• Zalo

Lão nông 74 tuổi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ

Diễn đànThứ Bảy, 13/02/2021 07:24:00 +07:00Google News

Sau khi lấy bằng thạc sĩ luật, lão nông Lương Tuyển (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang học anh văn, quyết lấy bằng tiến sĩ dù bước sang tuổi 74.

Ngày đầu tháng 2/2021, lão nông Lương Tuyển (thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) mới dành thời gian chăm chút cho khu vườn rộng với 600 cây bưởi da xanh đang ra quả bói. Dù bước sang tuổi 74, nhưng người nông dân này vẫn năng động chạy xe máy lên rẫy, lắp đặt máy bơm, phụ vợ hái bưởi… Tuy vậy, ông vẫn không quên sự học.

28 tuổi học lớp 6, 70 tuổi lấy bằng thạc sĩ

Đón chúng tôi, ông Tuyển chạy xe máy ra tận đường liên thôn vì nhà ông nằm tận trong hẻm sâu, gần chân núi Tân Quang mà trước đây là vùng kinh tế mới của xã Ninh Quang. Ngôi nhà ngói cũ nằm bên mảnh vườn rộng với 100 gốc bưởi, ao thả cá, vườn nuôi gà, cùng với khu rẫy 500 gốc bưởi theo đúng mô hình VAC (vườn, ao, chuồng).

Trong căn phòng tiếp khách là kệ sách lớn với hàng trăm cuốn sách, giáo trình. Phía trên bức tường và bàn uống nước là một "pho lịch sử" về câu chuyện học hành của ông với đủ loại bằng cấp, chứng chỉ từ môi giới bất động sản, định giá, trung cấp thú y, bằng cử nhân quản trị kinh doanh, cử nhân luật đến bằng thạc sĩ luật….

Kể về chuyện học khá đặc biệt và không ít khó khăn của mình, ông cho biết sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên 3 anh em ông ở với ông bà ngoại. Cũng vì khó khăn nên đến lớp 5, ông Tuyển phải nghỉ học.

Sau năm 1975, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù đã lấy vợ và làm nông nhưng ông cho rằng phải học hành thì mới khá lên được. Nghĩ là làm, năm 28 tuổi khi các cán bộ trong thôn, xã đi học bổ túc văn hóa, ông cũng xin đi học. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, mỗi tối ông phải đi bộ hơn 10km để đến lớp, đến khi về nhà cũng đã nửa đêm.

"Hồi đó, một người nông dân không có chức vụ gì như tôi tự đăng ký đi học bổ túc lớp 6 thì ai cũng ngạc nhiên. Thậm chí ở trường cũng không có suất để học. May là một số cán bộ thấy cực quá không học được nữa nên tôi mới được đi học, nhưng cũng phải năn nỉ lắm"- ông Tuyển kể về xuất phát điểm việc học của mình.

Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1988 khi đã 35 tuổi, ông Tuyển tiếp tục xin đi học ở trường trung cấp ngành chăn nuôi thú y ở Phú Yên. Vợ ông là bà Trần Thị Sương (69 tuổi) cho biết đây là thời kỳ khó khăn nhất.

"Vì mình tôi ở nhà vừa phải nuôi 2 đứa con, vừa phải phụ kinh phí cho chồng đi học. Đúng 3 năm 8 tháng trời, ổng mới tốt nghiệp", ông nói. Thời đó khó khăn quá, ăn uống kham khổ, nên năm 1992, khi ra trường thì ông Tuyển nhập viện điều trị bệnh lao phổi.

Lão nông 74 tuổi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ - 1

Ông Lương Tuyển và bằng thạc sĩ chính quy của Đại học Luật TP.HCM.

Ra trường, có bằng cấp, có kiến thức, ông trở thành Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Quang 1 (gồm 4 thôn) hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống nhờ vậy mà khấm khá, có của ăn của để.

Tuy nhiên, việc đồng áng, làm ăn kinh tế ngày càng đòi hỏi kiến thức cao hơn nên năm 50 tuổi ông đăng ký học ngành quản trị kinh doanh (Đại học Mở TP.HCM). Vừa học vừa làm đến năm 54 tuổi, ông Tuyển lấy bằng cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh.

Sau đó ít năm, ông tiếp tục đăng ký học cử nhân Luật văn bằng 2 tại Đại học Luật TP.HCM. Thời gian này ông phải vào TPHCM để học, mọi chuyện kinh tế ở nhà, ông hướng dẫn vợ và các con từ xa. Đến khi tốt nghiệp cử nhân Luật, ông đã 63 tuổi.

Bước ngoặt lớn nhất của đời ông là dù có 2 tấm bằng đại học trong tay, nhưng ông quyết định tiếp tục học cao học để có bằng thạc sĩ.

"Mê học lắm, tôi cảm thấy lúc nào cũng thiếu kiến thức nên cứ đào sâu nghiên cứu. Khi thi tuyển vào thạc sĩ cũng khó khăn lắm, nhiều người rớt nhưng số phận cho tôi đậu. Thế là lại đèn sách hơn 3 năm để học thạc sĩ. Người ta học 2 năm mà tôi phải 3 năm vì nhiều chứng chỉ khó so với tuổi già của tôi. Hơn thế, có năm mùa màng thất bát, tôi phải về để vực lên lại"- ông Tuyển kể.

Lão nông 74 tuổi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ - 2

Bảng thành tích học tập từ năm 28 tuổi đến năm 70 tuổi của ông Lương Tuyển

Trời không phụ người, một ông lão dù 70 tuổi đã lấy bằng thạc sĩ Luật chính quy khiến cả trường Đại học Luật TPHCM khi ấy ngã mũ, thán phục. Ngày tốt nghiệp năm 2017, đích thân hiệu trưởng nhà trường đến tôn vinh, tổ chức lễ cho ông Tuyển để ghi nhận học viên lớn tuổi nhất trường lấy bằng thạc sĩ.

Học, học nữa, học mãi

Dù bước sang tuổi 74, nhưng nỗi niềm đam mê đèn sách đáng kinh ngạc của ông khiến chúng tôi kinh ngạc.

Ông Tuyển tâm sự: "Ước mơ lớn nhất của tôi là lấy được bằng tiến sĩ. Nhưng học lên tiến sĩ đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều nghiên cứu đặc biệt là phải thông thạo anh văn. Hiện nay, tôi đang tự học anh văn qua Internet. Học qua mạng rất đa dạng, phong phú và tự chủ. Ngày làm, đêm về, tôi đọc sách, rồi mở máy tính ra học. Nhiều đêm ngủ không được, cũng lôi máy tính ra học. Vốn tiếng Anh của tôi có thể giao tiếp được nhưng vẫn còn kém, mà muốn có chứng chỉ Anh văn, phải rèn luyện rất nhiều, chỉ sợ tôi không còn đủ sức khỏe".

Triết lý của ông Tuyển là "sự học không bao giờ muộn", "Học, học nữa, học mãi", "Sống phải có ý nghĩa"…. vì vậy người trẻ học 1 tiếng là thuộc thì mình già, mình học 2 tiếng. Muốn học thì không chỉ biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học mà phải hết sức kiên trì. Có thể học trước quên sau, nhưng học mãi thì cũng nhớ.

Ông luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, khi học cao học, tôi luôn liên hệ các bài giảng trực tiếp với thực tế để dễ nhớ và lâu quên.

Lão nông 74 tuổi quyết tâm lấy bằng tiến sĩ - 3

Ông Tuyển và người vợ tảo tần giúp ông đi học.

Học đi đôi với hành, chính vì có kiến thức, am hiểu luật pháp, áp dụng vào thực tế nên công việc đồng áng gặt hái được nhiều thành công. Vợ chồng ông có được một cơ ngơi với diện tích khoảng 10ha trồng lúa, bưởi, măng…chỉ riêng trồng lúa mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Năm nay, vườn bưởi 600 gốc gồm 100 gốc ở nhà và 500 gốc trên rẫy bắt đầu cho trái hứa hẹn một nguồn thu nhập đáng kể. Là chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang 1, 25 năm qua, ông sử dụng kiến thức luật học để bảo vệ tài sản của hợp tác xã, thường xuyên đổi mới trong khoa học kỹ thuật để hỗ trợ bà con trong xã sản xuất, phát triển kinh tế…

(Nguồn: Báo Người Lao Động)
Bình luận
vtcnews.vn