• Zalo

Lượng cử nhân thất nghiệp lại tăng

Giáo dụcChủ Nhật, 31/12/2017 17:08:00 +07:00Google News

Số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%.

Bản tin thị trường lao động Việt Nam số 15, quý III năm 2017 mà Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa công bố cho thấy tỷ lệ thanh niên thất nghiệp giảm nhẹ, tuy nhiên thất nghiệp của nhóm có trình độ đại học và trên đại học lại tăng so với quý II.

Cụ thể, số người thất nghiệp có trình độ đại học trở lên là 237 nghìn người, tăng 53,9 nghìn người so với quý II/2017. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51% (quý trước là 3,63%).

photo1488517001312-1488517001516-0-0-374-600-crop-1488517231875

 

Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người có trình độ CĐ cũng rơi vào cảnh thất nghiệp sau bao năm nhọc nhằn đèn sách. Từ đó, không ít cử nhân đành chọn những công việc mà khi ngồi trên giảng đường họ chẳng bao giờ nghĩ tới...

Ai cũng thấy rằng đòi hỏi về cơ hội tiếp cận giáo dục trình độ cao nhất - đại học là hoàn toàn chính đáng. Cứ nhìn kỳ thi quốc gia, kỳ nộp hồ sơ tuyển sinh thì biết, ở các thành phố hàng chục nghìn con người tay xách nách mang trong một cuộc di cư lớn để chạm vào giấc mơ đại học với tất cả sự lo lắng lẫn niềm tự hào ngấm ngầm về tương lai xán lạn.

Tuy nhiên, có một thực tế, “phổ cập” ĐH đã khiến bằng cử nhân không còn là của hiếm, do đó không tạo ra sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh khi xin việc. Sau thời kỳ bùng nổ đại học, ồ ạt mở trường, mở ngành, mở các hệ đào tạo tại chức, chuyên tu, từ xa... lạm phát bằng cấp là hiện tượng vẫn đang tiếp diễn và bộc lộ hậu quả.

Cũng có người cho rằng người thất nghiệp đa số đều kém nên không xin được việc làm. Quan niệm đó không hẳn sai, nhưng vấn đề ở chỗ nhiều người kém vẫn không thất nghiệp, vẫn có việc làm, thậm chí vị trí tốt...

Ở góc độ của chuyên gia giáo dục, trao đổi với báo chí về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng GDĐT - cho rằng đó là sự lãng phí về thời gian và tuổi trẻ. Theo ông, tâm lý chung của người dân Việt Nam là thích học đại học và học lên cao, không cần biết có cơ hội xin việc làm hay không.

Trong khi đó, nhu cầu của người học lại mâu thuẫn với việc chất lượng đào tạo giáo dục đại học. Cụ thể, cử nhân, thạc sĩ được đào tạo không sát với thực tế, nhà trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần. Chương trình, kiến thức còn quá nặng nề, nghiêng về lý thuyết, thực hành còn hạn chế. Ngoài ra, nguồn nhân lực rất thiếu ở các tỉnh thành, trong khi mọi người lại đổ xô về các thành thị.

Tất cả nguyên nhân trên xuất phát từ việc “trống” hướng nghiệp trong nhà trường. Điều này dẫn đến tâm lý, học sinh không hiểu được sở thích bản thân, nhu cầu xã hội, cứ nghĩ theo đại học mới thành tài. Thực tế công việc phải đáp đứng được kinh tế và nhu cầu của gia đình, xã hội. Vì vậy, định hướng nghề nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS.

Nguồn: Đại Đoàn Kết
Bình luận
vtcnews.vn