Các tổ chức tài chính ở Kabul bắt đầu đóng cửa từ chiều 15/8, ngay sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời bỏ đất nước và Taliban tràn về thủ đô.
Tình trạng này kéo dài sau khi Mỹ tuyên bố “đóng băng” các khoản dự trữ của chính phủ Afghanistan được giữ trong các tài khoản ngân hàng của nước này và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thông báo giữ lại các khoản tài chính dành cho Kabul.
Trong một xã hội dựa vào tiền mặt như Afghanistan, các tác động của việc không có tiền giấy dù chỉ trong vài ngày khiến nhiều người hoảng loạn.
Xếp hàng từ sáng sớm
Massoud, 35 tuổi sống ở Kabul đau đầu về chuyện chu cấp cho gia đình mình ở tỉnh Kunduz suốt 10 ngày qua.
Anh có 20.000 Afghanistan (232 USD) trong ngân hàng. Chỗ tiền này Massoud tích cóp được khi còn trong biên chế quân đội Quân đội Afghanistan.
Người đàn ông 35 tuổi không biết làm cách nào để rút tiền khi các ngân hàng vẫn chưa mở cửa trở lại. Nỗi lo đó vơi đi phần nào khi Talian ra tuyên bố cho phép các ngân hàng tại Afghanistan được hoạt động trở lại bắt đầu từ 25/8.
Nhưng dù ngân hàng mở cửa trở lại, Massoud biết với hàng nghìn người có nhu cầu như mình, có thể sẽ mất vài ngày mới rút được tiền.
Sáng sớm 25/8, Massoud xếp hàng bên ngoài ngân hàng. Tới 10h, anh vẫn chưa thể vào bên trong.
Đứng cạnh anh là Abdul, cũng là một thành viên của Lực lượng An ninh Quốc gia Afghanistan (ANSF) đóng quân tại Kandahar như Massoud.
Abdul cho biết nhiều thành viên của ANSF tự nhủ với việc Taliban lên nắm quyền, đây có thể sẽ là lần cuối cùng họ nhận lương.
Xếp hàng bên ngoài ngân hàng như Abdul và Massoud, nhiều người cho biết hầu hết mọi người có thể vay đồng nghiệp, người thân những khoản vay nhỏ nếu cần. Nhưng chuyện đó không thể duy trì lâu dài, đặc biệt là khi các văn phòng tư nhân tiếp tục đóng cửa và các liên doanh thương mại giảm dần khách hàng kể từ khi Taliban nắm quyền.
Taliban chậm chạp mở lại các văn phòng chính phủ bởi lực lượng này vẫn chưa chốt những cái tên cuối cùng trong bộ máy chính quyền.
Tuần trước, Taliban cho biết Bộ Tài chính sẽ đảm bảo các khoản thanh toán cho tất cả công chức Afghanistan, nhưng nhiều người vẫn hoài nghi về lời hứa đó.
Một nhân viên của Bộ Tài chính Afghanistan nói anh đã không ở văn phòng kể từ khi Taliban tiếp quản 10 ngày trước.
"Tôi thậm chí còn không chắc họ có cần mình nữa hay không", người này nói.
Hồi đầu tuần, Taliban bổ nhiệm quyền thống đốc Ngân hàng Trung ương nhưng việc khôi phục niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư vẫn là một chặng đường dài phía trước.
"Chúng tôi còn không rõ liệu có còn quân đội nữa hay không, chính phủ sẽ thế nào thì làm sao có thể chắc chắn họ sẽ trả tiền mình", Abdul nói.
Hỗn loạn như sân bay
Wafiullah làm việc vài năm tại Cơ quan chống Ma túy của Afghanistan, một phần của Bộ Nội vụ.
Khi nhận phỏng vấn, anh vẫn đang chờ rút 150.000 Afghanistan (1.742 USD) còn lại trong tài khoản dù đã xếp hàng 4 tiếng.
Wafiullah nói mình may mắn vì vẫn xoay sở được ở thời điểm hiện tại. Nhưng giống như nhiều người khác, anh lo lắng về công việc trong tương lai và không tin các ngân hàng có thể đáp ứng đủ nhu cầu của dòng người đang đổ xô tới rút hết tiền trong tài khoản của họ.
Cùng ngày các ngân hàng mở cửa trở lại, Ngân hàng thế giới tuyên bố cắt viện trợ cho Afghanistan.
Liên tục các hung tin khiến đám đông xếp hàng bên ngoài Ngân hàng New Kabul ở khu Shahr-e-Naw của thành phố trở nên sốt ruột.
Sau nhiều giờ chờ đợi, nhiều người bắt đầu đập phá cửa sổ phía trước hành lang dẫn vào bên trong ngân hàng. Khi tấm kính vỡ tan, đám đông cổ vũ và la hét trong khi những người khác tận dụng cơ hội này để rời hàng, lấn lên phía trước. Xô xát bắt đầu xảy ra.
"Các ngân hàng giờ là sân bay mới", một người nhìn vào khung cảnh lộn xộn và nói, ám chỉ hàng nghìn người tụ tập bên ngoài sân bay Hamid Karzai để chờ được sơ tán ra nước ngoài.
Bình luận