Chỉ sau vài ngày, cuộc sống của hàng triệu người dân Kabul thay đổi chóng mặt. Người Mỹ biến mất, chính phủ Afghanistan sụp đổ, Taliban thống trị các con phố.
Hôm 24/8, 9 ngày sau khi Taliban trở lại nắm quyền, các dịch vụ của chính phủ vẫn chưa hoạt động trở lại. Người dân đang phải vật lộn trong một nền kinh tế bất ngờ rơi tự do.
Các ngân hàng đóng cửa, tiền mặt ngày càng khan hiếm trong khi giá thực phẩm tăng cao.
Khi Mỹ gấp rút đẩy nhanh chiến dịch sơ tán, Taliban tiếp tục siết chặt vòng vây xung quanh các khu phố ở thủ đô.
Trái ngược với sự hỗn loạn ở sân bay, sự yên tĩnh ngự trị một số con phố không dẫn tới phi trường. Nhiều người dân trốn trong nhà, sợ hãi tột độ mỗi khi các tay súng Taliban tới gõ cửa.
Không khí vắng lặng hiện tại trái ngược rõ rệt với những ngày tháng tội phạm hoành hành trên các con phố Kabul trong quá khứ.
Nhưng với nhiều người, sự yên tĩnh này trở nên đáng ngại.
Kẻ khóc, người cười
Một người dân tên Mohib nói trong khu vực mà anh sinh sống, nhiều người ngồi co rúm trong nhà.
"Mọi người cảm thấy Taliban có thể đến bất cứ lúc nào để lấy đi mọi thứ của họ", Mohib chia sẻ.
Sayed, một công chức cho biết tại các khu vực trung tâm tập trung nhiều tay súng Taliban, rất ít phụ nữ ra ngoài. Nếu ai đó mạo hiểm ra phố, họ đều trùm kín người, che kín mặt.
Nhưng ở một số nơi Taliban ít lai vãng tới trong thành phố, nhiều phụ nữ vẫn mặc trang phục như những ngày Taliban chưa kiểm soát Kabul.
Cũng có những người bắt đầu nói về những điều tích cực khi Taliban xuất hiện. Hầu hết trong số này đều bất mãn với một số quan chức đầy tai tiếng tham nhũng của chính phủ cũ.
Tại khu vực rìa phía tây Kabul, giao thông đường bộ và các hoạt động kinh doanh đang dần trở lại bình thường. Các tài xế xe tải và xe buýt cho biết các tuyến cao tốc đang trở nên an toàn hơn sau khi Taliban tiếp quản đất nước.
Nhiều người phấn khởi khi hàng chục trạm kiểm soát do lực lượng an ninh và dân quân trước đây dựng lên để ăn chặn phí "qua chốt" bị dỡ bỏ. Hiện tại, họ chỉ cần đóng một lần phí duy nhất cho Taliban.
"Chúng tôi vui với Tiểu Vương quốc Hồi giáo (tên nhà nước do Taliban thành lập sau khi lên nắm quyền). Với sự xuất hiện của Taliban, các vấn đề của chúng tôi đã được giải quyết. Cảnh sát không còn quấy rối và vòi tiền hối lộ nữa", Ruhullah, 34 tuổi, lái xe buýt chở khách dọc tuyến cao tốc chính từ Herat đến Kabul cho hay.
Để nhanh chóng vá lấp khoảng trống quyền lực sau sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, các lãnh đạo Taliban đang đẩy nhanh việc thành lập chính phủ mới.
Nhưng ở Kabul, có rất ít bằng chứng cho thấy một chính quyền mới đang manh nha hình thành.
Tại một số văn phòng điện tử của chính phủ, không một công chức nào có mặt. Nhiều người được báo cáo không đi làm do sợ bị Taliban trừng phạt.
Những thay đổi nhân sự diễn ra ở các văn phòng khác.
"Những người từng việc trong chính quyền cũ đã mất việc. Taliban đang bổ nhiệm nhân viên mới", Raziq - nhân viên một đại lý du lịch cho hay.
Sự tiếp quản chóng vánh của Taliban làm suy yếu một nền kinh tế mong manh vốn phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài.
Khi Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngăn dòng tiền chảy về Afghanistan, Taliban bị cô lập và đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính.
Taliban cũng bị ảnh hưởng
Ngoài việc các ngân hàng bị đóng cửa, các hawala - những doanh nghiệp chuyển tiền không chính thức chịu cảnh tương tự. Nhiều người đang đổ xô tích trữ USD khi đồng nội tệ - afghani tiếp tục rớt giá.
Rahmatullah, một nhà báo địa phương cho biết mọi người đang cạn kiệt tiền mặt vì họ không có quyền truy cập vào tài khoản ngân hàng của mình.
"Cũng chẳng thể đi vay vì không ai có tiền mặt", Rahmatullah nói.
Lạm phát khiến cuộc sống hàng ngày của người dân thêm phức tạp. Giá dầu ăn tăng gấp hơn 2 lần. Thực phẩm thì đắt đỏ.
Điều an ủi duy nhất một số trái cây và rau quả trong nước rẻ hơn trước do biên giới đóng cửa và các thương lái không thể xuất khẩu chúng. Hassan, một nhân viên tại một tổ chức phi chính phủ cho biết, giá của 7 kg táo đã giảm từ 500 afghani xuống 100 afghani.
Khi tiền mặt cạn kiệt, tình trạng thất nghiệp tăng vọt trên toàn thành phố.
"Hàng trăm lao động và công nhân xây dựng giờ lang thang trên phố mỗi ngày. Chẳng ai thuê mướn họ. Kabul đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đói nghèo sâu sắc", Sayed, một công chức nói.
Với giá nhiên liệu ngày càng đắt đỏ, ngay cả Taliban cũng bị ảnh hưởng.
Nhiều tay súng đã không còn lái những chiếc Ford Ranger đánh cắp từ cảnh sát Afghanistan để diễu phố. Nếu có thì cũng là cảnh 20 chiến binh chen chúc trên một chiếc xe bán tải.
Kinh tế là một mặt, điều mà nhiều người Kabul lo ngại nhất hiện tại là trật tự mới mà Taliban sẽ thiết lập.
Nhiều chủ doanh nghiệp vẫn chưa tính tới chuyện mở cửa trở lại. Các trường học, trung tâm giáo dục đóng cửa trong khi các sinh viên tìm cách bỏ trốn khỏi đất nước.
“Các chuyến xe buýt rời Kabul đến các tỉnh biên giới đã chật cứng, nhưng khi lộ trình ngược lại thì trống trơn", Mohammed, một cựu quan chức chính phủ cho hay.
Giá các tuyến buýt tới biên giới giờ tăng mạnh. Chưa kể tới khoản phí mà nhiều người phải trả cho những kẻ buôn lậu đưa họ qua biên giới.
Raziq làm việc tại một đại lý du lịch nhận tới 557 tin nhắn và hơn 300 cuộc gọi mỗi ngày sau khi đăng tin trên Facebook rằng mình có thể làm thủ tục cấp thị thực cho những người muốn tới Uzbekistan.
Với những người ở lại, họ tập quen dần với việc có thể bị Taliban chặn lại bất cứ lúc nào trên các con phố.
Senin, một sinh viên đại học 22 tuổi nói cô bị các tay súng Taliban chặn khi đến trường hồi đầu tuần.
2 anh trai của Senin, những người từng làm việc với lực lượng Mỹ đã được sơ tán. Senin bị bỏ lại phía sau với bố mẹ và một chị gái.
Sau khi nắm được thông tin về các anh trai của Senin, các quan chức Taliban đe dọa gia đình và đánh đập cô.
"Tất cả các giấc mơ của tôi đã vỡ vụn", Senin nói, mô tả tình hình lúc này là “không thể chịu đựng nổi".
Bình luận