• Zalo

Lala rút lui, các công ty giao đồ ăn khác có tiếp tục 'đốt tiền' ở thị trường Việt Nam?

Kinh tếChủ Nhật, 06/01/2019 17:08:00 +07:00Google News

Các công ty giao đồ ăn như Now và đặc biệt là Grab và Go-Viet đều khuyến mãi liên tục để hút khách hàng.

Sau khoảng 1 năm vận hành, nền tảng giao nhận thức ăn Lala đã phải rút lui khỏi thị trường và chấp nhận từ bỏ “miếng bánh” béo bở nhưng không “dễ nuốt” trị giá 38 triệu USD, theo ước tính của Euromonitor.

Đại diện Lala cho biết hiện doanh nghiệp đang tập trung vào việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sang B2B, hướng đến khách hàng doanh nghiệp và không nói rõ lý do đằng sau việc từ bỏ thị trường giao nhận thức ăn.

Website Lala.vn, kênh thông tin duy nhất còn hoạt động của nền tảng này, cũng giới thiệu Lala là “giải pháp kinh doanh online chuyên nghiệp cho các nhà hàng” thay vì nền tảng đặt món như trước.

Screen Shot 2019-01-06 at 3.52.21 PM

Lala rút khỏi thị trường giao đồ ăn.

Lala được khai sinh bởi Ahamove và trực thuộc Scommerce, doanh nghiệp sở hữu một công ty giao nhận nhiều kinh nghiệm trên thị trường thương mại điện tử là Giao hàng nhanh. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để giúp Lala có thể trụ lại được trong cuộc chiến giao đồ ăn.

Cạnh tranh khốc liệt 

Hình thành từ cách đây vài năm nhưng thị trường giao đồ ăn trực tuyến mới thật sự “nóng” lên trong khoảng 6 tháng trở lại đây với sự tham gia của Grab và mới đây nhất là Go-Viet.

Kể từ khi gia nhập thị trường vào cuối tháng 11, Go-Viet liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng như giảm giá lên tới 50% hay miễn phí giao nhận trong phạm vi 5 km đầu tiên.

Bắt đầu thử nghiệm tại TP.HCM từ tháng 5, nhưng các chương trình khuyến mãi của GrabFood cũng chỉ bắt đầu rầm rộ từ sau khi Go-Viet ra mắt dịch vụ GoFood. Grab cũng thường xuyên đưa ra các mã giảm giá 50% hoặc giảm giá trực tiếp vài chục nghìn đồng hay thậm chí miễn phí đơn hàng có điều kiện.

grab1_1 3

 Tài xế Grab đông đúc bên trong một quán trà sữa đợi nhận hàng để giao cho khách.

Trong khi đó, các ứng dụng như Now của Foody hay Lala trước đây cũng có nhiều ưu đãi giảm giá cho khách hàng nhưng số lượng không lớn như của Grab và Go-Viet.

Có thể thấy, các ứng dụng giao đồ ăn đều sử dụng chiến lược khuyến mãi để lôi kéo khách hàng, tương tự như cuộc chiến “đốt tiền” của các ứng dụng gọi xe hay thương mại điện tử.

Và trong cuộc đấu này, túi tiền của Lala, một doanh nghiệp nội, khó so được với các đối thủ được hậu thuẫn bởi những doanh nghiệp công nghệ quy mô khu vực có vốn hóa tỷ USD.

Tuy nhiên, không một doanh nghiệp nào có thể “đốt tiền” mãi được. CEO Lazada Việt Nam Zhang Yi Xing từng chia sẻ với Zing.vn rằng “đốt tiền” không bao giờ là một chiến lược bền vững để cạnh tranh.

“Nếu khách hàng nhận được mức giá thấp hơn cả chi phí của doanh nghiệp, thì đó không thể là cách làm bền vững được”, CEO Lazada nhấn mạnh.

Thêm vào đó, giá cả cũng chưa hẳn là yếu tố quyết định đối với khách hàng trong cuộc chơi này. Cụ thể, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường GCOMM vừa công bố ngày 4/1, “có nhiều món ăn giá cả phải chăng” chỉ xếp thứ 5 trong số các tiêu chí quan trọng nhất đối với khách hàng Việt khi lựa chọn dịch vụ giao đồ ăn.

Sau đốt tiền, cạnh tranh bằng gì?

Theo báo cáo của GCOMM, tốc độ giao hàng nhanh chính là yếu tố quan trọng nhất để người dùng quyết định sử dụng dịch vụ gọi món trực tuyến.

“Rõ ràng tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. Dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế”, ông Lê Minh Phương, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Thị trường của GCOMM nhận định.

gra1 4

 Đồng sáng lập Grab tự tin đội ngũ tài xế có sẵn là một lợi thế quan trọng khi tham gia lĩnh vực giao đồ ăn.

Trên thị trường giao thức ăn trực tuyến hiện nay, có thể phân thành hai nhóm ứng dụng chính. Nhóm thứ nhất là các ứng dụng chỉ chuyên về giao đồ ăn như Now của Foody, Vietnammm và Lala trước đây. Nhóm còn lại là các ứng dụng gọi xe có thêm dịch vụ giao đồ ăn như Grab và Go-Viet.

Về số lượng nhân viên giao hàng, hai ứng dụng đặt xe Grab và Go-Viet có lợi thế hơn các đối thủ còn lại với lực lượng tài xế xe 2 bánh hùng hậu có sẵn thay vì phải tự phát triển đội ngũ shipper.

Tổng số lượng tài xế GrabBike và GrabCar tính tới tháng 11/2018 theo phía Grab công bố là 175.000 trong khi Go-Viet cũng từng đưa ra con số 35.000 tài xế vào tháng 9/2018.

Lala cũng có thuận lợi khi được thừa hưởng đội ngũ giao hàng từ Ahamove. Tuy nhiên, theo con số trên website của đơn vị này, số tài xế Ahamove hoạt động thường xuyên là 15.000 người, khá khiêm tốn nếu so với Grab hay Go-Viet.

Bà Tan Hooi Ling, đồng sáng lập Grab cũng khẳng định đội ngũ tài xế có sẵn là một lợi thế cạnh tranh của Grab khi tiến vào lĩnh vực giao đồ ăn.

“Chúng tôi có 3 lợi thế quan trọng. Đầu tiên, nền tảng công nghệ của Grab rất vững chắc và dễ dàng thích ứng với dịch vụ mới. Kế tiếp, chúng tôi có sẵn một thứ mà các công ty giao đồ ăn phải cố gắng xây dựng: mạng lưới giao hàng với các tài xế. Cuối cùng, Grab có một lượng khách hàng đông đảo thường xuyên sử dụng ứng dụng từ trước”, nữ tướng của Grab chia sẻ.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp giao đồ ăn cho biết để rút ngắn thời gian giao hàng và tối ưu hóa quy trình, ngoài việc phát triển đội ngũ tài xế, một yếu tố quan trọng khác là mạng lưới liên kết đối tác quán ăn.

Cụ thể, với những quán ăn đã hợp tác chính thức với các ứng dụng giao đồ ăn, khi người dùng đặt món, cửa hàng sẽ nhận được đơn hàng của khách hàng và chế biến trước giúp tiết kiệm thời gian giao hàng.

Trong khi đó, với những quán ăn không liên kết với ứng dụng, tài xế sẽ đóng vai trò mua hộ như một khách hàng bình thường và mất thêm thời gian chờ nhận món tại cửa hàng. “Đặc biệt, nếu vào các giờ cao điểm đông khách, thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể và khách đặt món có thể sẽ phải đợi lâu”, vị này cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, về tiêu chí mạng lưới kết nối nhà hàng, quán ăn, các ứng dụng chuyên về giao đồ ăn và có mặt từ sớm trên thị trường như Now của Foody hiện chiếm ưu thế hơn so với các doanh nghiệp gia nhập gần đây Grab hay Go-Viet.

Cùng hướng đến mục tiêu cuối cùng là có tốc độ giao hàng nhanh nhất, mỗi ứng dụng đều đang có những lợi thế và bất lợi riêng.

Với riêng Lala, dù được vận hành bởi một doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao nhận, nhưng với việc không có lợi thế cạnh tranh đặc biệt về cả mạng lưới nhà hàng, đội ngũ tài xế hay tiềm lực tài chính, ứng dụng non trẻ này đã phải chấp nhận rời khỏi cuộc chơi hàng chục triệu USD.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn