Kỳ 2: Xé tiền cúng tảng đá
Tảng đá trắng nằm giữa đỉnh đồi, trên khoảng đất trống rộng rãi mới được phát quang. Khắp tảng đá, đặc biệt là dưới chân, có khá nhiều chân nhang, tiền rách, rượu và thuốc lào còn vương vãi, dấu tích của những cuộc viếng thăm trước đây chưa lâu.
Sau khi thắp hương, chúng tôi đi xung quanh để có thể chiêm ngưỡng được kỹ càng hơn khối đá kỳ lạ. Mỗi người đều trầm lặng với những nghĩ suy của mình. Ông Chu Xé Lù phá tan bầu không khí tĩnh lặng bằng một câu chuyện cũ:
Tảng đá trắng này nằm cách bản Pa Thắng (xã Thu Lũm, Mường Tè, Lai Châu) chừng 3,7km, được người dân Pa Thắng đời đời thờ cúng là vị thần bảo hộ. Chuyện xưa kể, có một người đàn ông Hà Nhì lầm lũi đi bộ đến vùng này. Ông đi tìm vùng đất tốt có thể cho gia đình và họ hàng của mình sinh sống mà lập bản.
Thắp hương trước thần đá trắng |
Tỉnh dậy, người đàn ông bèn lần theo dấu chân ông già tóc bạc mà ngược lên ngọn đồi đất. Giữa rừng cây cổ thụ ba bốn người ôm, cỏ mọc um tùm, ông phát hiện ra khối đá trắng này. Cho là sự lạ, ông bèn tìm hỏi dân quanh vùng về sự tích hòn đá trắng.
Những người già từng trải nhất kể cho ông rằng: “Trước đây, thuở hồng hoang, ở phương Bắc có một vị thần. Thấy đất phương Nam phong cảnh đẹp đẽ, cây cỏ tốt tươi, sản vật dồi dào, thần bèn đem thuộc hạ đến cùng xây dựng một cõi an lạc.
Trong đêm tối, thần và vợ (Pú Nhù) vần vũ đi trước, quân lính theo sau. Giữa đường, người vợ bỗng sực nhớ rằng còn quên một số vật dụng, bèn quay lại lấy. Đoàn người vẫn cứ đi, nhưng vì nhùng nhằng chờ Pú Nhù mà hành trình bị nhỡ.
Khi vị thần đến đúng vị trí ngọn đồi hiện nay, đang ngồi nghỉ thì gà gáy sáng. Thần hóa thành tảng đá trắng ngồi ở đây. Pú Nhù cũng nghe tiếng gà mà hóa đá ở bản Mí Gớ (Trung Quốc) cách đó chừng 10km theo đường chim bay. Quân lính của thần là vô số đá ở Pa Thắng hiện tại”.
Tiền cúng đá trắng của cả Việt Nam và Trung Quốc |
Ông Chu Xé Lù cho biết thêm: “Hàng năm cứ vào dịp xuân về, sau Tết Hà Nhì, trước mùa màng mới, người Hà Nhì ở đây lại làm lễ cúng thần đá trắng, cầu cho mùa màng bộ thu. Cách đây ít hôm, vào ngày con hổ (ngày Dần), bà con cũng vừa tổ chức lễ cúng tại nơi này.
Lễ vật cho thần đá trắng không thể thiếu một con lợn đen, hai con gà (tất cả đều còn sống) và ba quả trứng nhuộm đỏ. Ngoài ra còn có 3 bát gạo, 3 bát nước chè, 3 bát rượu. Bàn thờ được làm từ 4 cành cây thẳng khỏe, còn nguyên lá chôn xuống đất, lại lấy tre giang đan phên liếp chia làm 3 tầng.
Luôn có hai thầy cúng tham gia vào lễ cúng, rất trang trọng. Cúng xong, tổ chức cho tất cả mọi người ăn uống vui vẻ ngay tại rừng. Đàn ông mới được phép lên đồi, còn đàn bà con gái thì phải đứng phía dưới bái vọng lên”.
Tiền bị xé làm đôi khi cúng "thần đá" |
Do từ xa xưa thần đá trắng đã được người Pa Thắng thờ làm phúc thần, nên người Trung Quốc không được lập bàn thờ cúng nữa, mà chỉ được cúng nhờ thôi. Mặc dù vậy, họ vẫn rất thành kính, run sợ trước thần đá trắng”.
Khắp trên bãi đất, nơi có tảng đá thạch anh khổng lồ, đều vương vãi rất nhiều những dấu tích của các buổi lễ. Chân nhang, chai rượu, thuốc lào, thuốc lá, tiền giấy… rất nhiều, được đặt vào bất cứ đâu trên tảng đá, từ chân cho đến đỉnh.
Cúng "ông đá" cả thuốc lá |
Tôi dạo quanh tảng đá thiêng, phát hiện ra có rất nhiều tiền Việt Nam và Trung Quốc hiện đang lưu hành. Những tờ tiền có mệnh giá từ 500 đồng đến 50.000 đồng của người Việt Nam và một, hai, 5 nhân dân tệ của Trung Quốc.
Điều bất ngờ là, những đồng tiền ấy đều bị xé đôi (nhân dân tệ) hoặc đốt mất một góc nhỏ (tiền Việt). Ban đầu chỉ nghĩ là tiền rách tự nhiên, nhưng khi chúng tôi lượm xem đến hơn mười tờ tiền, thì rõ ràng đó là sự chủ ý.
Ông Trần Ngọc Lâm trầm ngâm: “Có thể người ta sợ rằng sau khi đặt tiền cúng lễ xong thì có người khác đến thu nhặt mất, thì lễ vật của mình không đến được với thần. Làm hỏng đồng tiền đi thì tiền không sử dụng được, không ai lấy nữa.
Tôi cho rằng, đó là hành động không hay lắm. Đặt tiền cúng thần đá dường như không phải là tục lệ truyền thống. Nhưng dù gì thì việc tự tay mình tiêu hủy những đồng tiền đang nguyên giá trị là không nên một chút nào”.
Lê Quân
Bình luận