Còn được biết đến với tên gọi hang silo, quần thể nằm bên bờ sông Hoàng Hà này là đại diện cho lối sống độc đáo của con người ở vùng Cao nguyên Hoàng Thổ.
Theo Jing Kang, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pinglu, kiểu nhà truyền thống này tồn tại từ hơn 4.000 năm trước, được xây dựng lại bởi dân làng hơn một thế kỷ trước.
Từ trên mặt đất nhìn xuống, ngôi nhà là một khoảng sân hình chữ nhật trũng được bao quanh bởi bốn bức tường, trông giống như cấu trúc của các sân hình tứ giác truyền thống của Trung Quốc.
Cấu trúc đất tại quần thể vô cùng rắn chắc, tạo độ bền và khả năng chống động đất. Ngoài ra, đặc điểm khí hậu ít mưa cùng với mức chênh lệch nhiệt độ đáng kể giữa các mùa đã tạo ra một môi trường sống khô ráo và dễ chịu trong các hang động.
Về nguồn gốc của loại hình nhà ở độc đáo này, ông Jing Kang cho biết, trong quá khứ, do sự khan hiếm tài nguyên gỗ dọc theo sông Hoàng Hà, người địa phương đã xây dựng nhà cửa bằng cách đào hang động dưới lòng đất để tiết kiệm chi phí.
Quá trình xây dựng một hang động thường bao gồm các bước: lựa chọn địa điểm, đào hố và trang trí. Năm 2008, kỹ thuật xây dựng hang động Pinglu được liệt kê là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Zhang Hecheng, một nghệ nhân thủ công địa phương, cho biết quy trình này thường mất vài năm để hoàn thành vì cần phải đảm bảo rằng đất khô hoàn toàn trong khi đào.
Một trong những điểm thú vị khi sống tại những hang động ngầm này là cảm giác ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Điều này có được nhờ vị trí nằm sâu khoảng 10 mét dưới mặt đất và các cấu trúc riêng biệt của hang silo.
Theo Tân Hoa Xã, vào những năm 1950, khoảng 17.000 hang silo ở huyện Pinglu, tạo nên quần thể "làng hang động dưới lòng đất". Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, xã hội cùng với sự gia tăng thu nhập của dân làng, người ta bắt đầu rời bỏ quần thể nhà hang động ngầm này và chuyển lên sinh sống trên mặt đất,.
Mặc dù vậy, quận Pinglu hiện vẫn sở hữu hơn 500 ngôi nhà ngầm. Chính quyền địa phương đang tích cực tận dụng giá trị văn hóa và du lịch của kiến trúc truyền thống này. Bên cạnh khu vực bảo tồn văn hóa dân gian được chỉ định, thì quỹ cố định cũng được phân bổ hàng năm để bảo tồn quần thể hang động.
Tại làng Dongpingtou thuộc thị trấn Duma, hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, người dân tham gia vào các lễ hội truyền thống bằng cách cắt giấy thủ công để trang trí cửa sổ, nấu bánh hình bông hoa và chuẩn bị bột chiên xoắn bên trong các ngôi nhà hang động.
Nhận thấy nét độc đáo và tiềm năng của truyền thống này, một công ty du lịch địa phương đã tân trang lại các hang động bị bỏ hoang và xây dựng một con phố dân gian. Nhiều cơ sở du lịch khác sau đó cũng đầu tư vào khu vực, tạo ra diện mạo hoàn toàn mới cho ngôi làng. Nhờ đó, nơi đây đã trở thành làng trình diễn du lịch nông thôn cấp quốc gia.
Chỉ trong nửa đầu năm nay, số lượng khách du lịch đến thăm các hang động ở làng Dongpingtou đã cán mốc 30.000, trong đó bao gồm chuyến thăm của một đoàn hơn 1.000 học sinh.
Tại thị trấn Zhangdian, một hang động silo hơn 300 năm tuổi sau khi được tân trang và tích hợp các tiện nghi hiện đại đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng được săn đón.
Zhang Lingjuan, người đứng đầu thị trấn cho biết: “Khoảng sân ngầm này hiện là một địa điểm hoàn hảo để ăn uống, thưởng trà và nghỉ qua đêm, thu hút những người trẻ tuổi đang tìm kiếm một trải nghiệm độc đáo”.
Bình luận