Sáng 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại diện các địa phương đã đưa ra nhiều kiến nghị.
Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, đến thời điểm này tỉnh đã giải ngân xấp xỉ 15% vốn của năm 2023. Để đạt được kết quả này, tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt do chủ tịch tỉnh là tổ trưởng và phân công cụ thể cho các sở, ngành, chủ tịch các địa phương, gắn với trách nhiệm, gắn với thi đua khen thưởng, "nếu không làm được sẽ thu hồi vốn giao cho các địa phương khác”.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Thủ tướng cho phép được điều chỉnh dự án vay vốn nước ngoài ODA đối với dự án thoát nước vệ sinh môi trường TP Hạ Long để tỉnh làm thủ tục gia hạn dự án này, đồng thời kiến nghị: tất cả các dự án đầu tư công được phép tách ra thành các tiểu dự án giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cho biết, năm 2022, đến tháng 9 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%, khi đó Thủ tướng đã phái đoàn công tác làm việc với TP Hà Nội. Đến 31/1/2023, TP Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỷ đồng (87,8%).
Năm 2023, TP Hà Nội đã phân khai ngay gần 47.000 tỷ đồng vốn đầu tư công và phân luôn trách nhiệm chính. Ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã thanh tra công vụ về đầu tư công, thanh tra kết quả năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh đến Luật Đầu tư công. Theo ông Thanh, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng đang vướng chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. "Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà hội đồng nhân dân không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn", ông Thanh đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cho rằng việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia còn gặp một số khó khăn do chưa có định mức hỗ trợ cho 4 nội dung: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung.
Thứ hai, về tiêu chí lựa chọn các hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo thuộc danh sách dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù. Về việc này, đề nghị Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia để bảo đảm chất lượng tiến độ, mục tiêu và chỉ tiêu các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ cho phép Gia Lai được kéo dài thời gian bố trí vốn, kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn năm 2022 sang năm 2023.
Bình luận