Đúng 17h 30/3/1954, pháo binh ta bắt đầu hỏa lực, yểm hộ cho các đơn vị bộ binh cùng tiến đánh các cứ điểm A, C, D, E mở đầu đợt 2 của chiến dịch.
Ngay từ đầu ta đã tập trung hỏa lực của 3 đại đội lựu pháo đánh một đòn tập kích hỏa lực mãnh liệt vào 2 trận địa pháo nguy hại nhất của địch ở điểm cao 203 và 210...
Cả 2 trận địa pháo binh địch đã bị tê liệt suốt đêm 30/3, đến hết ngày 1/4 không hoạt động được nữa.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tác chiến phải kéo dài việc bảo đảm đạn pháo cho chiến dịch của lực lượng pháo binh ta gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) đã cho chuyển gấp từ hậu phương lên khoảng 5.000 viên đạn pháo và chỉ đạo điều chỉnh giữa các đơn vị.
Trong vài thời điểm một số khẩu pháo chỉ còn 5 viên đạn, Tư lệnh chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho các đơn vị tăng cường giáo dục ý thức tiết kiệm đạn.
Riêng sử dụng đạn pháo 105 mm được quy định chặt chẽ: Bắn 3 quả trở lên phải có lệnh của Tham mưu trưởng chiến dịch, bắn trên 10 quả phải được sự phê chuẩn của Tư lệnh chiến dịch.
Do tập đoàn cứ điểm của địch nằm trong khu vực hậu phương rộng lớn của ta nên đường tiếp tế vũ khí, đạn dược của chúng chỉ có thể được thực hiện bằng máy bay. Trước tình hình trên, Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ đã phát động Phong trào “Đoạt dù lấy đạn”.
Trước đó, từ ngày 25/3/1954, máy bay địch không thể lên xuống sân bay Mường Thanh được nữa, quân đồn trú của Pháp ở Điện Biên Phủ có hơn một vạn tên. Mỗi ngày chúng cần 120 tấn đồ tiếp tế, gồm: súng đạn, lương thực và thuốc men. Đường tiếp tế duy nhất của địch là thả dù.
Dù của địch thả xuống không chính xác, bay sang trận địa ta rất nhiều. Bộ đội ta dùng hỏa lực không cho địch nhặt dù để triệt đường tiếp tế, đồng thời tích cực tranh đoạt nguồn tiếp tế của chúng, lấy lương thực, đạn dược của địch bổ sung một phần cho quân ta.
Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội ta thực hiện việc thu dù tiếp tế của địch để bổ sung đạn chiến đấu. Phong trào này được các đơn vị hưởng ứng sôi nổi.
Các đơn vị phòng ngự ở gần cứ điểm Hồng Cúm, trải qua nhiều đợt chiến đấu đã rút kinh nghiệm và phổ biến thành nguyên tắc đoạt dù là “thu súng đạn, máy móc, thuốc men trước, thực phẩm sau; thu gần địch trước, xa địch sau; không thu được mới phá hủy”.
Riêng số đạn pháo 105 mm, quân ta thu được 5.000 quả, bằng một phần tư số đạn cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại đoàn 308 thu được 1.000 viên đạn cối 81 mm do Mỹ sản xuất, Đại đoàn 316 là đơn vị thu nhiều nhất được 4.500 quả đạn pháo 105 mm, Đại đoàn 304 vừa chiến đấu, vừa đoạt dù tiếp tế thu được hàng trăm quả đạn pháo các loại.
Tất cả số đạn pháo chiến lợi phẩm trên được các đơn vị đưa ngay vào chiến đấu, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu đạn. Tổng số chiến lợi phẩm thu được ở chiến dịch khoảng 1.000 tấn vũ khí đạn (trong đó phần lớn là đạn pháo 105 mm và đạn cối), 43 tấn máy móc và dụng cụ thông tin, 46 phương tiện cơ giới.
Tuy nhiên, việc thu chiến lợi phẩm gặp khó khăn vì đều nằm trong tầm phi pháo và hỏa lực bộ binh địch uy hiếp trực tiếp. Vì vậy, ta đã linh hoạt bố trí, sử dụng lực lượng từ Tổng cục Cung cấp đến các đơn vị; tổ chức thu nhanh, gọn, hết, không bị địch phá hoại.
Trường hợp đánh các cứ điểm vòng ngoài, lực lượng kỹ thuật đơn vị nhanh chóng chuyển vũ khí chiến lợi phẩm xuống các giao thông hào chờ kế hoạch điều động cho các đơn vị của Tư lệnh chiến dịch.
Với nỗ lực to lớn của hậu phương và lực lượng hậu cần-kỹ thuật mặt trận, cuối tháng 4/1954, các đơn vị đã được bổ sung đủ vũ khí trang bị, đạn... sẵn sàng bước vào đợt 3 - đợt tiến công cuối cùng của chiến dịch.
Bình luận