Tôn Tú Thanh sinh ra trong gia đình nghèo ở vùng quê Trung Quốc.
Nhờ chăm chỉ học tập, ông Tôn từng đỗ vào Đại học Thanh Hoa - trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, Tôn Tú Thanh tiếp tục học lên tiến sĩ tại trường đại học này.
Năm 1992 sau nhiều năm nghiên cứu, ông phát minh ra vi động cơ tĩnh điện dựa trên silicon đầu tiên của Trung Quốc và trở nên nổi tiếng thời điểm đó.
Năm 1993, ông Tôn quyết định đi du học Mỹ. Tại đây, ông được nhận vào làm kỹ sư thiết kế tại tập đoàn Motorola. 10 năm sau khi bươn chải ở nước ngoài, ông trở về quê hương và cùng bạn bè hùn vốn thành lập một công ty điện tử.
Nắm bắt nhanh nhạy xu hướng của thị trường, công ty của ông ăn nên làm ra.
Nhưng khi công ty đang hoạt động trơn tru, ông Tôn và các cổ đông khác nảy sinh bất đồng. Ông Tôn không muốn niêm yết cổ phiếu mà chỉ muốn phát triển thêm các sản phẩm, trái ngược với đề xuất của phần lớn các cổ đông.
Năm 2014, một số cổ đông đệ đơn tố cáo ông biển thủ công quỹ, giả mạo hóa đơn. Các cáo buộc này khiến Tôn Tú Thanh phải ngồi tù suốt 3 năm.
Trong 1.277 ngày bị giam giữ, ông Tôn trải qua 114 phiên tòa lớn nhỏ tại các tòa án địa phương. Ở mỗi phiên tòa, ông đều hy vọng mình sẽ được minh oan nhưng tất cả đều kết thúc trong thất vọng.
Phải tới tháng 8/2019, tòa án mới ra phán quyết tuyên bố ông vô tội. Ông Tôn yêu cầu các cán bộ tư pháp trong vụ việc phải chịu trách nhiệm vì "bất chấp sự thật, kiên quyết đưa ông vào tù".
Trước áp lực từ dư luận, tòa án phải lên tiếng xin lỗi, bồi thường cho ông Tôn 540.000 NDT (1,94 tỷ đồng). Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cho rằng mức bồi thường này không thể bù đắp cho 3 năm ngồi tù oan của vị tiến sĩ đại học Thanh Hoa.
Bình luận