Nghiên cứu ACT3 (sàng lọc lao chủ động) đăng trên New England Journal of Medicine - một trong những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học rằng với phương pháp tiếp cận chủ động, chúng ta có thể giảm tỉ lệ mắc lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao.
Đây là kết quả hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock và Chương trình chống lao Việt Nam, Bệnh viện Phổi Trung ương.
Quan điểm sai lầm về bệnh lao
Chiều mùa hè nóng nực cách đây 5 năm, các thành viên trong một gia đình ở cực nam của Việt Nam quây quần trong căn phòng chật hẹp, bên cạnh người cha 80 tuổi. Họ ngồi sát bên giường bệnh và nắm chặt tay người cha nằm bất động, lắng tai nghe những lời trăng trối của cha trước khi lâm chung.
Người cha chỉ đủ sức thều thào ra lời ngắn ngủi trước khi trút hơi thở cuối cùng. “Giá như cha biết về căn bệnh này và đi khám bác sĩ sớm hơn, các con đừng giống như cha”, ông T (Cà Mau) nói. Ông T có ba con trai sống gần nhau. Cứ sáu tháng một lần, ông lại chuyển tới ở cùng gia đình một người con theo lịch chăm sóc định kỳ mà gia đình đã thống nhất.
Ông khá khỏe mạnh, trừ việc bị ho thường xuyên, mà ông và các con tin rằng đó là hậu quả của hơn 60 năm hút thuốc. Ông T thấy không cần đến bác sĩ thăm khám hay đi bệnh viện kiểm tra.
Cho đến một ngày, ông ho ra rất nhiều máu và được đưa đi khám, gia đình mới biết ông bị lao phổi. Vi khuẩn lao gây tổn thương phổi tương đối nặng nề và tạo ra vài hang trong 2 lá phổi của ông. Chỉ 1 tuần sau đó, 2 trong số 3 người con trai hiếu thuận của ông cũng được chẩn đoán lao phổi theo chương trình sàng lọc người tiếp xúc.
Ông T và 2 người con trai chỉ là 3 trong số hơn 10 triệu bệnh nhân mắc lao trên toàn thế giới, trong đó có hơn 120.000 người Việt Nam, mắc bệnh lao mỗi năm. Ước tính trên thế giới mỗi năm có 1,8 triệu người chết vì lao, nhiều hơn bất cứ căn bệnh lây nhiễm nào khác.
Bệnh lao do vi khuẩn lao gây ra, có thể lây truyền qua đường hô hấp khi người lành hít phải vi khuẩn bị phát tán trong không khí.
Lao chủ yếu gây bệnh ở phổi, nhưng cũng có thể gây bệnh ở cơ quan khác như hạch, xương, màng não... Mặc dù vắc xin BCG phòng bệnh lao được sử dụng rộng rãi trên thế giới, nhưng nó chỉ bảo vệ được trẻ nhỏ khỏi các bệnh lao thể nặng.
Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, bệnh lao có thể dễ dàng chẩn đoán và chữa khỏi. Tuy nhiên nhận thức về bệnh lao của nhiều người dân, mà ông T là một trong số họ, còn hạn chế. Không khám và điều trị sớm, bệnh có thể lây lan như cách mà ông T đã lây cho 2 con trai, làm tăng nguy cơ thiệt mạng, giảm sức lao động và gây ra gánh nặng kinh tế lớn cho gia đình người bệnh.
Chữa bệnh lao không còn là giấc mơ
Từ thực tế trên, năm 2014, dự án ACT3 triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, chủ động sàng lọc phát hiện bệnh lao tại cộng đồng sử dụng xét nghiệm Xpert có độ nhậy và độ đặc hiệu cao.
Dự án đầy tham vọng do GS Guy Marks (Chủ tịch hội lao và bệnh phổi quốc tế, Trưởng nhóm nghiên cứu Hô hấp và Dịch tễ môi trường của Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock) và PGS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam) dẫn dắt.
Nhóm thiết kế nghiên cứu theo mô hình "cluster randomized trial", với đơn vị nghiên cứu là hộ gia đình. Năm đầu họ nghiên cứu trên 18.787 hộ, năm thứ hai 20.762 hộ và năm thứ ba 21.478 hộ. Tất cả đều 15 tuổi trở lên. Số cá nhân nghiên cứu dao động từ 19.890 đến 23.282 người.
Các nhà khoa học chia các hộ gia đình thành hai nhóm. Nhóm 1 là nhóm chứng, tức không can thiệp và nhóm 2 là nhóm can thiệp. Nhóm chứng thì bệnh nhân tự đến trung tâm y tế địa phương để khám nếu họ cảm thấy có nguy cơ. Nếu xác định dương tính thì được điều trị.
Trong nhóm can thiệp, nhóm khoa học đi đến từng hộ gia đình điều tra bằng một bộ câu hỏi liên quan triệu chứng và yếu tố nguy cơ. Họ lấy sinh phẩm của khoảng 10% để phân tích thêm và nếu xác định dương tính thì được điều trị.
Đến năm thứ tư, nhóm xác định số ca lao phổi của mỗi nhóm (chứng và can thiệp), và so sánh giữa hai nhóm. Kết quả, ở nhóm can thiệp, trong số 42.150 người được xét nghiệm, 50 người (hay 0,09%) được xác định là bị lao. Ở nhóm chứng, trong số 41.680 người được xét nghiệm, có 89 người (0,12%) bị lao.
Như vậy, nguy cơ nhiễm ở nhóm can thiệp thấp hơn nhóm chứng 44%. Tính trung bình, phải tầm soát 1.054 người để giảm một ca lao phổi.
Theo nhóm khoa học, đây là nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức can thiệp này. Cán bộ y tế thực hiện sàng lọc tại hộ gia đình, hỏi về triệu chứng và xét nghiệm đờm sử dụng kỹ thuật của sinh học phân tử cho tất cả mọi người dân mỗi năm một lần.
Nghiên cứu ACT3 cung cấp bằng chứng khoa học xác đáng khẳng định việc các quốc gia có thể giảm tỉ lệ mắc lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với phương pháp tiếp cận chủ động.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, giảng viên Đại học New South Wales nhận xét, nghiên cứu truyền tải thông điệp rõ ràng là không nên lệ thuộc vào phương pháp tầm soát thụ động, mà nên dùng tầm soát chủ động để phát hiện các ca lao phổi sớm và cứu người, đồng thời giúp giảm số ca lao phổi trong cộng đồng.
"Các tác giả kết luận rằng tầm soát tích cực ở vùng có nguy cơ lao phổi cao có thể giảm gánh nặng lao phổi cho cộng đồng. Tôi thấy đây là bằng chứng khoa học thuyết phục nhất cho thấy không thể dựa vào sự tự nguyện của cá nhân để tầm soát và kiểm soát lao phổi, mà phải chủ động tầm soát", giáo sư Tuấn nói.
Nghiên cứu trên giúp truyền cảm hứng cho cộng đồng chống lao toàn thế giới, mở ra một hướng đi mang tính đột phá cho chiến lược chấm dứt bệnh lao không chỉ cho Việt Nam, mà còn cho các nước có gánh nặng bệnh lao cao trên thế giới.
Tạp chí The New England Journal of Medicine hoạt động hơn 200 năm, được các nhà khoa học trên thế giới xem là "Kinh thánh" của y khoa, có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Các nghiên cứu được chọn đăng tải hết sức gắt gao và khó khăn. Trong 100 công trình gửi đến thì chỉ 1-2 bài được đăng.
Bình luận