(VTC News)- Các quan chức lãnh đạo của thể thao Việt Nam thường tự hào vì thành tích hàng trăm huy chương đủ thể loại giành được tại SEA Games nhưng từ "ao làng" Đông Nam Á tới sân chơi Olympic là cả một trời cách biệt.
Vậy đâu là cách nhanh nhất để thể thao Việt Nam có được 1 tấm Huy chương vàng tại đấu trường Olympic?
Chờ thêm một,hai thế hệ nữa của dân tộc phát triển thể hình, thể chất vượt trội?
Đợi nhà nước rót vài chục tỉ USD cho nền thể thao thành tích cao trong 10-15 năm nữa?
Hay các VĐV phải tự thân vận động, xin thêm nhiều... thuốc bổ và đợi cái duyên của thần may mắn?
Nhiều ý kiến cho rằng, tốt nhất, lãnh đạo thể thao Việt Nam hãy cố gắng coi Olympic như... SEA Games nơi mà chúng ta có thể 'nhét' bao nhiêu môn thi đấu vào cũng được. Có thế, Vovinam, đá cầu hay lặn vòi hơi chân vịt mới trở thành mỏ vàng để thể thao Việt Nam khai thác.
Nhưng thực tế hãy thử xem các môn thi đấu làm cách nào để có quyền xuất hiện tại sân chơi lớn nhất hành tinh.
Cuộc chiến giữa các quốc gia
Lật lại quá khứ, Pierre de Coubertin, cha đẻ của Olympic hiện đại đã phải thực hiện các cuộc đàm phán ngoại giao để sân chơi này nhận được sự công nhận từ các quốc gia trên thế giới.
Cuộc chiến giữa các quốc gia bắt đầu từ đây khi mà mỗi quốc gia đều muốn áp đặt những môn thể thao truyền thống của mình vào chương trình thi đấu của Olympic như là một cách quảng bá nền văn hóa dân tộc. Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia đã được tái hiện xuyên suốt các kì thế vận hội trong lịch sử.
HCV Olympic là cách hiệu quả để quảng bá quốc gia, dân tộc, nền văn hóa
Ngay từ những kì Olympic đầu tiên, những môn thể thao của người Anh đã được đưa vào Olympic như bóng đá, bóng bầu dục và bóng nước.
Năm 1936, tại Olympic Berlin, bóng ném được bổ sung vào chương trình thi đấu. Đây được xem là một môn thể thao của Đức quốc xã bởi nó không chỉ được ưa chuộng bởi Đế chế thứ 3 mà còn bởi Liên đoàn bóng ném quốc tế lúc bấy giờ nằm trong tay của Hitler.
Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô đã nhiều lần thống trị các bảng xếp hạng huy chương khi đưa nội dung 2 môn phối hợp (trượt tuyết và bắn súng) vào thế vận hội mùa đông cũng như thu hoạch số huy chương tối đa nhờ vào thế mạnh điền kinh cùng thể dục dụng cũ dành cho nữ.
Về phần mình, IOC cũng dành sự ưu tiên cho quốc gia đăng cai thế vận hội khi cho phép họ đưa vào chương trình thi đấu một số môn thể thao truyền thống. Mặc dù vậy, không phải quốc gia nào cũng có thể đưa ra một chiến dịch vận động hoàn hảo để nhận được cái gật đầu từ IOC.
Bắc Kinh là ví dụ điển hình nhất khi không thể giúp Wushu xuất hiện tại Olympic 2008. Ngược lại, Judo bắt đầu được biết đến nhiều hơn từ Olympic Tokyo 1964 hay như Taekwondo ở Olympic Seoul 1988.
Sự cạnh tranh giữa các liên đoàn
Không chỉ ở bình diện quốc gia, các liên đoàn thể thao cũng tiến hành những cuộc vận động hành lang của riêng mình nhằm tìm kiếm cơ hội đưa môn thể thao của mình đến gần hơn với thế giới.
Sân chơi lớn nhất hành tinh đòi hỏi sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt
Bóng bầu dục đã có tên tại Rio 2016, sau khi bị loại bỏ từ năm... 1924 vì bạo lực sau trận chung kết hỗn loạn giữa Pháp và Mỹ. 4 cầu thủ Pháp bị thương vào thời điểm đó, không được thay thế và sau trận đấu các khán giả đã phẫn nộ đuổi theo các cầu thủ Mỹ trên các đường phố của Paris để trả thù.
Từ đó đến nay, liên đoàn bóng bầu dục quốc tế đã ra sức đấu tranh để môn bóng bầu dục với 13 người được quay trở lại thi đấu. Trước sức ép đó, IOC đã cho phép bộ môn này trở lại vào năm 2016 nhưng chỉ với đội hình 7 người nhằm đảm bảo sự quản lí tốt nhất cho một đội bóng.
Theo giám đốc tiếp thị của IOC Micheal Payne "IOC tiến hành một phân tích rất chi tiết kỹ thuật để hiểu sự phổ biến của môn thể thao này, số lượng người chơi, cơ sở hạ tầng, truyền hình, truyền thông và sau đó cuối cùng đã có một cuộc bỏ phiếu để quyết định các môn thể thao mới được chào đón vào chương trình."
Vì vậy, các liên đoàn thể thao phải luôn nỗ lực để chứng minh sự vượt trội và phổ biến của môn thể thao mà mình đại diện so với phần còn lại.
IOC không phải tổ chức nhân đạo
"Bạn phải xem xét thật chi tiết, không chỉ bản thân các môn thể thao mà cả những gì nó có thể cung cấp cho Thế vận hội, những gì nó mang lại các chương trình Olympic”
Rõ ràng nhận xét của Mike Lee, một giám đốc truyền thông có kinh nghiệm trong các chiến dịch vận động để đưa một môn thể thao vào Olympic không chỉ ám chỉ giá trị tinh thần mà một môn thể thao mới có thể mang lại mà còn đề cập đến khía cạnh kinh tế, nhất là khi Thế vận hội còn đang chứng kiến cuộc cạnh tranh của những thương hiệu là các nhà tài trợ.
Sau tennis đến lượt golf, một môn thể thao quý tộc, được đưa vào Olympic
Bên cạnh bóng bầu dục, golf cũng là môn thể thao được đưa vào 2 kì Olympic tới. Nó chắc chắn được dành để phục vụ những tầng lớp thượng lưu trong xã hội, những người chỉ tiêu thụ mặt hàng xa xỉ. Golf là môn thể mang lại thu nhấp cao nhất cho các VĐV cũng như các nhà quảng cáo chính vì thế nó là sự lựa chọn số 1 trên khía cạnh thu hút tài trợ cũng như quảng bà hình ảnh Olympic.
Điều ấy không nằm ngoài mục tiêu của IOC là phủ sóng toàn thế giới. Nên nhớ, hình ảnh của Olympic có giá trị không chỉ ở thời điểm đó, khi bán các bản quyền truyền hình, mà về lâu dài: nếu có ai cần hình ảnh cho phim tài liệu, họ cũng phải trả tiền thông qua công ty phát thanh truyền hình của IOC.
Đổi lại, các nhà tài trợ lại là những người có quyền thay đổi những quy tắc và luật chơi. Không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ lại nghĩ ra luật tie – break dành cho tennis vào những năm 70 hay Olympic Seoul đã từng được mệnh danh là Olympic Adidas.
Tóm lại, IOC không phải là một tổ chức nhân đạo quốc tế vì đằng sau mỗi môn thể thao Olympic luôn ấn chứa những thách thức về truyền thông cũng như tài chính.
Kết:
Nên nhớ, Olympic 2012 chỉ có 26 môn thi đấu thay vì tối đa 28 môn như thông lệ nhiều năm qua. Bóng chày và bóng mềm đã bị Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) loại khỏi danh sách và mặc cho có rất nhiều môn thể thao ứng cử để thay thế, sau nhiều vòng bỏ phiếu, vẫn không có môn thể thao nào được chọn.
Điều đó cho thấy, việc chọn một môn thể thao để đưa vào thi đấu tại Olympic không phải là điều dễ dàng.
Và cũng bởi khó khăn là thế nên dù có giành huy chương hay không thì việc góp mặt ở Olympic cũng là niềm vinh hạnh đối với bất kì môn thi đấu nào. Bởi lẽ, Olympic chỉ là nơi tranh tài của một số môn thể thao được biết đến và luyện tập trên khắp thế giới.
Olympic, về cơ bản, không phải là... SEA Games.
Thanh Tú
Bình luận