rất nhiều những quảng cáo truyền hình truyền thống mà việc lồng ghép quảng cáo sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu không được xuyên suốt, gây ra sự phản ứng của người xem hay có thể là không đọng trong ký của của khán giả. Quảng cáo phải có những thông điệp rõ ràng và lồng ghép rất hay vào các đoạn quảng cáo và hình ảnh khiến nhiều người không muốn suy nghĩ tới mà cũng tự nhiên được thu nạp vào.
Bên cạnh đó, với nguồn chi không quá nhiều như thời điểm hiện tại, quảng cáo truyền hình truyền thống cũng có thể không cần đến gương mặt nổi tiếng đại diện thương hiệu hay những KOLs quá đắt tiền để quảng cáo. Thay vào đó, quảng cáo nên đánh trực diện vào tâm lý khách hàng với những hình ảnh vui nhộn tạo không khí và để khách hàng nhận biết ra các sản phẩm của doanh nghiệp.
Không thể không công nhận rằng ở thời điểm hiện tại, quảng cáo truyền hình truyền thống vẫn đang hoạt động tốt ở Việt Nam. Nhưng trong vài năm tới nó sẽ không còn được nhiều marketer tin dùng nữa. Truyền thông là luôn phải thay đổi và nếu như chỉ dùng những phương pháp truyền thống thì thương hiệu khó mà có thể tồn tại và phát triển.
Doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời: Tìm cách "sống chung" với dịch
Đại dịch COVID-19 khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, trong đó quảng cáo ngoài trời đang phải tìm cách biến đổi để sống chung với dịch. Chúng ta đều biết đại dịch COVID-19 đã đem lại thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế thế giới trên hầu hết các lĩnh vực và ngành quảng cáo cũng không ngoại lệ. Trong đó, ngành quảng cáo ngoài trời là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Hình thức quảng cáo ngoài trời bao gồm những phương thức quảng cáo bên ngoài, dễ hiểu nhất là pano quảng cáo trên đường phố, đường cao tốc, quảng cáo được in trên thân xe buýt, taxi.
Tác dụng nổi bật nhất của quảng cáo ngoài trời chính là tiếp cận được một lượng lớn người đi lại hàng ngày trên các con phố, trung tâm mua sắm. Song dịch COVID-19 ập đến và lan rộng khiến người dân hạn chế ra khỏi nhà. Điều này đồng nghĩa với việc những loại hình quảng cáo ngoài trời trở nên kém hiệu quả. Từ đó kéo theo các thương hiệu cũng buộc phải cắt giảm rất lớn ngân sách cho quảng cáo ngoài trời.
Tuy nhiên, thay vì ngồi yên chờ hết dịch, các doanh nghiệp quảng cáo đã và đang tìm cách sống chung với dịch, tìm nhiều giải pháp để thích ứng linh hoạt.
Giải pháp đầu tiên được các chuyên gia trong ngành quảng cáo ngoài trời đưa ra chính là cải tiến phương thức vận hành các quảng cáo ngoài trời nhằm thích nghi với những biến đổi khó lường của dịch COVID-19.
DOOH (Digital Out Of Home) là phương thức quảng cáo ngoài trời kỹ thuật số, hiểu đơn giản thì nó là sự kết hợp giữa các hình thức quảng cáo ngoài trời thông thường và các công nghệ kỹ thuật số hiện đại.
Mà phổ biến nhất của DOOH chính là các màn hình led quảng cáo được lắp đặt ở những khu vực công cộng đông người qua lại như: Tòa cao ốc, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm dừng xe buýt.
Với DOOH, các giao dịch trở nên tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều. Các nhà quảng cáo chỉ cần truy cập vào các nền tảng giao dịch tự động DOOH có sẵn và thực hiện việc thiết lập hiển thị quảng cáo với các tiêu chí mà họ muốn (địa điểm, thời gian, chi phí).
Thông qua nền tảng, thương hiệu có thể cập nhật hiệu suất quảng cáo tự động theo thời gian thực, từ đó kiểm soát và thay đổi quảng cáo một cách linh hoạt, nhanh chóng để thích ứng với mọi tình huống phát sinh. Vì vậy, Programmatic DOOH chính là sự cải tiến đột phá giúp các thương hiệu nắm bắt nhanh chóng, chuẩn xác từng diễn biến phức tạp, khó lường của COVID-19 để kịp thời thay đổi chiến lược, từ đó tối ưu hóa chi phí và làm tăng hiệu quả quảng cáo.
Nắm bắt được điều này, các thương hiệu đã đưa những đặc tính sáng tạo, độc đáo, lạc quan, hài hước vào thông điệp quảng cáo OOH của mình nhằm mang lại sự giải trí và giải tỏa căng thẳng cho người xem. Nhờ vậy, quảng cáo của thương hiệu sẽ chinh phục được thị hiếu của khách hàng và đem lại hiệu quả cao nhất.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quảng cáo cực kỳ hoành tráng, đẳng cấp với công nghệ hiện đại nhằm gây hiệu ứng tức thì cho người xem cũng được các chuyên gia khuyến khích thực hiện. Bởi khi đó, người xem ngay lập tức sẽ bị thu hút mạnh bởi quảng cáo và hơn nữa còn chia sẻ rầm rộ về quảng cáo đó lên mạng xã hội.
Tuy tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp và làm gián đoạn nền kinh tế, song nếu sử dụng nguồn tài nguyên mình sẵn có một cách thật khôn ngoan, họ vẫn có thể nắm bắt được các cơ hội để kéo doanh nghiệp mình đi lên.
Khuyến nghị dành cho thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam
Cuộc đua không cân sức về thị phần của dịch vụ truyền hình trên internet (Over The top Television-OTT) giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài diễn ra khốc liệt. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp Việt buộc phải bứt phá để tồn tại và giành lại thị phần ngay trên chính “sân nhà”.
Tại Việt Nam, dịch vụ truyền hình trả tiền với 5 loại hình dịch vụ gồm: truyền hình cáp (Analog, Truyền hình số, IPTV), truyền hình mặt đất kỹ thuật số, truyền hình trực tiếp qua vệ tinh, truyền hình di động (Mobile Tv) và truyền hình qua mạng Internet. Trong đó, hiện nay Việt Nam có tổng cộng hơn 10 triệu thuê bao truyền hình cáp; gần 1 triệu thuê bao truyền hình số mặt đất; gần 1,8 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh; hơn 1,2 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 800.000 thuê bao truyền hình di động. Việt Nam hiện có 87 kênh phát thanh trong nước, 191 kênh truyền hình trong nước và 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng.
Tuy nhiên, doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền Việt Nam đang ở mức rất thấp. Đặc biệt, dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đang phải cạnh tranh với những dịch vụ truyền hình trả tiền trên nền dịch vụ Internet mà Netflix là một đối thủ đánh gờm nhất. Bên cạnh Netflix, các ứng dụng xem truyền hình trả tiền qua website, ứng dụng Android/iOS, TV Internet…khác như: iflix (Malaysia), Danet (Việt Nam), Fim+ (Việt Nam), Clip Tv (Việt Nam) với những lợi thế về nội dung cung cấp, Việt hóa, cập nhật nội dung… cũng khiến cho cuộc chiến cạnh tranh giành thị phần, thuê bao, doanh thu… trên thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam thêm phần khó khăn.
Để thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, chuyên gia khuyến nghị cần xây dựng quy hoạch phát triển thị trường truyền hình trả tiền phù hợp.
Phương châm chỉ đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đối với thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền là “phát triển đi đôi với quản lý tốt”. Sự phát triển này không chỉ đơn thuần là tăng về mặt số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền mà còn bao gồm cả mở rộng quy mô, phạm vi tác động và nâng cao chất lượng thông tin và nội dung hướng đến người tiêu dùng.
Quy hoạch thị trường truyền hình trả tiền cần quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên 1 loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành gây đổ vỡ thị trường...
Ngoài ra, cần hành lang pháp lý đủ mạnh. Năm 2020, thị trường truyền hình trả tiền tiếp tục gia tăng khó khăn khi có sự xuất hiện của các doanh nghiệp xuyên biên giới. Các đơn vị quy mô vừa và nhỏ sẽ bị tác động trong quá trình cạnh tranh do hạn chế nguồn lực tài chính mở rộng kinh doanh, đầu tư hạ tầng và đầu tư theo xu hướng công nghệ mới. Do đó, chính sách và môi trường pháp lý cần “đi trước, đón đầu” sự thay đổi của ngành, tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp nội.
Cần quy định, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định. Tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ về nội dung chương trình truyền hình, phim ảnh…
Bình luận