• Zalo

Kêu ca ế ẩm, DN xe máy vẫn đua nhau 'bung' hàng

Kinh tếThứ Năm, 02/08/2012 07:19:00 +07:00Google News

Mặc dù kêu ế ẩm nhưng các doanh nghiệp xe máy liên tục tung ra mẫu mới.

Nếu các doanh nghiệp (DN) xe máy có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng thị trường xe máy Việt Nam còn rất tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng trưởng, thì ngược lại, không ít ý kiến cảnh báo thời điểm bão hòa đã tới.

Hàng loạt mẫu xe mới

Trong tháng 7 vừa qua, một loạt các mẫu xe tay ga mới sản xuất trong nước ra mắt đã làm sôi động thị trường xe máy Việt Nam vốn đang trầm lắng và tiêu thụ giảm mạnh.
 
Đầu tháng, Yamaha Việt Nam tung ra thị trường chiếc Nozza phiên bản đặc biệt với màu đen toàn xe, mạ crom một số chi tiết và yên xe có họa tiết mới. Đây được coi là chiêu kích cầu bằng phiên bản mới nhằm thúc đẩy sức mua trong giai đoạn thị trường trầm lắng.
 
Tiếp ngay sau đó, thương hiệu xe Kymco đã nâng cấp mẫu xe Candy 4U 110cc bằng một cái tên mới Candy Hi 110 đi cùng kiểu dáng được trau chuốt hơn dành cho giới nữ.

Cuối tháng, công ty Honda Việt Nam đã tung ra mẫu SH 2012 mới, với 2 phiên bản 125cc và 150cc. Tuy không thay đổi quá nhiều về thiết kế tổng thể của xe, nhưng Honda SH mới được trang bị công nghệ hiện đại nhất thị trường Việt Nam hiện nay.
 
Sau Honda, đến lượt Piaggio Việt Nam ra mắt xe tay ga bản thể thao Liberty S 125 ie mới với màu ghi lần đầu xuất hiện trên thị trường xe tay ga. Giá bán lẻ 57,9 triệu đồng.

Một mẫu xe mới ra mắt thị trường trong tháng 7. 


Nhà phân phối độc quyền thương hiệu xe máy Lambretta tại Việt Nam là công ty Vĩnh Phát, cuối tháng 7 cũng vội vã công bố giá xe Lambretta L125 lắp ráp trong nước ở mức 85 triệu đồng/chiếc, dù phải đến trung tuần tháng 9 tới, mẫu xe này mới chính thức ra mắt. Xe vẫn sử dụng động cơ cũ, linh kiện lắp ráp nhập khẩu 100%, nhưng giá mềm hơn nhiều so với giá xe nhập khẩu nguyên chiếc.
 
Theo các DN, trong lúc tiêu thụ xe máy giảm sút mạnh thì việc tập trung vào phân khúc xe tay ga vốn vẫn rất có tiềm năng bằng cách đưa ra các sản phẩm mới giá cạnh tranh hơn và đẩy mạnh khuyến mãi là cách tốt nhất để làm sôi động thị trường, lấy lại doanh số bán hàng.
 
Khó khăn chỉ là tạm thời?
 
Thị trường xe máy đang khó khăn là điều tất cả các DN thừa nhận, tuy nhiên, hầu hết các DN xe máy FDI đều cho rằng khó khăn chỉ là tạm thời, còn về lâu dài thị trường xe máy Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng mạnh.
 
Ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc Honda Việt Nam cho biết, tiềm năng của thị trường xe máy tại Việt Nam rất lớn và khó khăn chỉ là tạm thời. Honda Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển cả sản xuất lẫn mở rộng bán hàng.
 
Sự tăng trưởng của xe tay ga được các DN cho là đặc biệt ấn tượng. Theo các nhà sản xuất, dù kinh tế khó khăn nhưng nhu cầu sử dụng xe tay ga, đặc biệt là xe tay ga tầm trung vẫn liên tục tăng. Chẳng hạn, với Honda Việt Nam, năm 2010 xe tay ga chiếm 30% tổng số xe máy bán ra, thì sang năm 2011 đã tăng lên mức 38%. Ở các thành phố lớn, xe tay ga có thể tăng trưởng đến hơn 50% trong vài năm tới. Chính vì vậy, các nhà sản xuất đã đầu tư mạnh vào phân khúc này.
 

Ông Costantino Sambuy, Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam, nhận xét, qua điều tra thị trường, công ty nhận thấy thị trường xe máy Việt Nam chưa tới điểm bão hòa, nhu cầu xe tay ga vẫn tăng cao. Hiện đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ trong việc mua xe từ phía người tiêu dùng khi nâng cấp lên những dòng xe tay ga, đắt tiền. Chính vì vậy hãng đã nhanh chóng tăng đầu tư vào Việt Nam để nâng sản lượng xe máy lên cao.
 
Trao đổi với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - VietNamNet đầu năm nay, ông Hiroshi Kobayashi, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Honda châu Á - Thái Bình Dương, cho biết thị trường xe máy Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt và có thể đạt 4,5 triệu xe vào khoảng năm 2018-2020. Có lẽ các DN khác cũng có những dự báo tương tự nên đã đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất xe máy tại Việt Nam.

Dấu hiệu bão hòa?
 
Các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô xe máy cho biết dấu hiệu để nhận biết điểm bão hòa trên thị trường xe máy là khi bình quân xe máy trên đầu người đạt 2,9 người/xe. Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã đạt tỷ lệ sử dụng xe máy là 2,9 người/xe và đây là điểm bão hòa của thị trường này.
 
Thời điểm Việt Nam đạt đến điểm bão hòa được Bộ Công Thương dự đoán là khoảng năm 2020, có nghĩa còn đến gần 10 năm nữa để thị trường tăng trưởng. Bộ này từng tính toán, đến năm 2020 số xe máy lưu hành trên cả nước sẽ đạt khoảng 33,5 triệu chiếc, dân số đạt khoảng 99,6 triệu người, đưa tỉ lệ sử dụng xe máy ở Việt Nam lên tới 2,97 người/xe.
 
Giáo sư Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, cũng có chung nhận định về điểm bão hòa, đó là khi lượng xe máy tại Việt Nam đạt tới con số 30 triệu chiếc. Thời điểm này dự tính sẽ rơi vào những năm 2017-2020.
 
Tuy nhiên, tháng 8.2011, Bộ Giao thông Vận tải (sử dụng số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam) đã đưa ra một con số khác, theo đó, số lượng xe máy đang lưu hành trên thị trường đã đạt đến 33,4 triệu chiếc. Nếu đúng như vậy, ngay lúc này thị trường xe máy Việt Nam đã đến điểm bão hòa.
 
Không cần viện đến những thống kê, thị trường cũng đã có câu trả lời. 2011 là năm sản lượng xe máy tại Việt Nam tăng mạnh nhất. Theo số liệu của công ty Honda thì năm 2011 thị trường xe máy Việt Nam sản xuất 3,7 triệu xe các loại, trong đó 5 DN xe máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài gồm Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio và SYM Việt Nam tiêu thụ 3,37 triệu xe, tăng 30% so với năm 2010.
 
Tuy nhiên, đến cuối năm 2011 thì thị trường xe máy bắt đầu giảm sút. Thông thường các năm trước, cứ vào cuối năm, thị trường xe máy tăng trưởng rất mạnh, xe không đủ để bán và giá tăng với nhiều mẫu xe ăn khách, nhưng cuối năm 2011 ngược lại, thị trường giảm mạnh, mặc cho các hãng liên tục khuyến mãi, giảm giá bán xe. Các đại lý của Honda, vốn nổi tiếng về việc bán trên giá đề xuất rất cao, đã hạ giá bán xuống bằng hoặc thấp hơn giá bán lẻ nhà sản xuất đưa ra nhưng vẫn không thu hút được khách hàng.
 
Năm 2011, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp xe máy đã tăng đến 41,7% so với năm 2010, tăng gấp đôi so với mức tăng của chỉ số sản xuất và tiêu thụ. Điều này cho thấy sức mua của thị trường đang thụt lùi dần so với tốc độ tăng trưởng sản xuất.
 
Kế hoạch 2012 của Honda Việt Nam là sản xuất và tiêu thụ 2,3 triệu xe, nhưng qua 6 tháng đầu năm đã phải điều chỉnh giảm còn 19,3 triệu xe do tình hình bán hàng khó khăn.  Và Nhà máy thứ 3 tại Hà Nam xây dựng xong nhưng chưa chắc đã đi vào sản xuất ngay được bởi nhu cầu giảm, công suất dư thừa.
 
Các DN khác như Yamaha, Piagio cũng trong tình trạng tương tự tiêu thụ xe giảm mạnh  dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, không dạt được theo kế hoạch đề ra. Nhiều ý kiến cho rằng các DN xe máy đã quá khi dự báo về thị trường xe máy Việt Nam.
 
Các DN có thể cho rằng do kinh tế khó khăn, thu nhập giảm khiến cho đại đa số người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến tiêu thụ xe máy giảm mạnh, nhưng nhiều ý kiến cho rằng các DN xe máy đã quá lạc quan khi dự báo về thị trường xe máy Việt Nam.
 
Đến cuối năm 2012, khi các nhà máy mới đi vào hoạt động, công suất xe máy sẽ ở mức 5 triệu xe/năm thì dư thừa là tất yếu và sản xuất sẽ gặp phải không ít khó khăn, thậm chí là cạnh tranh khốc liệt bởi đầu ra cho xe máy.

Theo VEF

Bình luận
vtcnews.vn