Báo cáo phản ánh sự lạc quan của người dân về kinh tế tuy vẫn còn nỗi lo ngại về tác động của đại dịch. Đồng thời, cung cấp một bức tranh quan trọng về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thấy sự thay đổi quan điểm của người dân về hiệu quả của công tác chống tham nhũng ở địa phương·trong bối cảnh người dân kỳ vọng về nền quản trị hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Vấn đề nghèo đói được người dân đặc biệt quan tâm
Kết quả khảo sát cho thấy, tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, tác động của hai năm đại dịch vẫn còn đó. Mặc dù 56% số người được hỏi khẳng định điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ tốt hơn vào năm 2022, cao hơn so với tỷ lệ 52% vào năm 2021, tỷ lệ này vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 2012.
Tương tự, những người cho rằng điều kiện kinh tế hộ gia đình của họ là kém đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012, ngoại trừ năm 2021. Những con số này cho thấy nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỷ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở hai nhóm này.
Sự chuyển dịch sang thời kỳ hậu đại dịch cũng được phản ánh trong ý kiến của người dân khi được hỏi về những vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022. Tỷ lệ lựa chọn vấn đề y tế và bảo hiểm y tế là vấn đề hệ trọng nhất giảm mạnh từ 23,84% theo khảo sát PAPI 2021 xuống 6,38% theo khảo sát PAPI 2022.
Vấn đề nghèo đói trở lại vị trí hàng đầu với 22,13% số người trả lời chọn vấn đề này năm 2022. Nghèo đói cũng là vấn đề liên tục đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm kể từ năm 2015, ngoại trừ năm 2021 khi Việt Nam chịu tác động mạnh của đại dịch COVID-19…
Việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, vì thế góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng. Song kết quả khảo sát PAPI 2022 cho thấy chưa có nhiều chuyển biến tích cực ở khía cạnh quản trị công quan trọng này. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, người dân ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm 2022.
16.117 người trả lời được lựa chọn ngẫu nhiên từ tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, đây là số lượng phỏng vấn cao nhất từ trước tới nay. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp dữ liệu và thông tin vô giá về hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp trong hai năm đầu nhiệm kỳ 2021-2026 và đóng góp cho việc xây dựng chính sách, pháp luật quan trọng trong năm 2023.
Tại Hội nghị công bố Báo cáo PAPI 2022, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết: “Trong 14 năm qua, Chương trình nghiên cứu PAPI đã có tác động tích cực, làm chuyển biến nhận thức và hành động của chính quyền cấp tỉnh, thiết thực góp phần thúc đẩy cải cách hành chính Nhà nước - một trong những nội dung trọng tâm của 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế-xã hội mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện. Do vậy, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân đem lại những chỉ báo quan trọng, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và đổi mới phương thức hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn".
Đại sứ Australia tại Việt Nam ông Andrew Goledzinowski chia sẻ: “Thông qua theo dõi kết quả PAPI, Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách và cải thiện chất lượng dịch vụ công, đặc biệt là ở cấp tỉnh. Điều quan trọng là PAPI thể hiện quan điểm, tiếng nói của đông đảo các tầng lớp dân cư, bao gồm phụ nữ và nam giới, cũng như người khuyết tật. Lắng nghe ý kiến công dân như vậy là rất cần thiết để cải thiện dịch vụ công. Australia đã và đang hỗ trợ sáng kiến quản trị quan trọng này suốt bảy năm qua bởi chúng tôi nhận thấy nghiên cứu này mang lại giá trị cho Việt Nam”.
Đóng góp cho chương trình xây dựng và thực thi pháp luật năm 2023
Báo cáo PAPI 2022 cũng phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn cứ cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu: “Chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công".
Theo khảo sát, người dân cho rằng bồi thường thu hồi đất còn ở mức quá thấp và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới khiếu kiện liên quan tới thu hồi. Vì vậy, một câu hỏi đã được đưa vào nghiên cứu PAPI năm 2022 để khảo sát người dân.
Kết quả cho thấy có sự khác biệt lớn giữa giá mua bán quyền sử dụng đất (giá đất) trên thị trường với giá đất do chính quyền địa phương chính thức ban hành. Điều này cho thấy, từ góc nhìn của người dân, chính quyền địa phương chưa tính đến giá thị trường khi xác định giá bồi thường thu hồi đất.
Do đó, bảng giá đất ở địa phương cần được cập nhật thường xuyên, thay vì bốn năm một lần, để theo kịp giá giao dịch quyền sử dụng đất trong dân cư vốn vẫn thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực thành thị.
Có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành.
Có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành. Đây có thể là kết quả của sự hạn chế trong nhận thức và thiếu sự tham gia của người dân vào công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Bên cạnh đó, với việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 thay thế Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở ở cấp xã năm 2007, Chỉ số PAPI năm 2022 cũng đưa ra những dữ liệu cơ sở quan trọng để theo dõi việc thực hiện văn bản luật “lấy người dân làm trung tâm” này, đặc biệt trong việc đảm bảo đại biểu dân cử ở cấp cơ sở phản ánh sát cơ cấu xã hội phong phú của xã hội Việt Nam.
Phát hiện từ khảo sát năm 2022 cho thấy cử tri có xu hướng ủng hộ việc bầu chọn các ứng cử viên là người dân tộc thiểu số vào các vị trí dân cử từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở (85% ủng hộ) nhiều hơn so với các ứng cử viên là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, liên giới tính (LGBTIQ+) (45% ủng hộ) và so với các ứng cử viên là người khuyết tật (42% ủng hộ)…
Về hiệu quả quản trị điện tử, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng internet hiện nay. Năm 2022, tỉ lệ người dân cho biết họ có thể thực hiện một phần dịch vụ công trực tuyến để làm thủ tục xin xác nhận của chính quyền địa phương hoặc thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn so với năm 2021.
Về việc sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, số người trả lời cho biết họ đã sử dụng hoặc có hồ sơ người dùng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia còn rất thấp: chưa tới 5% số người trả lời cho biết họ đã sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia cho các mục đích khác nhau và khoảng 3% đã thiết lập hồ sơ người dùng trên Cổng này.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.
Trong suốt 14 năm qua, có tới 178.243 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công từ trải nghiệm tương tác trực tiếp với chính quyền các cấp thông qua nghiên cứu PAPI.
Bình luận