Ngày 24/11, tại sân Bái Đường của Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) diễn ra triển lãm Hành động vì cộng đồng.
Triển lãm nằm trong khuôn khổ giải thưởng "Hành động vì cộng đồng" nhằm tôn vinh các nỗ lực vì cộng đồng, truyền cảm hứng cho các cá nhân, tổ chức khác hành động mạnh mẽ và truyền đi giá trị tri thức từ những bài học thực tế đầy cảm hứng.
Đồng hành cùng giải thưởng có Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và các đơn vị.
Các dự án được trưng bày với sự hỗ trợ của một số hình thức đa phương tiện. Đặc biệt, theo đúng tinh thần của giải thưởng, các nguyên vật liệu được dùng trong triển lãm đều đảm bảo tiêu chí thân thiện với môi trường, chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ và vải, sau đó rác thải của triển lãm sẽ được thu gom để tái sử dụng..
Đáng chú ý tại triển lãm có các dự án liên quan đến môi trường như Dự án Kinh tế tuần hoàn nhựa do Unilever Việt Nam thực hiện từ năm 2020 đến nay.
Unilever đặt ra mục tiêu cụ thể trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ có 100% bao bì của sản phẩm đều có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dễ dàng phân hủy; cắt giảm 50% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất thông qua 2 hoạt động: giảm sử dụng nhựa nguyên sinh và tăng cường sử dụng nhựa tái chế.
Phấn đấu để vào năm 2025, 30 triệu người dân Việt Nam sẽ tích cực tham gia và tự thực hiện phân loại rác thải tại đầu nguồn.
Năm 2020, “Đổi rác lấy quà” trở thành mô hình thu gom rác thải nhựa trong cộng đồng mở đầu tại Hà Nội đã thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen về việc phân loại rác tại nguồn cho hơn 41.400 hộ gia đình, 32 trường học với hơn 15.000 học sinh.
Năm nay, Unilever tiếp tục phối hợp với UBND Quận 7, TP.HCM để triển khai thường kỳ hoạt động này. Người dân có thể phân loại và mang rác tới các điểm thu gom để nhận lại quà tặng. Thông qua các nỗ lực của mình, Unilever mong muốn mỗi cá nhân, gia đình hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà để hỗ trợ mang nhựa quay lại phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất thay vì gây ô nhiễm môi trường.
Dự án triển lãm tiếp theo là dự án Sài Gòn Xanh. Dự án ra đời như một minh chứng cho sự nhiệt huyết, khát vọng và cống hiến của tuổi trẻ. Được khởi xướng bởi nhóm bạn trẻ yêu mến TP.HCM, dự án với tên gọi "Giải cứu kênh rạch ô nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh" không chỉ hướng tới một Sài Gòn xanh, sạch, đẹp, mà còn nhấn mạnh vào việc tạo nên một môi trường sống lành mạnh, đáng sống, xứng tầm với vị thế của trung tâm kinh tế đất nước.
Sức hút của dự án đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo người tham gia, từ 5 thành viên tăng lên 100, rồi 500, thậm chí có thời điểm, dự án đã thu hút cả ngàn người cùng chung tay.
Không chỉ dừng lại ở việc lội xuống những con kênh đen ngòm, hôi thối và đầy rẫy nguy hiểm từ kim tiêm đến rắn độc, Sài Gòn Xanh đã làm nên nhiều điều kỳ diệu hơn thế như tạo ra một làn sóng lớn trong cộng đồng, thúc đẩy sự thay đổi nhận thức và hành động trong việc bảo vệ môi trường.
Mục tiêu của dự là là Giải cứu toàn bộ kênh rạch ô nhiễm ở TP.HCM và lan tỏa tác động ra cả nước đến năm 2025. Theo đó, tăng sự tham gia từ 20.000 người lên đến 150.000 người đến năm 2025. Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến 2 tỷ lượt xem trên các nền tảng như TikTok, Facebook đến hết năm 2023. Hợp tác chặt chẽ với chính quyền, các nhãn hàng, doanh nghiệp, và KOLs để lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường một cách rộng rãi. Nâng cao và thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường cho 1 triệu trẻ em Việt Nam thông qua các hoạt động chia sẻ, đến hết năm 2027.
Áp dụng các phương pháp khoa học công nghệ tiên tiến, như bom vi sinh, cải tạo nguồn nước, khử mùi, để cải thiện tình trạng ô nhiễm. Sử dụng công nghệ hiện đại để tăng cường hiệu quả dọn dẹp rác thải dưới sông, dưới biển. Chuyển hóa rác thải thành tác phẩm nghệ thuật, qua đó quảng bá và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.
Trong số các dự án nói trên dự án Chuyến đi của Rơm nhận được rất nhiều khen ngợi từ người xem, được khởi xướng vào năm 2020 bởi một nhóm những nhà khoa học trẻ tại Đại học Khoa học Huế. Đây là một sáng kiến hiệu quả khi tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường thông qua các sản phẩm được chế tác từ rơm, từ đó đóng góp quan trọng trong việc giảm sử dụng túi nhựa.
"Chuyến đi của Rơm" được khởi phát tại xã Phú Mậu - địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 440,57 ha, trong đó diện tích trồng lúa chiếm 351,9 ha. Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào ở đây, nhóm thực hiện "Chuyến đi của Rơm" đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật nổi bật.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải thưởng cho biết, trong số hơn 150 dự án/ý tưởng tham dự Human Act Prize, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 43 dự án để trưng bày tại triển lãm.
“Thông qua quá trình chấm giải, Hội đồng Giám khảo thực sự cảm phục nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã âm thầm đóng góp rất lớn cho cộng đồng. Thông qua chuỗi hoạt động, Ban Tổ chức giải thưởng Hành động vì cộng đồng mong muốn tiếp tục lan tỏa hơn nữa các điển hình này, qua đó truyền cảm hứng cho toàn xã hội” ông Minh nói.
Đại diện Ban tổ chức cho biết thêm, các sáng kiến vì môi trường chiếm số lượng lớn trong tổng số các dự án đăng ký tham gia năm nay.
Hoạt động triển lãm bắt đầu mở cửa cho công chúng từ ngày 24/11-3/12/2023.
Bình luận